- Khi giá xăng giảm, các
hãng taxi đã đồng loạt giảm giá cước, với mức giảm từ 200 - 1.000 đồng/km, tùy
từng loại xe.
Từ đầu năm tới nay, đã có 6 lần tăng giảm giá xăng dầu. Trong đó có 2 lần tăng
và 4 lần giảm, hai lần tăng thì xăng tăng 3.000 đồng/lít, đầu diezel tăng 1.500
đồng/lít; 4 lần giảm thì xăng giảm 2.600 đồng/lít, dầu diezel giảm 1.800
đồng/lít.
Với vận tải hàng hóa, khi tổng giá dầu diezel tăng thêm 1.500 đồng/lít, các DN
đã thương thảo với khách hàng để có thêm phần bù chi phí giá dầu tăng.
Ngay khi xăng giảm giá,
Hiệp hội Vận tải ô tô VN đã chỉ đạo những doanh nghiệp vận tải nào đã tăng giá
thì phải giảm giá cước.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, nếu doanh
nghiệp vận tải hàng hóa không giảm cũng không được, bởi khách hàng thấy giá dầu
giảm sẽ yêu cầu ngay. Hơn nữa để đảm bảo tính cạnh tranh, các doanh nghiệp cũng
phải tự tính toán để cân đối.
Với vận tải hành khách, khi giá xăng dầu tăng phần lớn các doanh nghiệp đều chưa
tăng giá cước, giờ mức giảm giá xăng dầu chỉ tác động giảm 1,2% chi phí đầu vào,
nếu có giảm giá cước cũng chỉ giảm 0,7%, mức giảm đấy không đủ để giảm giá cước.
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội cũng thông
tin, từ tuần trước các hãng taxi ở Hà Nội hầu hết đều đã giảm giá cước, dự kiến
trong tuần này một số hãng chưa giảm sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Với vận tải hành khách, ông Liên cho rằng, phần lớn đều không tăng khi giá dầu
tăng, nên sẽ không có chuyện giảm.
“Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tính tới phương án không tăng giảm giá cước theo
giá xăng dầu nữa mà sẽ tính toán xây dựng giá cước theo mặt bằng chung, để khi
giá xăng dầu tăng - giảm dưới 10% sẽ không tăng hoặc giảm giá cước, chỉ khi chi
phí tăng trên mức 10% mới tính chuyện tăng cước”, ông Liên nói.
Gia Văn