- Thiếu tướng Phạm Hoài Giang cho biết, hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng và Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu trang bị thêm tàu lớn để phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn trên biển, tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ.

Chiều 25/7, trao đổi với các cơ quan thông tấn, báo chí, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng) kiêm Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho biết ứng cứu trên biển là công tác phức tạp nhất.

Thiếu tướng Phạm Hoài Giang đánh giá công tác TKCN trên biển là lĩnh vực phức tạp nhất

Thực tế cho thấy các phương tiện cứu hộ trên biển của Việt Nam còn hết sức hạn chế, khó tiếp cận những vùng biển xa.

Trong khi đó, tàu thuyền của ngư dân có công suất nhỏ, dễ bị hỏng máy, vỡ vỏ... khi gặp thời tiết xấu. Khi có cảnh báo, một số ngư dân vẫn cố đi vào nguy hiểm, không tuân theo, tắt hết các thiết bị liên lạc để giấu ngư trường. Trong một số trường hợp, tàu thuyền của ngư dân đi vào các khu vực “nhạy cảm” gây khó khăn cho công tác cứu hộ.

“Để nâng cao năng lực ứng cứu trên biển, hiện Chính phủ đã giao Bộ Quốc Phòng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tranh thủ nguồn vốn ODA để trang bị thêm một số tàu lớn, làm nhiệm vụ TKCN ở vùng biển xa”, Thiếu tướng Giang cho hay.


Tàu của Bộ đội Hải quân cứu kéo tàu của ngư dân bị nạn vào cảng Sông Hàn (Đà Nẵng) tránh bão (Ảnh: Báo QĐND)

Để phục vụ công tác TKCN, Việt Nam đang có 6 máy bay chuyên dụng, trong đó 2 chiếc đặt ở sân bay Hòa Lạc (Hà Nội), 2 chiếc đặt ở Đà Nẵng và 2 chiếc ở TP. HCM. Theo lộ trình, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mua thêm máy bay để phục vụ công tác TKCN.

Hiện Việt Nam cũng đang sở hữu tàu đa năng ứng phó sự cố tràn dầu hiện đại nhất Đông Nam Á.

Đánh giá về công tác TKCN, Thiếu tướng Giang cho rằng đây là hoạt động tác chiến trong thời bình. Trong đó để làm tốt công tác này, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các địa phương, ngành chức năng cần chủ động phối hợp, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra gần 19.600 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố làm chết 5.090, hơn 104 người mất tích và trên 20.000 người bị thương; thiệt hại về tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trong vòng 5 năm, lực lượng quân đội có 19 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

Minh Anh