- “Phố viết đơn thư kêu kiện” chỉ có duy nhất tại TP. Cần Thơ. Ở đó, có những con người tật nguyền vượt lên số phận và những cỗ máy làm việc liên tục suốt hàng chục năm qua.
 
Khu phố thảo đơn thư này là nơi người dân thuê đánh máy các văn bản gửi đến cơ quan chức năng, đóng tại phía trước chợ An Lạc, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Sau bao nhiêu năm, đến hôm nay, khu phố chỉ còn 8 người. Trong đó, có 3 người bị cụt 2 chân, ngày ngày phải ngồi trên xe lăn tìm đến nơi làm việc.
 
Cỗ máy từ buổi sơ khai
 

Năm 1975, sau khi chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại thống nhất 2 miền đất nước, ông Phan Văn Tư (66 tuổi, ai cũng gọi là chú Tư 'già làng' - PV) dù bị bom mìn cắt đứt mất 2 chân nhưng vẫn đầy nghị lực vươn lên bằng nghề thảo đơn thư.

Ông là một trong những bậc tiền bối trong nghề thảo đơn lâu năm nhất còn làm việc đến ngày nay tại khu phố.

Phía trước cổng chợ An Lạc nơi có khu phố thảo đơn thư độc đáo.
 

Ông kể, khi đi bộ đội (từ năm 1968 đến 1970), có lần bị bom mìn cắt đứt 2 chân. Suốt hơn 1 năm ông liên tục chữa bệnh tại Cần Thơ và sau đó lên Sài Gòn nhưng không được.
 
Hòa bình lập lại, có lần tình cờ ông dạo qua trụ sở tòa án, nhìn thấy 2 người đánh máy thảo đơn thư, giấy tờ đầu tiên là ông Văn Tư và Văn Tùng (nay đều đã khuất - PV).

Rồi ông nghĩ, mình còn đôi tay và cái đầu, chẳng lẽ không làm được công việc đó? Ngày đêm ông tự mày mò, học hỏi và lập nghiệp bằng cái nghề mà bây giờ gần 70 tuổi mà ông vẫn gắn bó.

Đến năm 1976, ông Tư đứng ra thành lập một tổ đánh máy gồm 10 người (đường Võ Văn Tần ngày nay).

Thời điểm này, các loại giấy tờ được đánh máy chủ yếu là phiếu mua lương thực, giấy đăng ký kết hôn, giấy tạm trú, tạm vắng và giấy đi đường.
 
Dù tổ đánh máy đã di dời nhiều nơi, ở nhiều con đường khác nhau, nhưng vẫn quanh quẩn trong phường An Lạc, Q.Ninh Kiều.

 
 
 
Ngoài ông Tư, còn có 2 người “đồng nghiệp” cùng đều bị cụt cả 2 chân là ông Nguyễn Văn Hiếu (62 tuổi) và ông Nguyễn Văn Dzu (65 tuổi). Cả ba người đều có những điểm chung là sống trong cảnh tật nguyền, chiếc xe lăn trở thành người bạn tri kỷ, cùng nhau lập nghiệp ở phố thảo đơn thư suốt hàng chục năm qua.
 
Dù đã ở tuổi xế chiều, nhưng các bậc cao niên này vẫn nhạy bén, luôn luôn chính xác trên từng con chữ.
 
Ông Trần Hoàng Hưng (70 tuổi) trong khu phố chia sẻ: “Không được phép gõ sai, chỉ cần một bất cẩn là phải loại cả trang giấy. Bởi máy đánh chữ này không như máy tính hiện đại bây giờ. Sai là không sửa được”.
 
Làm nghề phải có chữ ‘Tâm’
 
Ngày nay, trước sự phát triển của CNTT, người ta thường thảo đơn bằng máy vi tính hiện đại, nhưng ở khu phố này vẫn duy trì được kiểu đánh văn bản bằng máy chữ lạc hậu này.
 
Được biết, có người thay đến 4 chiếc máy. Như ông Tư 'già làng', đã thay đến 4 chiếc, từ cái đầu tiên ông còn nhớ là máy hiệu BroTher, sau đến RoYar,…
Chiếc máy đánh chữ cũ nhất tại khu phố của ông Nguyễn Văn Hiếu.
 

Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, người bước vào nghề thảo đơn thư từ tháng 5/1975, tâm sự: “Cái máy tôi đang dùng là hiệu Hympia. Giờ nó hoen gỉ hết xung quanh nhưng vẫn dùng tốt lắm, tính ra đến nay là 38 năm gắn bó với công việc và chiếc máy”.
 
Để duy trì được nghề này đến bây giờ, những người thảo đơn ở khu phố luôn tâm niệm đặt chữ “Tâm” lên hàng đầu. Bởi, hầu hết các đơn thư khiếu kiện đều xuất phát từ bức xúc, bất bình trong cuộc sống và đã có nhiều người tìm đến khu phố này để “trút giận”.
 
Nhiều tình huống đã khiến người thảo đơn giở khóc giở cười. Nhiều vụ tranh chấp đất đai giữa cha và con; nhiều vợ chồng giàu có đi xe hơi đến một hai là phải đánh máy khẩn cấp đơn ly hôn; nhiều đôi bạn trẻ mới kết hôn cũng kéo ra đây để viết đơn ly dị,…

"Vật chất họ có, nhưng tình cảm và tình thần họ thiếu trầm trọng. Ai ra viết đơn anh em chúng tôi đều tư vấn luật, lẽ phải trái, nên hay không nên. Làm gì cũng đặt chữ “Tâm” lên hàng đầu. Đôi lúc thảo những lá đơn cho người dân có những người họ như con, như cháu mình thấy mà đau lòng lắm” – ông Tư chia sẻ.
 
Các cụ thảo đơn còn bộc bạch, để đứng vững trước công việc, mọi người phải thường xuyên cập nhật sách luật, thông tin đại chúng: “Cái quan trọng là mình phải có chất xám, thảo một công văn hay bất cứ giấy tờ nào đều phải chỉnh chu và sắc bén. Cũng là một đơn thư, nhưng cách hành văn thuyết phục thì họ muốn xem, còn không thì họ bỏ đi không ngó ngàng”.
 
70 tuổi đánh máy không cần nhìn
 
Ở độ tuổi xưa nay hiếm, ông Trần Hoàng Hưng (70 tuổi), là người nhiều tuổi nhất tại khu phố thảo đơn thư tại chợ An Lạc.

Ông Trần Hoàng Hưng khẳng định gõ bàn phím không cần nhìn vẫn chính xác.

Tóc đã bạc trắng, da nhăn nheo, nhưng đôi bàn tay 10 ngón vẫn thoăn thoắt, miệt mài trên từng con chữ. Ông không cần nhìn bàn phím vẫn có thể gõ chính xác từng phím chữ.
 
Nghỉ tay một lát, mắt ông ánh ngời lên và bảo: “Bây giờ không nhìn máy tôi cũng có thể đánh được. Nhưng vì muốn chắc chắn, không cho phép mình sai và cũng không cần thể hiện. Miễn là người dân luôn tin tưởng, tìm đến mình để nhờ thảo công văn giấy tờ đó là niềm vui”.
 
Ông Hưng nói, đứng trước những vụ việc, mình phải hiểu được toàn cục câu chuyện của cả hai bên, suy nghĩ thật kỹ, rồi sau đó mới chính thức ngồi thảo đơn. Ông bảo, sống hay làm gì đều phải có lương tâm nghề nghiệp, chứ tiền thì ai chả cần, làm gì cũng phải có tình, có lý trong mỗi lá đơn mà mình soạn thảo.
 
“Cái cơ bản nhất, người thảo đơn phải viết đúng lẽ phải và đúng sự thật” - ông Hưng thể hiện quan điểm.
 
Quốc Huy