- Ngày 20/7, một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở vùng biển
phía Đông đảo Lu - Dông (Philippin) và có xu hướng tiến gần biển Đông của Việt
Nam.
Hồi 7h ngày 20/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ
Bắc; 125,3 độ Kinh Đông, cách đảo Lu - Dông (Philippin) khoảng 350km về phía
Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ
39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Chú thích ảnh: Áp thấp nhiệt đới vừa hình thành gần khu vực biển Đông (Ảnh: NCHMF) |
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và còn có khả năng mạnh thêm.
Đến 7h ngày 21/07, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 122,0 Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Lu - Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Đông biển Đông có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.
Trong khi đó, thời tiết trên đất liền đang ở trong trạng thái khá thuận lợi. Toàn bộ khu vực phía Bắc nắng nóng đã hạ nhiệt, nhiệt độ phổ biến dao động từ 29-32 (Tây Bắc Bộ) và 32-35 (Đông Bắc Bộ). Chỉ còn lại khu vực từ Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế nắng nóng còn tiếp diễn với nền nhiệt từ 33-36 độ.
Thời tiết miền Bắc trở nên mát mẻ do có mưa giông đổ về. Từ 19h ngày 18/7 đến 19h ngày 19/7 mưa tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ, lượng mưa phổ biến từ 20mm đến 40mm. một số trạm có lượng mưa lớn hơn như Thái Nguyên 49mm, Bắc Giang 168mm, Lạng Sơn 76mm, Sơn Tây (Hà Nội) 50mm, …
N.Anh