- Ở Bắc Kạn, có một cái tên mà những ai trong giới buôn gỗ lậu đều phải cúi mình bái phục. Người này được xếp vào một trong những đại gia giàu có nhất đất Bắc Kạn. Nghe đâu, đại gia này còn sắm cho mình cả những ngôi biệt thự trị giá triệu đô ở Hà Nội…


Phá rừng xây biệt thự triệu đô

Cái tên Tuấn V. nổi lên từ lúc nào thì chẳng ai rõ, chỉ biết rằng, ở mảnh đất này, người ta nhắc đến con người này như một kẻ có quyền lực tuyệt đối trong “nghành” khai thác gỗ lậu.

Rừng nghiến ở Ba Bể càng chặt phá nhiều đồng nghĩa với việc tiền chảy vào túi Tuấn V. càng nhiều. Một hệ thống biệt thự, bất động sản trị giá hàng chục tỉ đồng cũng được đại gia này thâu tóm.

Nhiều người dân ở khu vực sống ở khu vực vùng lõi vườn quốc gia Ba Bể và các xã lân cận đều khẳng định rằng: toàn bộ số gỗ nghiến sau khi được lâm tặc đốn hạ đều được Tuấn V. thu mua. Dưới quyền ông trùm buôn gỗ này có đến hàng chục chân rết, phục tùng mệnh lệnh một cách tuyệt đối.

Những thớt nghiến như thế này sẽ được bán với giá từ 800-900 ngàn nếu vận chuyển trót lọt đến Lạng Sơn.
Được biết, thời điểm hiện tại, một thớt gỗ nghiến dày khoảng 20 cm, đường kính 40 cm được bán tại Lạng Sơn với giá 800 – 900 ngàn.

Thế nhưng, giá mà Tuấn V. cho đàn em thu gom tận gốc của người dân tại các xã Nam Cường, Xuân Lạc chỉ giao động từ 280 – 300 ngàn. Nếu người dân trực tiếp chở ra khu vực chợ Đồn thì giá chỉ cao hơn tầm 50-100 ngàn/1 thớt.

Điều đặc biệt là dù Tuấn V. thu mua gỗ nghiến với giá rất thấp nhưng người dân nơi đây vẫn chỉ bán cho các chân rết của ông trùm này chứ không bán ra ngoài.

Vì vậy, khó ai có thể mua được các thớt nghiến của người dân nơi đây, cho dù trả giá cao đến bao nhiêu. Và, nếu có mua được thì cũng không bao giờ vận chuyển trót lọt về xuôi, không thể qua mặt được lực lượng kiểm lâm làm nhiệm vụ.

Theo lý giải của một số người dân chuyên làm nghề vận chuyển gỗ thuê cho Tuấn V. thì có 2 lý do khiến Tuấn V. chiếm vị trí độc tôn, thâu tóm toàn bộ số gỗ nghiến sau khi được khai thác.

Thứ nhất, nếu muốn làm ăn lâu dài, gỗ sau khi khai thác chỉ được bán cho ông trùm này; thứ 2 là nếu có ai đó may mắn mua được gỗ thì việc qua mặt kiểm lâm để vận chuyển về xuôi là không thể.
 

Số gỗ nghiến bị bắt này sau khi tiến hành đấu giá sẽ trở thành gỗ hợp pháp. Nhiều nguồn tin khẳng định: hầu hết, trong các phiên đấu giá, Tuấn V đều trúng vì đại gia này sẵn sàng trả giá cao nhất.
 

Chính vì có quyền sinh, quyền sát như vậy nên dù bị ông trùm gỗ này ép giá, người dân nếu có khai thác được gỗ nghiến cũng bắt buộc phải bán cho các đầu mối thu gom của Tuấn V.

Càng mua được tận gốc với giá càng thấp, tiền chạy về túi đại gia này càng lớn. Có tiền, cộng thêm những quan hệ nảy sinh từ tiền nên y dễ dàng thao túng tất cả. Trong báo cáo của lực lượng Kiểm lâm Bắc Kạn, chưa có một biên bản vi phạm nào điền tên ông chủ trong ngành gỗ này.

Một điều đáng nói là gỗ nghiến khi đến tay đại gia này đều là gỗ hợp pháp, có hóa đơn, dấu búa hẳn hoi. Và nghiễm nhiên, số gỗ này được vận chuyển và bán công khai mà chẳng gặp sự cản trở nào từ lực lượng chức năng.

Theo nhiều nguồn tin, toàn bộ số gỗ nghiến sau khi vào tay Tuấn V. bằng cách này hay cách khác, ông trùm này đã hợp thức hóa nguồn gốc gỗ rồi bán cho các thương nhân ở Trung Quốc với giá cao gấp 3 lần so với giá mua gốc.

Gỗ nghiến được hợp thức hóa thế nào?

Theo những người có kinh nghiệm trong giới buôn gỗ lậu thì Tuấn V. toàn sai các vệ tinh của mình đứng tên trong các thương vụ mua bán gỗ.

Thông thường thì những xe hàng tay chân của ông trùm này đi qua các trạm kiểm soát mà ít khi bị bắt giữ. Nếu có bị bắt giữ, thì đó cũng là nước cờ cao tay mà Tuấn V. đã nghĩ tới. Ông trùm này chỉ đạo cho đàn em, lô gỗ nào qua các trạm an toàn, lô gỗ nào phải để cho lực lượng làm nhiệm vụ bắt giữ.

Chính những lô gỗ bị lực lượng kiểm lâm phát hiện sẽ là chìa khóa giúp ông trùm này có được một bộ hồ sơ hoàn chỉnh về nguồn gốc xuất xứ của số gỗ nghiến này.

Nước cờ mà đại gia này hướng tới khá cao tay. Gỗ sau khi bị lực lượng kiểm lâm thu giữ sẽ được lập biên bản, niêm phong cẩn thận. Đúng luật, toàn bộ số gỗ này được bán đầu giá qua Trung tâm đấu giá (thuộc Sở tư pháp).

Gỗ sau khi đã qua đấu giá, trở thành gỗ hợp pháp, có hóa đơn mua bán, có dấu búa kiểm lâm. Và nghiễm nhiên, số gỗ này hoàn toàn hợp pháp, có thể lưu hành.
 

Đằng sau những vụ tàn phá rừng quốc gia Ba Bể, liệu có bàn tay của đai gia Tuấn V hay không?
Điều đáng nói là trong các phiên đấu giá, lúc nào Tuấn V. cũng đẩy giá lên cao nhất. Theo như lời bà Hoàng Thị Nguyền – Phó GD Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (thuộc Sở tư pháp Bắc Kạn) thì: Trong các phiên đấu giá, đại gia Tuấn V. phần lớn dành phần thắng về mình vì đẩy giá lên cao. Riêng khu vực Chợ Đồn, không ai đấu lại đại gia này, kể cả những doanh nghiệp gỗ lớn từ Hải Phòng, Hà Tây đổ về đây.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Bắc Kạn thì trong năm 2011 khối lượng gỗ được đưa ra đấu giá là 693,389m3. Trong đó, khối lượng gỗ nghiến là 198,461m3. Tổng số tiền thu về sau các phiên đấu giá là gần 4 tỉ đồng.

Có đến gần 200m3 gỗ nghiến bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ cho thấy các rừng nghiến ở Bắc Kạn bị tàn phá đến mức độ nào.

Tuy nhiên, số lượng gỗ nghiến bị phát hiên, lập biên bản và xử lý chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Lượng gỗ nghiến khai thác trái phép, lọt qua các sào chắn còn lớn gấp nhiều lần so với số bị phát hiện và thu giữ.
 

Một xưởng chứa gỗ của Tuấn V. Chẳng ai biết được, bên trong khu xưởng rộng cả hecta này chứa những loại gỗ gì. Và, cũng chẳng ai có thể trả lời được rằng: có bao nhiêu m3 gỗ triệt hạ từ Vườn quốc gia Ba Bể đang được tập kết ở đây để chờ “hóa phép” đi tiêu thụ.
 

Số gỗ nghiến được lâm tặc khai thác ở khu rừng quốc gia Ba Bể sau khi vượt qua thập diện mai phục của kiểm lâm về đến Chợ Đồn, qua sự phù phép của ông chủ Tuấn V trở thành gỗ hợp pháp.

Theo giải thích của ông Hoàng Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, sở dĩ, gỗ nghiến của ông chủ Tuấn V sau khi đưa về các cơ sở sản xuất đến Chợ Đồn trở thành gỗ hợp pháp có thể là do doanh nghiệp này lợi dụng hồ sơ, giấy tờ, lợi dụng giấy phép khai thác.

Ông Hải đưa ra một số ví dụ mà quên mất một điều rằng: gỗ nghiến là gỗ cấm khai thác khi chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép. Và, mấy năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn chưa hề cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp nào được quyền khai thác gỗ tại khu vực vườn quốc gia Ba Bể.

Bằng nhiều thủ thuật, ông trùm buôn gỗ - kẻ chuyên đứng trong bóng tối để chỉ đạo toàn bộ hoạt động phá rừng nghiến đã hợp thức hóa toàn bộ số lượng gỗ nghiến và ngang nhiên vận chuyển đi tiêu thụ.

Cách Hạt kiểm lâm Chợ Đồn khoảng 7km theo đường về khu vực huyện Định Hóa (Thái Nguyên) là một điểm tập kết gỗ.

Theo thông tin của người dân, đây là một trong những điểm tập kết gỗ của ông trùm Tuấn V. Điểm tập kết này được canh chừng hết sức nghiêm ngặt, người lạ không thể bén mảng lại gần. Nếu xuất hiện xe biển số lạ dừng trước điểm tập kết này, ngay lập tức sẽ có người cảnh giới từ bên trong ào ra.

Cũng theo thông tin từ người dân, hôm nào gỗ về nhiều, cánh cửa vào điểm tập kết gỗ đóng kín mít. Còn những hôm của mở là khi gỗ phía trong đã được vận chuyển đi hết.

Chẳng ai biết được, bên trong khu xưởng rộng cả hecta này chứa những loại gỗ gì. Và, cũng chẳng ai có thể trả lời được rằng: có bao nhiêu m3 gỗ triệt hạ từ Vườn quốc gia Ba Bể đang được tập kết ở đây để chờ “hóa phép” đi tiêu thụ.

Hoàng Sang

Kỳ tới: Một điều đáng buồn là hiện tại ở Bắc Kạn, chưa ai nắm được diện tích, khối lượng rừng nghiến là bao nhiêu. Và, cũng chẳng ai nắm được con số chính xác về khối lượng gỗ nghiến bị lâm tặc triệt hạ.