- Hoạt động và những hiệu quả cao của “quả đấm thép” 141 đã được các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh, nhưng bên cạnh đó còn có những câu chuyện ít được biết đến của các chiến sỹ công an Thủ đô.

Cảnh sát thật bị cảnh sát “dỏm” dọa

Tối 18/9/2011, tổ công tác 141 làm nhiệm vụ tại đường Xuân Thủy – Cầu Giấy phát hiện một đối tượng không đội MBH đã ra tín hiệu dừng xe, khi bị CSHS kiểm tra, không những không hợp tác, anh này còn lớn tiếng “dọa” là CSHS và có những lời lẽ thiếu chừng mực, ngăn cản lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Đối tượng tự xưng là CSHS Cao Anh Tuấn chỉ là nhân viên bán caphe trong TT trường Múa

Sau nhiều cuộc điện thoại gọi “đàn em” đến ứng cứu và gây rối, đối tượng Cao Anh Tuấn (SN 1972, trú tại tập thể trường Múa, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) đã được đưa về phòng hình sự PC45. Tại đây, chân dung CSHS “dỏm” đã được làm rõ. Tuấn chỉ là nhân viên quán cà phê trong tập thể trường múa.

Trước tình hình tội phạm gia tăng, Công an TP Hà Nội đã thành lập 5 tổ công tác đặc biệt với tên gọi 141 gồm 3 lực lượng: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự và Cảnh sát Cơ động. Kể từ khi ra đời cho đến nay, lực lượng 141 đã tỏ rõ sức mạnh với việc liên tiếp lập hàng loạt các thành tích về bắt giữ tội phạm bắt nguồn từ việc vi phạm giao thông.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Tổ công tác 141 Công an TP Hà Nội đã xử lý hơn 12 nghìn trường hợp, tạm giữ 7.210 phương tiện và 1.900 bộ giấy tờ. Hơn 40 khẩu súng các loại cùng dao, kiếm, lê, mác, tông các loại và ma túy tổng hợp bị thu giữ, khởi tố hình sự 51 vụ, 59 bị can.


Ăn vạ 141

Mỗi ca làm việc, tổ công tác 141 kiểm tra hàng trăm đối tương. Phần lớn những người vi phạm đều hợp tác với tổ công tác, nhưng cũng không ít đối tượng “ăn vạ” 141.

Ăn vạ thường thấy nhất là dùng nước mắt, vừa khóc vừa trình bầy hoàn cảnh nào 'là cả nhà có 1 cái xe giờ mà bị giữ thì không có phương tiện đi lại', nào là 'lần đầu vi phạm'.

Nhiều đối tượng khi bị kiểm tra đã ngã lăn ra đất để ăn vạ

Những đối tượng xăm trổ kín người, đầu xanh đầu đỏ thì ăn vạ theo kiểu quay đầu xe bỏ chạy rồi tự ngã, sau đó lu loa lên là công an đánh người. Gian manh hơn là những đối tượng đã vào tù, ra tội khi bị 141 “sờ” tới mà có “hàng” trong người và biết không thể chạy được liền đập đầu xuống đất, sùi bọt mép giả vờ sốc thuốc (sốc ma túy) để kéo dài thời gian tìm cách tẩu tán “hàng nóng, hàng lạnh" mang theo.

Những thành viên tổ Y2/141 còn nhớ như in đêm Valentine năm 2012 khi làm nhiệm vụ tại ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài. Khi đó, tổ nhận được tin báo của các trinh sát có 4 đối tượng đi trên chiếc xe ô tô sang trọng có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Khi chiếc xe dừng lại chờ đèn đỏ cũng là lúc CSGT, CSHS và CSCĐ áp sát 2 bên sườn xe để kiểm tra. Bốn đối tượng xăm trổ bước xuống xe với phong thái khá điểm tĩnh. Một trong 4 đối tượng móc trong túi ra một gói nhỏ và nói: Em có ít “thuốc lào” (bồ đà – một dạng ma túy) đi chơi Lễ tình nhân, xin các anh nộp phạt.

Như để đánh trống lảng sự chú ý của tổ công tác, 4 đối tượng tỏ ra khá 'ngoan ngoãn', hợp tác. Bằng con mắt nghiệp vụ, trung tá CSGT Thiều Mạnh Ngọc và trung tá CSHS Trần Anh Sơn đã ra tín hiệu cho các thành viên còn lại áp sát 4 đối tượng để kiểm tra chiếc xe ô tô.

Khi cánh cửa xe bật mở, ngay cạnh ghế lái là một khẩu súng K54 cùng băng đạn, trong đó 1 viên đã lên nòng. Sau đó, 4 đối tượng được đưa về phòng hình sự để làm rõ.

Mạo danh nhà báo VOV “dọa” tổ 141

Vụ việc xảy ra vào chiều 16/2/2012 khi tổ trinh sát 141 chốt chặn tại nút giao thông Trần Huy Liệu – Giảng Võ ra hiệu lệnh cho 2 thanh niên đi xe máy BKS 34L3-346.11 tấp xe vào chốt để xử lý lỗi vi phạm.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Tổ công tác 141 Công an TP Hà Nội đã xử lý hơn 12 nghìn trường hợp, tạm giữ 7.210 phương tiện và 1.900 bộ giấy tờ. Hơn 40 khẩu súng các loại cùng dao, kiếm, lê, mác, tông các loại và ma túy tổng hợp bị thu giữ, khởi tố hình sự 51 vụ, 59 bị can.

Khi Trung tá Nguyễn Văn Thành giới thiệu là cán bộ của Phòng CSHS và yêu cầu người cầm lái xuất trình giấy tờ, thì anh này giật lấy thẻ ngành của anh Thành, đồng thời hất hàm hỏi: “Ông là công an của đơn vị nào, có biết tôi là ai không? Các ông không đủ tư cách kiểm tra tôi”.

Trước thái độ bất hợp tác, lăng mạ lực lượng chức năng, tổ công tác đã tiến hành khống chế nam thanh niên này và đưa về Phòng CSHS. Phải mất rất nhiều thời gian, nam thanh niên mới chịu khai nhận là Vũ Hoàng Chung (SN 1977, trú tại phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội).

Đồng thời, Chung còn giới thiệu mình là phóng viên của Kênh VOV giao thông, Đài TNVN. Để chứng minh, Chung còn lấy từ trong túi áo ra ra chiếc thẻ phóng viên. Khoảng 1h đồng hồ sau, bằng biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên đã làm rõ Vũ Hoàng Chung thực chất chỉ là nhân viên công ty điện lực Đống Đa.

Xin xử phạt

Những ngày cuối tuần, người dạo chơi quanh khu vực bờ Hồ đông hơn ngày thường, và tổ 141 cũng được triển khai, đóng chốt quanh hồ để xử lý những đối tượng vị phạm luật giao thông cùng nhiệm vụ chống đua xe.

Khi phát hiện đối tượng chuẩn bị sử dụng hung khí để chống trả, một CSGT đã giật được chiếc túi trên tay y, cùng lúc CSHS, CSCĐ quật ngã đối tượng.

Khi biết là có tổ 141 chốt chặn, nhiều thanh niên đã chạy xe máy thẳng vào chốt xin được… xử phạt.

Có chuyện lạ như vậy vì nếu bị bắt với lỗi không đội MBH nhưng mang theo đầy đủ Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm dân sự bắt buộc thì CSGT chỉ xử phạt tại chỗ. Các thanh niên này đưa ra lý do, làm như vậy là để 'giữ được mái tóc bóng mượt' cùng bạn gái dạo phố.

Đổ máu cho thành phố bình yên

Cánh nhà báo đưa tin về tổ công tác 141 còn nhớ như in hình ảnh Trung tá Nguyễn Đức Chung – Đội phó Đội CSGT số 1 làm tổ trưởng tổ Y1/141 bị thương tại đường Trường Chinh.

Vụ việc xảy ra khoảng 13h ngày 7/3, tại ngã tư Trường Chinh - Giải Phóng. Vào thời điểm này, các trinh sát phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy Honda PCX màu đen, BKS 30M4-5896, lưu thông hướng từ Trường Chinh rẽ ra Giải Phóng có dấu hiệu vi phạm luật giao thông.

Trung tá Nguyễn Đức Chung đổ máu khi đang làm nhiệm vụ

Thấy công an ra hiệu lệnh dừng xe, đối tượng không những không dừng lại mà còn tăng ga phóng nhanh về phía trước, lạng lách, đánh võng giữa đường bất chấp gây nguy hiểm cho người dân.

Liều lĩnh hơn, đối tượng tăng ga vượt qua hơn chục chiến sỹ tổ Y1/141, lúc này, Trung tá Nguyễn Đức Chung đang chốt chặn ở điểm cuối đã lao ra đường, ra hiệu lệnh dừng xe.

Tuy nhiên, đối tượng đã hung hãn tăng ga, đâm thẳng vào Trung tá Chung khiến anh bị hất lên cao và ngã vật ra đường.

Đối tượng Vũ Lê Hoàng đã lái xe máy đâm thẳng vào Trung tá Chung

Sau khi đâm vào Trung tá Chung, đối tượng ngay lập tức bị tổ công tác khống chế. Nhân thân đối tượng được làm rõ là Vũ Lê Hoàng (SN 1983, HKTT tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh; hiện đang ở số 4, ngõ Tứ Mạc, phường Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hoàng khai nhận đang công tác ở Bộ Ngoại giao. Trung tá Nguyễn Đức Chung sau khi bị Hoàng đâm thẳng vào người và ngã xuống đã chảy nhiều máu từ miệng và mũi sau đó hôn mê sâu, được đưa đi cấp cứu.

Các chiến sỹ trong tổ 141 tâm sự, nơi đâu có 141 làm việc là có rất đông người dân tụ tập đứng xem và... cổ vũ. Nhiều khi, người dân tập trung quanh tổ công tác quá đông cũng ít nhiều ảnh hưởng đến công việc của các chiến sỹ.

Nơi đâu có 141 làm nhiệm vụ, nơi đó có quần chúng nhân dân ủng hộ

Tuy nhiên, chính những người dân cũng góp sức để tổ công tác hoàn thành nhiệm vụ. Cánh nhà báo đi theo tổ công tác nhiều lần chứng kiến cảnh người dân đứng xem 2 bên đường khi tổ 141 làm việc như đi... xem hội. Và khi một đối tượng tình nghi mang theo hung khí, vũ khí quân dụng hay ma túy đá bị bắt cũng là lúc những tràng pháo tay nổ ra từ người dân để ủng hộ.

Trung tá Vũ Văn Ngoại – tổ trưởng tổ Y4/141 xúc động cho biết: “Công việc tuy có vất vả, nguy hiểm nhưng được nhân dân Thủ đô ủng hộ, những tiếng vỗ tay hoan hô như những bó hoa tươi thăm mà nhân dân trao tặng mỗi khi tổ công tác lập công làm cho anh em, cán bộ chiến sỹ 141 thấy phấn khởi”.

Còn nhiều, nhiều nữa những câu chuyện chưa kể về tổ công tác 141. Những người cảnh sát nhân dân đang ngày đêm miệt mài đối mặt với tội phạm để cho Hà Nội thêm những phút giây bình yên.

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng: “Ngoài một số biện pháp cần làm ngay như giám sát giao thông bằng camera, tăng chất lượng đào tạo cấp bằng lái xe, lực lượng công an TP.HCM phải đẩy mạnh việc kết hợp giữa Cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự và cảnh sát cơ động như mô hình 141 mà Hà Nội đã làm nhằm ngăn chặn kịp thời các loại tệ nạn xã hội trong đó có đua xe và cướp giật”.


Phạm Hải