- Đến hẹn lại lên, giáp Tết, làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại nhộn nhịp làm bánh chưng đón Tết. Đây cũng là nguồn cung cấp bánh chưng chủ  yếu cho các thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận mỗi dịp xuân về tết đến. Xin trân trọng giới thiệu bài dự thi "Làm báo Tết cùng VietNamNet" của 2 độc giả Tiến Thành – Huệ Trần.

Thôn Tranh Khúc những ngày này, nhà nhà đều tràn ngập sắc xanh của lá dong, mùi thơm và bùi của đậu xanh, thịt lợn... Thời tiết lạnh, nên ai quây quần làm bánh. Mỗi người mỗi việc, người già và trẻ con thì xếp lá dong, đánh nhuyễn đỗ, làm nhân bánh, thanh niên thì gói bánh, buộc bánh.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, trưởng thôn Tranh Khúc, thì nghề làm bánh chưng ở làng đã có từ lâu lắm rồi, không biết ai là ông tổ, chỉ biết là cha truyền con nối, từ đời này sang đời khác.

Để chuẩn bị làm bánh chưng, người thợ làng Tranh Khúc phải chọn và rửa sạch lá dong.

Đến giờ nếu có hỏi các cụ cao niên trong làng cũng không thể nhớ chính xác. Cũng theo ông Thanh, bí quyết để làm nên thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc chính là nhờ cái tài và tâm của người làm bánh.

Người làm bánh chưng không chỉ cần mẫn, thức khuya dậy sớm mà còn phải tỉ mẩn trong từng công đoạn, từ khâu chọn lá, vo gạo đến thổi đậu, chọn thịt, gói và luộc bánh. Ví như lá dong thì phải chọn lá thật xanh, tươi, được lấy từ trên rừng ở các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai… 



Bánh chưng Tranh Khúc được gói hoàn toàn bằng tay mà bánh vẫn vuông vức, thay vì phải dùng khuôn gói

Gạo nếp cái hoa vàng được nhập từ Hải Hậu (Nam Định) hay Thái Bình là thứ gạo ngon nhất dùng để gói bánh. Gạo này sẽ được ngâm kỹ và vo sạch trước khi gói.
Tại một số gia đình sản xuất  bánh chưng với số lượng lớn thì việc làm bánh còn được chuyên môn hóa cao: người gói, người buộc bánh, người làm nhân bánh, người tước lá…  
Sự phân công người gói, người buộc bánh sẽ làm ra nhiều sản phẩm hơn
Buộc bánh thật chặt tay cũng là yêu cầu quan trọng với người làm để bánh ngon và bảo quản được lâu

Sau đó lá phải rửa thật sạch, có vậy mới giữ bánh được lâu, không bị thiu. Gạo thì nhập từ những quê gạo có tiếng như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương. Toàn bộ là gạo nếp ngon, nếu gạo không ngon chất lượng bánh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thịt lợn được lấy tại địa phương, chủ yếu là thịt nạc mông, vai nhưng ngon nhất vẫn là thịt ba chỉ.

Điều quan trọng nhất với người làm bánh chính là khi gói phải thật chặt tay và lúc luộc phải điều chỉnh nước và lửa. Có vậy khi thưởng thức bánh mới có thể cảm nhận được vị ngậy từ đậu,vị béo từ thịt và vị dẻo bùi từ gạo.

Bánh chưng được luộc trong nồi hơi hay bếp củi và sau 6-10 tiếng sẽ chín
Bánh được phơi cho ráo nước trước khi đem hút chân không, đóng bao bì và đem đi bán. Được biết, so với năm ngoái, giá bánh chưng năm nay tăng và dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/chiếc.

Bánh được phơi cho ráo nước trước khi đem hút chân không, đóng bao bì và đem đi bán. Được biết, so với năm ngoái, giá bánh chưng năm nay tăng và dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/chiếc.

Làng Tranh Khúc gói rất nhiều loại bánh chưng, ngoài bánh chưng truyền thống (hay bánh chưng xanh) còn có bánh chưng gấc, bánh chưng rán (bánh loại nhỏ). Bánh chưng xanh thì nhà nào cũng làm, nhưng bánh chưng gấc thì chỉ có nhà anh Nguyễn Duy Thành là làm.

Loại bánh này bên ngoài không khác bánh chưng truyền thống, nhưng bên trong có màu đỏ bắt mắt, thơm ngầy ngậy vị gấc.

Theo kinh nghiệm của anh Thành, muốn bánh ngon thì phải chọn nếp cái hoa vàng, gấc phải đỏ tươi vừa độ chín, lá phải là lá dong nếp rừng và phải dùng nước sạch. Tuy có khác về màu sắc, mùi vị nhưng bánh chưng gấc có thể coi là khúc biến tấu độc đáo của bánh chưng truyền thống, mang đến một hương vị mới cho tết cổ truyền của dân tộc.

Tiến Thành – Huệ Trần