- Hơn 40 ngôi mộ vô danh đã được lực lượng thi công phát hiện tại mỏ đá Khe Cạn (xã Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh). Điều đáng nói, trong khi tiến hành cấp phép mỏ chính quyền và cơ quan chuyên môn đã không biết đến có khu quy tập mộ này.
 
Trong những ngày vừa qua, tại mỏ đá Khe Cạn tại xóm 15 xã Vượng Lộc, thuộc sở hữu Cty CPTM Trường Kỳ (Tổng Cty khai thác khoáng sản và xây dựng Việt Tiệp), lực lượng thi công khi tiến hành bóc đất đã phát hiện rất nhiều ngôi mộ nằm sâu trong đất.

Hơn 40 ngôi mộ đã được cất bốc và mai táng ngay tại mỏ đá Khe Cạn.
 
Chỉ có một số mộ có tiểu, còn lại phần lớn hài cốt đều được bọc trong ni lông rồi chôn từ rất lâu.
 
Ngay sau khi phát hiện có mộ, lực lượng thi công đã tiến hành bốc toàn bộ số mộ ra bỏ vào tiểu rồi mai táng ngay trong mỏ đá Khe Cạn.
 
Về nguồn gốc số mộ này, một cụ cao niên ở xóm 15 thông tin rằng, những năm cuối thập kỷ 80, trong quá trình dồn điền đổi thửa chính quyền địa phương đã quy tập khoảng 700 ngôi mộ vô danh lên khu vực này.
 
Khu vực phát hiện ra các ngôi mộ vô danh. Theo một số người dân, bãi quy tập mộ này đã có hàng chục năm và số lượng mộ vô chủ phải đến hàng trăm mộ.

“Có thể là xung quanh khu vực phát hiện ra mộ đang còn hàng trăm ngôi mộ vô chủ nữa”, cụ già này nói.
 
Điều đáng nói là trong quá trình thẩm tra cấp giấy phép khai thác mỏ đá Khe Cạn, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã không biết đến việc có bãi tập kết mộ này.
 
Hiện chính quyền địa phương vẫn chưa nhận được thông tin về việc phát hiện hàng loạt ngôi mộ tại mỏ đá này.
 
Trong tháng 3/2012, VietNamNet cũng đã có nhiều bài báo phản ánh thực trạng bất cập trong việc cấp phép mỏ đá tại xóm 15 xã Vượng Lộc.
 
Chỉ tính ở xóm 1 và xóm 15 xã Vượng Lộc đã có tới 6 mỏ đá của 6 DN được cấp phép khai thác đá. Đó là các công ty: Cty CPTM Trường Kỳ (Tổng Cty khai thác khoáng sản và xây dựng Việt Tiệp), Cty CP Hồng Vượng, Cty TNHH Ngọc Hải, Cty Hoàng Long Phát, Cty CP Thiên An và Cty CP Huy Hoàng.
 
Việc cấp phép mỏ quá gần khu dân cư, triệt hạ rừng thông, làm hỏng lăng mộ của các dòng họ và quan trọng nhất là con đường chiến lược quân sự 558 đã bị “băm nát”.
 
Duy Tuấn - Trần Văn