- Đại học vừa là ước mơ
thoát nghèo, nhưng cũng là nỗi lo lắng, trăn trở lớn nhất của cô học trò xứ
Lạng. Bởi, nếu may mắn đỗ đại học, em cũng chưa biết mình sẽ đi học như thế nào
khi gia cảnh gần như bế tắc…
Tuổi thơ buồn
Nụ cười luôn nở trên môi, cách trò chuyện hồn nhiên, vô tư, câu chuyện của cô
học trò nghèo, cô bé Phạm Kim Giang (THPT Việt Bắc, Lạng Sơn) khiến người đối
diện đi từ sự bất ngờ, đến cảm phục.
Phạm Kim Giang (áo trắng) sau buổi thi đầu tiên |
Là con thứ 3 trong gia đình
có 5 anh chị em, ngay từ nhỏ, Giang đã ý thức được hoàn cảnh khó khăn của bố mẹ:
Nhà cửa xiêu tán, cả gia đình phải đi thuê trọ, nay đây, mai đó. Bố phải đi làm
thuê, làm mướn đủ nghề nhưng vẫn không đủ xoay sở cho việc học hành, ăn ở của
các con. Giang và người chị cả sớm phải đi làm thêm, bươn trải để phụ giúp bố
mẹ.
“Mẹ em bị tai biến mạch máu não, mất hoàn toàn khả năng lao động từ khi em
học lớp 5. Bố em thì đi làm thuê, nhưng mỗi tháng tiền nhà, tiền sinh hoạt cũng
không đủ, lại phải vay nợ… Chính vì thế, nhà em phải chuyển chỗ thuê trọ liên
tục, có năm chuyển tới mấy lần, đến nỗi, em chẳng có được người hàng xóm nào
thân thuộc…” – Giang ngậm ngùi nhớ lại.
Điều đáng buồn là, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng gia đình em không nhận được sự hỗ
trợ chính quyền địa phương do cảnh sống nay đây, mai đó. Từ nhỏ, Giang và các
anh chị em đã quá thấm thía những cái Tết buồn, những tháng ngày bố mẹ phải chạy
vạy nợ nần.
“Nhiều lúc em còn chứng kiến, bố mẹ em không thể vay nổi một ít tiền cho
chúng em đóng học phí, chỉ bởi người ta thấy gia đình em nghèo quá, sợ không có
khả năng trả nợ… " – Giang buồn bã bảo.
“Lên lớp 10 em bắt đầu đi rửa bát thuê cho người ta để phụ thêm tiền ăn, tiền
nhà cho bố mẹ. Lớp 11, 12 thì em đi bán hàng tạp hóa ở gần nhà, lương thấp chỉ
khoảng vài trăm nghìn, nhưng cũng đỡ được phần nào” – Giang chia sẻ.
Mới đây, khi bệnh tình của mẹ em nặng hơn, bố Giang đành phải quyết định bỏ vào
Nam kiếm sống. Cô bé khẽ hạ thấp giọng khi kể về cha mình: “Bố em ngày xưa
học rất giỏi, bố biết đàn, hát, biết cả chữ Hán, thư Pháp... Nhưng nhà em nghèo
quá, bố làm lụng quần quật, tóc bạc trắng cả vì suy nghĩ. Bố phải đi làm ăn xa
cũng là cực chẳng đã, chứ để mẹ con, chị em chúng em ở nhà, bố em không yên tâm
được. Mà cũng không biết bao giờ bố mới về…”.
Trong thoáng chốc, nét hồn nhiên biến mất. Có lẽ, cô học trò nhỏ còn mải nghĩ
đến một nơi xa nào đó, nơi người bố của mình đang bước vào cuộc mưu sinh đầy khó
nhọc…
Mơ ước chông chênh
Dù nhà nghèo, hoàn cảnh éo le như vậy nhưng Giang vẫn cố gắng học hành thật chăm
chỉ. Bởi lẽ, em biết rằng học không chỉ giúp em có một tương lai tốt đẹp hơn, mà
còn cho em trí tuệ, sự hiểu biết – điều mà bố em luôn răn dạy.
Lên cấp 3, dù rất nhiều lúc đã tính đến chuyện bỏ học, hoặc cố gắng học tốt
nghiệp Phổ thông rồi đi làm công nhân nhưng ước mơ đi thi đại học vẫn luôn ở
phía trước, là động lực để em cố gắng học tập.
“Em muốn học ĐH, được về Hà Nội học thì càng tốt, vì có lẽ không ở đâu điều kiện học tập bằng Hà Nội” – Giang bộc bạch. |
Dù vậy, Giang những tưởng
sẽ phải gác lại giấc mơ “Hà Nội” vì không có tiền đi thi.
Thật may mắn khi năm nay thành Đoàn Lạng Sơn phối hợp với thành Đoàn Hà Nội
tổ chức thí điểm việc đưa đón, giúp chỗ ở miễn phí cho những đối tượng có hoàn
cảnh khó khăn và Giang nằm trong danh sách này.
Em khăn gói lên Hà Nội với cả niềm vui, hạnh phúc và lo lắng. Ước mơ gần hơn,
nhưng cũng thật chông chênh, khi nỗi lo mưu sinh sớm đè nặng lên tâm trí.
“Lớp 12 em đi bán hàng, hôm nào cũng đi làm về đã 9h, 9h rưỡi tối, em laij
vội vàng tắm rửa rồi ngồi học đến 12h đêm. Em chẳng có tài liệu, sách vở gì để
ôn thi cả, nên chỉ ôn bằng sách giáo khoa thôi. Riêng môn Sử, cô giáo biết hoàn
cảnh của em nên bảo em cứ đến học không phải đóng học phí” – Giang vui vẻ
kể.
Trong những đêm chong đèn ngồi học ấy, Giang đã quyết định sẽ thi vào ĐH Sư phạm
Hà Nội, khoa SP Giáo dục Công dân. Lý do theo em, thì rất đơn giản: “Nếu em
đỗ thì học sư phạm sẽ đỡ tiền học phí, em sẽ cố gắng tìm việc làm thêm để tự lo
ăn, ở. Còn ngành học GDCD, em chọn là vì em muốn được dạy không chỉ kiến thức
sách vở, mà còn dạy cả cách ứng xử, cách sống cho những lứa học sinh sau mình.
Nhiều bạn bè của em không biết trò chuyện với bố mẹ bao giờ, hay nhiều bạn hư,
đua đòi dù gia đình có điều kiện… Em thấy là cô giáo dạy GDCD, em sẽ có điều
kiện gần gũi, tư vấn cho học trò những điều như thế”.
Dù rất hào hứng chia sẻ về giấc mơ ĐH, nhưng Giang lại phác họa về một tương lai
gần hơn, khi kỳ thi đại học khép lại: “Có lẽ em sẽ về Bắc Ninh, nộp hồ sơ vào
một KCN nào đó để đi làm ngay. Nhà em hiện tại còn nợ 6 tháng tiền nhà, mà không
biết công việc của bố ở trong miền Nam như thế nào.
Nếu thi đỗ ĐH mà chưa có điều kiện đi học ngay, em sẽ bảo lưu điểm, đi làm kiếm
tiền rồi quay lại học sau. Bố mẹ đã khổ cả đời, đã cố gắng hết sức rồi. Em đã
lớn, đã đến lúc phải cố gắng thay cho bố mẹ!”.
Quỳnh Anh