- Trong quá trình thi công san ủi mặt bằng tại Dự án tái định cư Ngàn Trươi -
Cẩm Trang (Hà Tĩnh), lực lượng thi công đã phát hiện hàng loạt những hố đất đen
cùng với nhiều cổ vật. Rất nhiều nghi vấn cho thấy có thể đó là hố chôn người
tập thể từ hàng trăm năm.
Theo thông tin mà VietNamNet nhận được, trong khoảng 10 ngày qua, khi thi công
giải phóng mặt bằng tại Khu tái định cư Hói Trùng (thuộc xã Hương Thọ, huyện Vũ
Quang), lực lượng thi công thuộc Cty Việt Nam 1 đã phát hiện hàng loạt hố đất
đen cùng với nhiều bát, bình cổ.
Một công nhân thi công tại đây thông tin, có khoảng 8 điểm được phát hiện có dấu
hiệu là nơi chôn cất tập thể. Khi phát hiện ra dấu hiệu đất đen thì ngay lập tức
người lái máy xúc đã dừng lại để kiểm tra.
Khu vực mà lực lượng thi công phát hiện ra các “hố
chôn” tập thể thuộc Khu tái định cư Hói Trùng (Dự án thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm
Trang). Đã có 8 điểm có đất đen và hiện vật tuỳ táng được phát hiện.
Lượng đất đen ở mỗi điểm khá lớn, cùng với đó là các hiện vật tuỳ táng cổ như
bát, bình nằm bên cạnh. Không phát hiện các dấu hiệu của quan tài.
Tại một số điểm đất đen, lực lượng thi công còn phát hiện hình dạng xương người,
tuy nhiên khi chạm vào thì vỡ vụn.
“Một số hố thì chỉ có đất đen, còn lại thì có sự xuất hiện của hai chiếc bát
úp vào nhau. Chúng tôi nhận thấy, cứ có hai bát úp vào nhau thì có một hài cốt
đã hoá đất đen”, một công nhân nói.
Ngày 14/7, nhóm PV chúng tôi đã có mặt tại hiện trường sự việc. Toàn bộ số “hài
cốt” hoá đất đen đã được lực lượng thi công và cơ quan chức năng tiến hành bốc
ra khỏi núi và đưa vào tiểu và được chôn tạm ở bên lán trại thi công.
Một cán bộ Cty Việt Nam 1 cho hay, hiện đã có trên 30 hài cốt được cho vào tiểu
và chôn tạm bên đường. Hiện đang còn 4 tiểu chưa chôn, đang nằm phơi nắng.
Tại hiện trường khu vực phát hiện
các hố chôn, hiện đang còn một ụ đất lớn có nhiều đất đen. Lực lượng thi công
không dám xúc đi, chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên.
Theo ông Phan Thanh Tùng (một người cao tuổi ở đây) thì rất có thể những hố chôn
đó có liên quan đến nghĩa quân Phan Đình Phùng từng có thời gian làm căn cứ ở
núi rừng Vũ Quang, bởi khu vực phát hiện từ bao đời nay không có dân cư ở.
Trao đổi với PV, ông Phạm Hữu Bình, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết, sau
khi biết sự việc trên huyện đã chỉ đạo hỗ trợ kinh phí để cất bốc đưa đi chôn
tạm cạnh khu vực thi công, sau này sẽ đưa vào nghĩa trang khu tái định cư đã
được quy hoạch.
“Hiện chúng tôi cũng đang nghi vấn bởi chỉ là đất đen. Có một số hình hài cốt
thì khi đưa lên đã vỡ vụn nên việc đưa đi giám định AND để biết có phải hài cốt
người hay không là rất khó.
Chúng tôi sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, mời cơ quan chuyên môn
văn hoá, khảo cổ lên kiểm tra. Việc có liên quan đến nghĩa quân Phan Đình Phùng
hay không thì chưa thể biết được”, ông Bình nói.
Còn ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc bảo tàng Hà Tĩnh thì cho biết, cơ quan này hiện
chưa nhận được thông tin về sự việc trên. Sau khi có chỉ đạo, bộ phận chuyên môn
sẽ lên kiểm tra.
Một số hình ảnh do PV VietNamNet ghi lại:
Hơn 30 chiếc tiểu đã được bốc cất và chôn tạm bên
cạnh lán trại thi công.
Số tiểu và cột thiên đài được mua về tiếp để chuẩn
bị cất bốc số mới phát hiện.
Có 4 chiếc tiểu chứa “hài cốt” chưa được chôn cất,
đang phải phơi nắng.
Hai trong số nhiều chiếc bát cổ còn nguyên vẹn, hiện
vật phát hiện chôn theo trong các điểm phát hiện.
Một chiếc bát được dùng làm bát hương tại điểm chôn
cất tạm.
Chiếc bình cổ, một hiện vật tuỳ táng được phát hiện.
Ụ đất chứa nhiều đất đen mà lực lượng thi công bỏ
lại để chờ ý kiến chỉ đạo xử lý.
Duy Tuấn – Phi Long