- Sau hơn 5 tháng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện phương án phân luồng xe khách đường dài sang đường Hồ Chí Minh (HCM) để giảm tải cho QL1A, nhưng con đường này vẫn vắng bóng xe khách. Trong khi đó, tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ, vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến  đường này đang có dấu hiệu gia tăng.

Vắng bóng xe khách

Ghi nhận của PV VietNamNet cuối tháng 7 cho thấy, dọc tuyến đường HCM đoạn Hà Nội – Nghệ An lượng xe khách đi vẫn thưa thớt.

Suốt hành trình từ Hà Nội đi Nghê An chỉ thấy lác đác vài chiếc xe du lịch, thỉnh thoảng mới thấy chiếc xe khách của hãng xe Văn Minh. Cảnh tượng này đối lập hoàn toàn với vẻ nhộn nhịp trên QL1, cho dù đoạn Dốc Xây – TP. Thanh Hóa đang nâng cấp, mở rộng sửa chữa thường xuyên gây nên cảnh ùn tắc. 

Sau 5 tháng phân luồng đưa xe khách sang đường HCM, vẫn vắng bóng xe khách -  (Ảnh: VĐ)

Một cán bộ CSGT thuộc Đội CSGT số 3 - Phòng CSGT CA tỉnh Thanh Hóa cho biết, những xe chở khách chạy trên tuyến thời gian này chủ yếu là xe hợp đồng chở khách du lịch, chưa có nhiều xe khách chạy tuyến cố định qua đây. Vài năm qua mới chỉ có xe Văn Minh ở Hà Tĩnh là thường xuyên sử dụng tuyến đường này.

Vì sao lại có tình trạng này? Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: “Hiện Hội viên của Hiệp hội ít xe nên chưa chuyển sang đi tuyến đường HCM. Tuy nhiên, việc phân luồng áp đặt như thế rất khó thực hiện. Đi tuyến đường đó không có khách, cũng không tiện để trả khách nên các xe không mặn mà".
 
Một thực tế cũng cho thấy, đường HCM vắng nhưng hẹp, hệ thống biển báo chưa hoàn thiện, mặt đường nhiều đoạn bị hỏng. Suốt cả đoạn đường dài từ Hà Nội vào Nghệ An, người đi đường gần như không thể biết từng đoạn cụ thể qua huyện nào của tỉnh Thanh Hoá hay Nghệ An.

Đặc biệt, nhiều khúc cua, đường hẹp trơn và dốc nhưng không có biển cảnh báo nguy hiểm. Nhiều tài xế chạy trên tuyến đường này cho biết, nếu lưu thông trong điều kiện trời tối, mưa to rất nguy hiểm.

Đại uý Nguyễn Hàm Thắng (Đội CSGT số 3 thuộc Phòng CSGT Nghệ An - thường chốt trực phía đầu đoạn đầu đường HCM từ Nghệ An - Hà Nội), cho biết, đội vừa đi khảo sát hệ thống biển báo dọc tuyến đường HCM và phát hiện nhiều bất cập: Thiếu biển, nội dung không hợp lý...

Vi phạm an toàn giao thông vẫn tràn lan

Được biết, ngay từ trước khi tổ chức phân luồng đường HCM giai đoạn 1, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, sửa chữa và tăng cường các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông, phối hợp với chính quyền địa phương quản lý hành lang đường bộ, ngăn chặn tình trạng phơi nông sản, thả súc vật trên đường.

Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn bất chấp lượng xe tải chạy trên tuyến đường này có xu hướng tăng lên.

Vi phạn an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến trên đường HCM - (Ảnh: Phạm Hải)

Ghi nhận của phóng viên đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình cho thấy, tình trạng xe công nông, xe bò kéo ngang nhiên lưu thông trên đường đang gây mất trật tự an toàn giao thông của tuyến đường này.

Nhiều lúc xe ô tô đang chạy với tốc độ cao thỉnh thoảng lại phải phanh gấp để nhường đường cho xe công nông hay gia súc người dân chăn thả sang đường.

Anh Nguyễn Hồng Minh (quận Hoàng Mai, Hà Nội), người thường xuyên lái xe ô tô con qua đường HCM cho biết: “Đi xe trên đường HCM ngoài chú ý các đoạn cua gấp thì lúc nào cũng phải cảnh giác với các phương tiện công nông, xe kéo và cả trâu bò thả rong. Các loại phương tiện thô sơ và gia súc cứ lúc ẩn lúc hiện nên chỉ cần sơ suất thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Đoạn Yên Thủy, Lạc Thủy (Hòa Bình), tình trạng người dân tận dụng hành lang đường để phơi ngô cũng diễn ra trong mùa thu hoạch nông sản khiến cho đường Hồ Chí Minh bị thu hẹp hơn. Bên cạnh đó, còn có những xe tải loại vừa chở đá gây nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến...

Tổng Cục đường bộ VN cũng nhận định: Tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến đang diễn biến khá phức tạp do lưu lượng ô tô các loại trên đoạn tuyến từ Hà Nội – Nghệ An đã tăng hơn 2,5 lần so với trước đây. Trong khi đó, vẫn xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, sử dụng lòng, lề đường hành lang đường bộ để phơi nông sản, chăn thả gia súc và sản xuất kinh doanh diễn ra phổ biến.

Thống kê gần đây nhất của Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đến cuối tháng 5 lượng xe tải và xe con đi đường Hồ Chí Minh đoạn Hà Nội – Nghệ An tăng mạnh, còn xe khách tăng chưa đáng kể.

Số liệu đếm xe đoạn cầu Cúc Phương II – Thịnh Mỹ nút giao QL48 cho thấy lượng xe khách tăng trong tháng 3 và tháng 4 từ 5,3% - 120% tùy từng đoạn tuyến cụ thể. Có ý kiến cho rằng đây là thời điểm sau Tết xe khách chạy tuyến cố định đủ khách nên có thể lựa chọn đường Hồ Chí Minh để đi. Còn khi vào thời điểm vắng khách, sẽ lại quay trở lại đường QL1.
Vũ Điệp