– Vì nhiều lý do khác nhau, không ít người Việt Nam có điều kiện kinh tế tốt đã chọn cách ra nước ngoài chữa bệnh. Trong số đó có những trường hợp vẫn phải “khăn gói” về nước do phác đồ chữa trị là như nhau nhưng giá thành thì khác nhau một trời một vực.

>> Bài toán quá tải bệnh viện: Giải mãi không thấy đáp số
>> Tình cảnh quá tải khủng khiếp ở bệnh viện VN

Bán 2 căn nhà tiền tỷ để sang Singapore chữa bệnh


Bác sỹ Trần Thanh Tú, Trưởng khoa Điều trị tự nguyện A (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trong thời gian vừa qua, khoa Điều trị tự nguyện A đã tiếp nhận khoảng gần chục trường hợp bệnh nhi vào khám, chữa bệnh sau khi trở về từ đợt khám bệnh ở nước ngoài.

Chủ yếu số bệnh nhân này tìm đến các Bệnh viện ở Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, … Trong đó, có những gia đình đã “hi sinh” 2 căn nhà tiền tỷ giữa lòng Hà Nội để đưa con sang Singapore chữa bệnh.

Bệnh viện nước ngoài có cơ sở hạ tầng và cung cách phục vụ vượt trội so với bệnh viện nội (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Đây là trường hợp bệnh nhân mắc ung thư máu (bạch cầu cấp). Với mức chi phí dành cho một giường nằm của bệnh nhân nhi ở Singapore từ 600-800 USD/ngày (chưa tính các chi phí khác), gia đình này đã hi sinh khá nhiều về tiền của để cứu chữa cho con.

Tuy nhiên, sau một thời gian xem xét, gia đình thấy rằng phác đồ và hiệu quả điều trị cũng tương tự như khi điều trị ở Việt Nam, chỉ hơn hẳn khâu chất lượng dịch vụ, nên đã quyết định đưa con trở về để tiết giảm chi phí.

Hiện nay, bệnh nhi này đang được điều trị ngoại trú tại khoa điều trị tự nguyện A - Bệnh viện Nhi Trung ương với tình trạng sức khỏe ổn định cùng mức chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với bệnh viện ở Singapore.

Theo PGS. TS, bác sĩ Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) thì hiện nay, phương pháp điều trị ung thư tại Việt Nam đều tuân thủ quy trình chuẩn quốc tế. Với mỗi quy trình, các cơ sở điều trị ung thư trong nước đã áp dụng các phương pháp và máy móc tiên tiến.

Về điều trị, các cơ sở điều trị ung thư trong nước cũng đã làm chủ các phương pháp mới. Do đó, về trình độ chuyên môn và hiệu quả điều trị thì không có sự khác biệt nhiều giữa bệnh viện Việt Nam với bệnh viện ở các nước lân cận.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức Hà Nội cũng cho biết ông đã tiếp nhận không ít bệnh nhân xuất ngoại trở về lại tìm vào bệnh viện Việt Nam để chữa trị tiếp vì chi phí ở nước ngoài quá đắt song hiệu quả thì không khác nhau là bao.

Bác sỹ Việt Nam cũng xuất ngoại chữa bệnh!

Tuy nhiên, bất chấp những lý giải của những chuyên gia đầu ngành, xu hướng người bệnh đổ ra nước ngoài dường như vẫn không dừng lại.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, điểm đáng chú ý là không chỉ có người dân bình thường có điều kiện kinh tế tốt nhắm tới các bệnh viện nước ngoài để chữa bệnh mà theo tiết lộ của “người trong ngành” thì ngay cả chính các bác sỹ của Việt Nam cũng có xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh để được nhận lại dịch vụ tốt.

Trong thời gian vừa qua, dưới hình thức đi du lịch hoặc công tác, nhiều bác sỹ Việt Nam đã đưa chồng/vợ, con, bố mẹ sang Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, … đã chữa các bệnh mãn tính.

Là người trong ngành, họ hiểu và nắm được đầy đủ các thông tin về trình độ chuyên môn của các bệnh viện này và biết rằng sẽ phải chi trả một khoản lớn. Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng đi!

Sự thất bại của bệnh viện nội?

Vì sao bệnh viện nước ngoài lại “hút” bệnh nhân Việt Nam nhiều như vậy? Đây là câu hỏi mà lãnh đạo Bộ Y tế đã đưa ra và cũng theo đánh giá của Bộ Y tế, thì nguyên nhân chủ yếu là do người Việt sính ngoại. Nhưng thực tế, có phải người bệnh nào đi nước ngoài chữa bệnh cũng là sính ngoại?

Anh Triệu Văn T., người từng sang bệnh viện M.Elizabeth của Singapore chữa bệnh ung thư gan cho biết: “Vào Bạch Mai và sang bệnh viện này, kết quả chẩn đoán và hướng điều trị không khác nhau nhiều. Nhưng sang bệnh viện ở Singapore, tôi mới thấy mình được là... người”.

Vào viện ở Việt Nam, bệnh nhân không được nằm mà phải ngồi điều trị vì quá tải! Nơi nào có giường là nơi đó có 2-3 bệnh nhân nằm quay đầu đuôi (Ảnh: N.A)

Anh kể: Bệnh nhân sang bệnh viện nước ngoài được đón tiếp chu đáo, phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát, không có cái không khí ngột ngạt, 3-4 người mắc trọng bệnh phải nằm chung một giường. Họ không bị “cò” bủa vây, không bị bác sỹ quát mắng, được trả lời tường tận mọi thắc mắc đưa ra, được tư vấn đầy đủ về thuốc thang, tâm lý, vv…

Ngoài ra, bác sỹ không dọa bệnh nhân, khiến bệnh nhân thêm sợ hãi, lo lắng. Người nhà bệnh nhân cũng không bị thủ tục hành chính “hành hạ”. Họ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là động viên người thân, ngoài ra các phần khác đã có bệnh viện lo. Ngoài ra, điểm nổi bật tại các bệnh viện nước ngoài là mọi dịch vụ đều minh bạch.

“Không có những khoản “không có hóa đơn” như ở bệnh viện Việt Nam. Vì thế, nếu có đủ tiền, tôi vẫn qua nước ngoài chữa bệnh để được đối xử như một con người”, anh T. cho biết.

Một cán bộ từng là lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận với tình trạng khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lập hiện nay tại Việt Nam thì việc ngành y tế Việt Nam để mất bệnh nhân là tất yếu.

Ông Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cho biết điều kiện cơ sở vật chất trong các bệnh viện hiện nay đã xuống cấp trầm trọng. Nếu bệnh viện nào cũng được xây dựng đẹp đẽ như khách sạn, được phục vụ tốt, chuyên môn tốt thì bệnh nhân tất yếu sẽ tìm đến.

Mỗi năm có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh với khoảng 1 tỉ USD viện phí

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm người bệnh VN đã chi tới 1 tỉ USD chữa bệnh riêng tại các bệnh viện ở Singapore. Ngoài ra, các bệnh viện ở Thái Lan, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác cũng rất đông bệnh nhân Việt Nam đến khám, điều trị nội trú.

Ngọc Anh