- Khát chữ, hiếu học và sẵn sàng hi sinh nhiều thế hệ để đeo đuổi sự học là những câu chuyện cảm động và thú vị về “dòng họ khuyến học” tại nhiều làng, xã ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Làng hiếu học

Người dân các xã Thuần Hưng, Đại Hưng (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) nổi tiếng vì sự cần cù, chịu khó từ bao đời nay.

Những ngôi làng ở đây luôn đậm chất quê yên bình, thanh bạch, dù cuộc sống của người dân đã rất phát triển nhờ nghề làm gạch cổ truyền nổi tiếng.

Thế nhưng niềm tự hào lớn nhất của họ, không phải là những ngôi nhà to, những chiếc xe đẹp, mà là những thành tích học tập xuất sắc của con em trong làng.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hệ - Hiệu trưởng trường THCS Đại Hưng cho biết, trong những năm qua, tỉ lệ đỗ cấp 3, đỗ đại học của xã luôn trong top cao của tỉnh, của huyện. Con cháu các dòng họ rất nhiều người thành danh từ mảnh đất hiếu học này.

Thầy Nguyễn Ngọc Hệ

Từ những bậc cao niên đến những người trẻ tuổi đều hiểu được rằng, chính tinh thần hiếu học là nguồn sáng giúp các thế hệ làng vượt khó, thành đạt được như ngày hôm nay.

Những cái tên làng Đại Quan, Sài Thị, Thiết Trụ (xã Thuần Hưng, Đại Hưng, Phùng Hưng…) đã trở thành những tên làng gắn với chữ hiếu học.

“Trước đây vì người dân mải xây dựng kinh tế, mải làm lò nên chuyện học bị xao nhãng. Họ chưa nhận thức được vai trò của việc học. Có nhiều nhà, con cái hầu như không được và không thích đi học. Cho nên việc có người đỗ đạt, học lên đại học là rất hiếm có. Thế nhưng, từ khi có sự khuyến khích cụ thể của các dòng họ thì nhận thức ấy đã dần thay đổi. Nhiều họ hàng chục năm trời không có con em nào học hết cấp ba, nay đều học khá, học giỏi, đi ĐH, Cao đẳng… ” – thầy Hệ cho hay.

Theo lời thầy Hệ, những quỹ khuyến học của các dòng họ được xây dựng, ban đầu chỉ một, hai họ; một, hai làng, sau đó lan dần, phát triển mạnh mẽ có tác dụng tích cực đến phong trào học tập chung. 

Nhận xét về phong trào học tập tại xã nhiều năm qua, ông Nguyễn Hữu Tăng, trưởng ban Khánh Tiết dòng họ Nguyễn Hữu - xã Đại Hưng nói: “Có những gia đình hai, ba thế hệ theo nghề giáo, con cháu nội ngoại đều đỗ Cao đẳng, Đại học, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ, hay đi du học nước ngoài. Nhiều gia đình điều kiện kinh tế không có, song bố mẹ vẫn bảo ban, cho con em đi học đầy đủ. Không ít cháu mồ côi, nhà nghèo song vẫn cố gắng vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập”.

“Học là ý chí của cả gia tộc, dòng họ”

Mỗi năm một lần, đến ngày 6/1 Âm lịch là con em họ Nguyễn Ngọc lại náo nức chuẩn bị cho buổi lễ trước ông bà tổ tiên.

Cụ Nguyễn Ngọc Oanh, trưởng họ Nguyễn Ngọc (làng Đại Quan – Đại Hưng) cho biết, đây là truyền thống của dòng họ suốt nhiều thế hệ qua.

Vào ngày này, ngoài những bàn bạc những việc lớn trong họ, những vấn đề về đạo đức gia phong cần chấn chỉnh hay phát huy, còn có một phần quan trọng là vinh danh các con, cháu có thành tích học tập xuất sắc.

Bất cứ con cháu họ Nguyễn Ngọc nào đỗ đại học đều có vinh dự được ghi tên vào Sổ vàng của dòng họ, được nhận giấy khen của dòng tộc cùng với số tiền thưởng nho nhỏ từ 50 – 100 nghìn đồng. 

Cụ Nguyễn Ngọc Oanh (dòng họ Nguyễn Ngọc – làng Đại Quan) nói về Quy ước Khuyến học của dòng họ

“Đây là ngày lễ thiêng liêng của gia tộc, để chúng tôi báo cáo với ông bà, tổ tiên tình hình của con cháu trong họ, và hơn cả là nhắc nhở con cháu uống nước nhớ nguồn, chăm lo học tập, phấn đấu xây dựng dòng tộc” – cụ Oanh nói.

Đối với bậc cao niên trong làng, nhà ai có con học giỏi, có con đỗ đại học các cụ đều biết cả. 

Trải qua chục năm, vẫn có tên các cháu được các cụ nhắc đi nhắc lại với niềm tự hào của cả họ khi là những người đầu tiên trong làng, trong xã thi đỗ vào đại học. 

Ở đây, không biết từ bao giờ, học đã trở thành ý chí của cả gia tộc, dòng họ. “Tiền bạc hay kim ngân đều không giá trị bằng việc con cháu mình học hành giỏi giang, làm rạng danh dòng họ, xứng đáng với truyền thống hiếu học của quê hương” – một bậc cao niên làng Sài Thị khẳng định.

Một tấm giấy khen của dòng họ giành cho người đỗ ĐH


Suy nghĩ ấy càng thúc đẩy các họ đầu tư, khuyến khích con em học tập.

Hầu như các họ đều có những quỹ khuyến học dòng họ với các quy ước riêng. Nhiều họ nhỏ trong làng vẫn có một vị trí quan trọng, có tiếng nói vì có nhiều con em đỗ đạt, thành danh.

Những họ lớn, dù chi cánh đông nhưng nếu con em học hành chểnh mảng, lẹt đẹt thì cũng khó tránh được lời bàn ra tán vào của người làng.

Thầy Nguyễn Ngọc Hệ nhận xét vui: “Có thể thấy, giữa các dòng họ có một sự thi đua nhất định, tuy chỉ “đua” ngầm, nhưng cũng rất quyết liệt. Không kèn trống, khoa trương, nhưng đều có sự thể hiện hằng ngày.

Đặc biệt, việc làng 3 năm có một lần, đây là dịp để các họ thể hiện vai trò, tiếng nói của họ mình. Không phải lọng đẹp, cỗ to đã “oách”, các họ còn “biểu dương” lực lượng qua đoàn rước kiệu, đoàn con cháu về thăm quê của mỗi họ. Họ nào càng đông người, đỗ đạt, thành công, nổi tiếng thì lại càng tự hào, vinh dự…”.

Quỳnh Anh

(còn nữa)