– Mỗi ngày có hàng trăm con
trâu bò được “phù phép” nhập lậu qua 2 bên cánh gà trước mặt cửa khẩu Nậm Cắn
(huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).
Dịp trung tuần tháng 1/2011, PV
VietNamNet quay trở lại “thánh địa” nhập lậu gia súc, gia cầm và ghi lại
những hình ảnh trâu bò nhập lậu đi ngang nhiên giữa ban ngày nơi vùng biên giới.
Ồ ạt qua cửa khẩu
Dịp cuối năm, mặc dù thời tiết rét mướt, nhưng không ngăn cản được đội quân dắt trâu bò thuê từ bên kia biên giới về Việt Nam. Đội quân này hoạt động từ lúc rạng sáng hàng ngày.
Trước những lợi nhuận nhiều từ việc dắt trâu bò thuê, người người, nhà nhà ở 2 bản Tiền Tiêu và Trường Sơn, xã Nậm Cắn đã vượt biên giới làm thuê cho các đầu nậu.
Trên chuyến xe khách đi dọc đường QL7A, chúng tôi chứng kiến từng đoàn xe chở chật ních trâu bò từ miền sơn cước về xuôi. Đó là những đàn trâu bò đã được “phù phép”, hợp thức hóa giấy tờ để đưa từ Lào vào Việt Nam.
Theo tìm hiểu, đối tượng dắt trâu bò thuê được các đầu nậu thuê chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nguồn hàng gia súc và gia cầm chủ yếu được điều về từ các nước Lào, Myanma, Thái Lan,… Các đầu nậu tập kết trâu bò tại điểm nóng nhất cách trung tâm xã Nậm Cắn khoảng 3km là thuộc bản Đỉn Đam, huyện Noọng Hét (Lào).
Tại đây, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe chuyên chở hàng trăm con gia súc, tập kết 2 bên cánh gà cửa khẩu Nậm Cắn. Sau đó, đội quân dắt thuê len lỏi dọc biên giới, cho trâu bò vượt biên tập trung từng bãi tại xã Nậm Cắn.
Từng đàn trâu bò nhập lậu đi nghênh ngang giữa ban ngày, vượt mặt cơ quan chức năng trước cửa khẩu Nậm Cắn. Từ đó, men theo QL7A xuôi về bãi tập kết của từng đầu nậu. Tại đây, cánh xe tải luôn chầu chực, sẵn sàng "bốc" trâu bò lên xe bất cứ thời gian nào.
|
Chúng tôi gặp 2 anh em nhà Lầu Bá Toong dắt được 5 con trâu, bò vừa đi vừa nói: “Em một buổi đi học, còn thời gian thì đi dắt trâu thuê. Mỗi con dắt từ bên Lào về đến đây là 50 đến 60 ngàn đồng”.
Trên chiếc áo khoác màu xanh trắng của Toong, còn có hình ảnh của lôgô Trường dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn. Trong một buổi sáng, 2 anh em nhà Toong đã kiếm được gần 300 ngàn đồng từ việc dắt trâu bò thuê cho các đầu nậu.
Đó là khoản tiền không nhỏ mà một người dân ở huyện miền núi nghèo nhất nhì tỉnh Nghệ An có thể kiếm được trong một ngày.
Điểm mặt “đầu nậu” buôn trâu
Tìm hiểu được biết, hầu hết các đầu nậu buôn lậu trâu bò là người tại xã Nậm Cắn, họ thực hiện nhiệm vụ tập kết trâu bò để các thương lái dưới xuôi lên mua lại.
Những cái tên quen thuộc "dính dáng" đến việc buôn trâu bò từ bên kia biên giới về xã Nậm Cắn mà ai ở đây cũng biết là: Lầu Y Tùng, Lầu Y Tồng, Lầu Chấn Giờ, Lì Bá Xềnh, Lầu Minh Chà,…
Cuối năm hàng càng khan hiếm, mỗi con trâu bò vào dịp này có giá từ 11 đến 15 triệu đồng. Bình quân mỗi chuyến xe ô tô chở từ 12 đến 30 con trâu bò trở lên.
Trâu bò được tập kết thành bãi, cách cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn khoảng 3km. Hàng chục bãi tập kết khác nhau, kéo dài từ Km222 QL7A đến gần thị trấn Mường Xén.
Nếu ngày trước trâu bò được tập kết 2 bên biên giới. Và cứ khi màn đêm buông xuống, người dận vùng biên lại bị đánh thức bởi tiếng trâu bò rống, tiếng động cơ gầm rú của các đoàn xe thương lái. Thì nay, hoạt động đó diễn ra công khai, giữa ban ngày.
Các cơ quan có mặt tại cửa khẩu đều đủ các thành phần để tuần tra, kiểm soát. Vậy cơ quan chức năng đã làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Quốc Huy
(còn nữa)