- Chưa đầy 1 tháng, Sở tài chính TP.HCM đá phải phát đi 2 công văn gửi các đơn vị vận tải lớn trên địa bàn, yêu cầu thực hiện kê khai, niêm yết cước vận tải theo giá xăng dầu đã giảm.

Như VietNamNet đã phản ánh trong bài “Doanh nghiệp vận tải cố thủ, chưa chịu giảm cước”, mới đây Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, các cơ quan chức năng đã có công văn can thiệp.

Sở tài chính phải “nhắc bài”

Chiều ngày 10/07, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP.HCM cho biết, Sở tài chính đã có công văn yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố thực hiện giảm giá cước vận tải.

Theo đó, các đơn vị chủ lực của ngành vận tải tại TP.HCM được “điểm danh” yêu cầu giảm cước gồm: Tổng công ty Cơ khí giao thông Vận tải Sài Gòn, Công ty TNHH Một thành viên Bến xe Miền Đông, Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây, Công ty cổ phần vận tải bến bãi Sài Gòn, Hiệp hội Taxi thành phố.

Hầu hết các đơn vị vận tải hành khách chưa điều chỉnh giảm cước.

Bên cạnh đó, Sở tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn thành phố thực hiện kê khai lại cước, niêm yết giá cước mới sau khi xăng điều chỉnh nhằm thực hiện bình ổn giá và kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, đáng nói là trong vòng một tháng Sở tài chính đã liên tục phát đi 2 công văn về vấn đề này nhưng theo ghi nhận, hầu hết các doanh nghiệp vẫn “bình chân như vại”.

Cụ thể, vào ngày 04/07, Sở tài chính đã phát đi công văn lần đầu tiên. Nhưng, gần 1 tháng sau đó, khi xăng dầu giảm giá lần thứ 5, thì tại công văn gửi lần 2, Sở phải thừa nhận: “một lượng lớn đơn vị vận tải hành khách, hàng hóa thuộc đối tượng kê khai giá vẫn chưa thực hiện việc kê khai lại giá theo quy định”.

Trước đó, Bộ tài chính- Bộ Giao thông vận tải đã có thông tư hướng dẫn về mẫu vé xe khách, kê khai cước, niêm yết giá cước, kiểm tra thực hiện giá cước đường bộ và giao các địa phương áp dụng.

Vì sao “cố thủ” ?

Trả lời VietNamNet, ông Lương Trọng Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết: “Không chỉ riêng Sở tài chính, mà mới đây chúng tôi cũng nhận được công văn đề nghị điều chỉnh giảm cước của Sở Giao thông vận tải”.

Ông Hỷ cho biết, việc điều chỉnh giảm cước là điều cần thiết đối với mỗi đơn vị vận tải trong bối cảnh kinh tế khó khăn và sức ép cạnh tranh ngày càng cao. Nhưng bên cạnh đó, còn phải nói lại rằng, vận tải không thể mãi chạy theo giá xăng dầu như thế.

Kinh doanh vận tải đang đứng trước hàng loạt thách thức và nguy cơ phá sản.

Dẫn trường hợp taxi Vinasun, ông Hỷ nói: “Hiện Vinasun có 4.500 xe, chi phí lập trình niêm yết giá mỗi xe là 260.000 đồng. Rõ ràng mỗi khi thay đổi giá cước, chi phí này là cả một gánh nặng”.

“Trước đây, chỉ cần bỏ ra khoảng 700 triệu đồng để có thể đưa một xe Innova G vào khai thác vận chuyển hành khách. Nhưng hiện nay, cũng với loại xe này, chi phí lên đến khoảng 900 triệu đồng”, ông Hỷ nói.

Một giám đốc vận tải hành khách cũng “kêu khổ” rằng: “Hiện nay, hầu hết các đơn vị vận tải hành khách tại TP.HCM đã thực hiện việc khoán xăng cho tài xế. Mức hưởng chiết khấu của một tài xế taxi có thể lên đến 65% nếu một ngày thu về 2 triệu đồng trở nên”

“Điều này đồng nghĩa là, khi giá xăng tăng, công ty phải hỗ trợ bù lỗ nhưng khi giá xăng giảm, tài xế là người hưởng lợi. Tuy nhiên, điều cần thiết lúc này là giá xăng dầu phải ổn định thì mới không gây bất lợi cho các đơn vị vận tải. Hiện giá xăng dầu biến động, cùng với trần lãi suất ngân hàng, khiến kinh doanh bây giờ chẳng khác nào “đào lỗ” , ông này cho biết.

Hiệp hội taxi TP.HCM cho hay đang cân nhắc tính ổn định của giá xăng dầu để tiến hành điều chỉnh giảm cước trong tuần tới. Vào đợt giảm giá xăng dầu lần thứ 4 trong năm, 2 hãng taxi tại TP.HCM là Vinasun và Mai Linh đã thực hiện giảm từ 200-1000 đồng/km.

Tuy nhiên, con số giảm này được cho là đã lỗi thời, nếu không điều chỉnh sẽ trở thành thiệt hại chi tiêu đối với hành khách, là nguy cơ giảm nguồn thu đầu vào, nỗi âu lo thường trực trong thời kỳ “tiền vào nhà khó…”.

Quốc Quang