- Tỷ lệ người có chứng chỉ lái phương tiện đường thuỷ trên cả nước chỉ đạt 3,46%. Con số này là nguyên nhân không nhỏ khiến các vụ TNGT đường thuỷ “nuốt chửng” gần ngàn mạng người và 225 tỷ đồng thiệt hại.

Sáng ngày 18/6, Hội nghị “Tổng kết công tác phòng ngừa và điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường thuỷ” giai đoạn 2005-2011 đã diễn ra tại TP.HCM. Theo thống kê, do địa hình đường thuỷ phức tạp, TP.HCM đứng thứ 2 cả nước về địa phương xảy ra số vụ TNGT đường thuỷ, Cà Mau ở vị trí cao nhất với 189 vụ.

Những con số giật mình

Theo đánh giá của công an các tỉnh thành phố, thực trạng người điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ “trốn luật” hiện nay đang là một vấn nạn.


Vụ chìm đò ở quận 2 TP.HCM vừa qua khiến 4 người chìm suống sông Giồng Ông Tố, trong đó có 3 trẻ em.

Cả nước có khoảng 2 ngàn tàu biển, hơn 800 ngàn phương tiện thuỷ đội địa nhưng quá nửa chưa đăng ký, đăng kiểm. Tổng số người điều khiển phương tiện thuỷ theo luật định phải có hơn 100 ngàn người buộc phải có bằng thuyền trưởng nhưng hiện cũng chỉ chiếm không quá 30%.

Tỷ lệ người có chứng chỉ lái phương tiện đường thuỷ trên cả nước chỉ đạt 3,46%, số còn lại không có bằng, chứng chỉ chuyên môn nhưng vẫn điều khiển phương tiện. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết và mất tích 19 học sinh ở bến đò Chôm Lôm trên sông Lam (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) vào năm 2006.

Chưa đầy 3 năm sau, vụ chìm đò thảm khốc ở bến đò thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình lại tước đi sinh mạng 42 người trong đó có 8 trẻ em. Cơ quan chức năng đã điều tra và xác định, trọng tải cho phép chỉ được chở 12 người nhưng vào thời điểm đó, lái đò (không có chứng chỉ lái phương tiện) đã chở tới… 104 người.

Đại tá Ngô Minh Châu, Phó giám đốc công an TP.HCM cũng chỉ ra thực trạng nhức nhối này ở địa phương khi nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT đường thuỷ đều do cố tình vi phạm pháp luật: không có bằng cấp điều khiển phương tiện, chở quá tải, quá số người…

Tại Đồng Tháp, một tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, trong 7 năm đã xảy ra 105 vụ TNGT đường thuỷ khiến 27 người chết. Trong đó, nguyên nhân xảy ra TNGT vì không chấp hành luật chiếm 65,7%.

Tai nạn nhiều, khởi tố ít

Đại tá Phạm Quốc Cương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII- Bộ công an) cho biết: “Từ năm 2005 đến 2011, cả nước xảy ra 1.405 vụ tai nạn giao thông đường thuỷ, làm chết và mất tích 999 người, chìm 1.002 phương tiện”.

Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục VII, công tác điều tra, giải quyết TNGT đường thuỷ mặc dù đã và đang có hiệu quả song chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Việc điều tra vẫn bằng phương pháp thủ công, truyền thống chưa áp dụng các tiến bộ khoa học.

Một trong các nguyên nhân là hiện nay, nhiều địa phương còn sử dụng các thiết bị khám nghiệm hiện trường từ trước năm 2005, nhiều phương tiện đã hư hỏng, cũ nát. Máy đo lưu tốc dòng chảy, máy đo độ sâu, đo nhiệt độ, gió, khoảng cách đang còn thiếu rất nhiều.

Đây cũng là lý do khiến cơ quan chức năng chỉ khởi tố 298 vụ trong vòng 7 năm. Con số này đã thấp và còn thấp hơn vì sau đó đình chỉ điều tra tới 89 vụ. Những vụ việc khác, do sự phối hợp giữa lực lượng cảnh sát giao thông đường thuỷ và các cơ quan liên quan chưa đạt được thống nhất nên kết quả điều tra không cao.

Quốc Quang