- Người đàn ông tuổi đã lục tuần nhưng vẫn còn tráng kiện. Một tay ông cầm búa, một tay kềm chặt lấy thanh sắt một đầu nướng đỏ. Nhát búa đập xuống, nhưng tia lửa văng ra. Trước mặt ông, người phụ nữ cũng đã qua tuổi thanh xuân với chiếc búa tạ trong tay cùng ông đập vào thanh sắt. Cả hai búa đập nhịp nhàng tạo ra âm thanh vừa khô khan vừa trầm buồn...

Tiếng búa giữa khu dân cư

Cứ thế suốt một buổi sáng, trong con hẻm bên hông chợ Nhật Tảo (P.4, Q.10, TP.HCM), tiếng búa cứ đều đặn phát ra những âm thanh nhịp nhàng.

“Chẵn 30 năm rồi đó”, chị Trịnh Thị Huệ một người dân trong hẻm nói. Chị cho biết thêm: “Lò rèn này bắt đầu hoạt động từ năm 1982. Ban đầu bà con nghe chưa quen tiếng búa cũng có người khó chịu nhưng riết rồi âm thanh đó trở nên quen thuộc. Những ngày lò rèn im tiếng, cư dân trong xóm cảm thấy như thiếu một thứ gì đó thân thuộc”.
 
Lò rèn của ông Lê Văn Châu trong xóm nghèo bên hông chợ Nhật Tảo.

 
Tiếp xúc với bà con nơi đây, chúng tôi chưa hề nghe một lời than phiền nào về cái lò rèn độc nhất vô nhị vốn hiện hữu hàng chục năm trong xóm lao động nghèo. Mỗi khi nói về lò rèn này, bà con thường biểu lộ một tình cảm đặc biệt với ông chủ lò.

Dường như chính tiếng búa vang lên hàng ngày ấy đã tạo thành một sợi dây vô hình, gắn kết tình thân ái giữa những người dân trong xóm với nhau.

Đến 12 giờ trưa. Nhà nhà quây quần bên bữa ăn cũng vừa lúc tiếng búa im bặt. Nhìn vào bên trong, đôi vợ chồng chủ lò đã ngưng công việc. Người chồng dùng nước phun lên, dập tắt lò than đang cháy đỏ.

Kềm và búa, dụng cụ hành nghề được xếp vào một bên. Bên cạnh, những thanh sắt đang được tạo hình, sản phẩm của một buổi sáng lao động miệt mài được sắp thành hàng ngay ngắn.

Ghé vào một quán nước gần đó, một cụ già kể cho chúng tôi nghe về nhân thân của người chủ lò. Bằng chất giọng trầm ấm, cụ nhắc lại chuyện xưa: “Thằng Mười sinh ra và lớn lên tại ngôi nhà nó đang ở. Gia đình nó đông anh em nhưng toàn là trai, chỉ độc một cô con gái thứ 6 giờ đã đi lấy chồng làm ăn xa. Ngày nhỏ cũng được ăn học đàng hoàng nhưng đến 17 – 18 tuổi nó bắt đầu hư...” .
 

Ông Châu đang thao tác

 
Ông cụ lảng tránh không nói cụ thể 'cái hư' của ông chủ lò rèn vào thời trai trẻ như thế nào. Cụ nói tiếp: "...sau 1975 nó vẫn còn lêu lổng nhưng đến khi gặp một người phụ nữ kết làm vợ chồng, nó chí thú làm ăn với cái lò rèn này đến hôm nay".

Sự có mặt của lò rèn trong khu dân cư này đã tạo nên một sắc thái độc đáo. Trong toàn thành phố, tìm cho được một lò rèn còn đỏ lửa quả là một việc vô cùng khó. Trong lúc ngoài thị trường bày bán nhan nhản các dụng cụ cầm tay được sản xuất hàng loạt theo dây chuyền công nghệ hiện đại, nhưng lò rèn này vẫn ngày ngày vang tiếng búa là điều không ai có thể nghĩ đến.

Châu “cắt” Nguyệt “cụp”

Người trong xóm vẫn thường gọi là ông Mười do thứ tự trong gia đình của ông. Ông chính tên là Lê Văn Châu, sinh 1952, vừa tròn 60 tuổi. Ông Châu người to cao, khỏe mạnh. Gương mặt rắn rỏi nhưng phúc hậu. Giọng nói chậm rãi, từ tốn.

“Cái duyên làm thợ rèn đến với tôi phát xuất từ một cuộc tình” - ông Châu nói với chúng tôi như thế. Năm 1982, ông gặp và phải lòng một người con gái rồi kết làm vợ chồng. Lúc bấy giờ ông đang làm nghề thợ hồ. Thời điểm ấy, ở TP.HCM các công trình, dự án chưa nhiều nên việc mưu sinh cũng lắm khó khăn, làm một ngày nghỉ dăm bảy ngày.

Thấy cuộc sống của con mình bấp bênh, bố vợ ông vốn là một thợ rèn gọi về truyền nghề. Ông học nghề với bố vợ khi đã 30 tuổi.

Ông tâm sự: “Ở cái tuổi này mà còn đi học nghề thì biết bao giờ mới kiếm được chén cơm. Thế nhưng chính vì đã đứng tuổi, đã qua cái thời sôi nổi, bồng bột và với quyết tâm cao, tôi chỉ học hơn 1 năm rồi về đây mở lò, hành nghề đến hôm nay”.

Hai vợ chồng ông sống với nhau được vài năm, có được một mụn con gái thì 'gãy gánh'. Ông trở về cuộc sống đơn thân nhưng hàng ngày lò rèn vẫn đỏ lửa và tiếng búa vẫn đều đều vang lên.

Một mình, ông cần mẫn làm việc. Chỉ im tiếng vào buổi trưa để cả xóm nghỉ ngơi, lò rèn của ông luôn tấp nập khách ra vào. Sản phẩm do ông làm ra là những dụng cụ để phục vụ cho nghề gò hàn xe hơi (làm đồng). Những chiếc kéo cắt tôn, búa gò, đe cầm tay, đầm dúm (dùng để lận máng nước mui xe) làm ra không đủ tiêu thụ. 

Châu “cắt” - Nguyệt “cụp”

 
Đất nước đang còn trong thời kỳ bao cấp. Xe đời mới chưa nhập về, cả dụng cụ làm nghề cũng phải tự tạo nên lò rèn của ông ngày một phát đạt. Hàng ông làm ra vừa theo đơn đặt hàng, vừa sản xuất hàng loạt để cung ứng cho thị trường các tỉnh.

Rồi ông bước thêm bước nữa. Người vợ sau của ông là bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, kém ông 9 tuổi. Có lẽ cảm thông với sự đơn chiếc, bà Nguyệt lo lắng cho ông từng miếng ăn đến giấc ngủ. Bà cũng chính là người học trò của ông. Hàng ngày bà quanh quẩn bên ông khi thì phụ đập búa, lúc thì cùng ông dọn dẹp. Vậy mà chẳng mấy chốc bà cũng tự mình đứng lò những lúc ông vắng nhà hoặc ốm đau...

Nhiều người trong xóm còn nhớ đến thời hoàng kim của ông. Bà con cho biết lúc bấy giờ tiếng búa của lò rèn đã trở thành một bản nhạc quen thuộc.

Cứ “cắt” rồi “cụp”, cắt...cụp, cắt…cụp giòn rã. Hãn hữu lắm vợ chồng ông mới có một ngày im tiếng. Những lúc đó xóm nhỏ trở nên buồn, lặng và điệp khúc Châu “cắt”, Nguyệt “cụp” thành một thứ âm thanh ru hồn . . .không lẫn vào đâu được.

Trần Chánh Nghĩa

(Còn tiếp)