Thoát khỏi những cái Tết nơi “địa ngục trần gian” của vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức, bây giờ Nguyễn Hào Anh đã mỉm cười hạnh phúc với một cái Tết đầm ấm và đầy ắp tình yêu thương ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau.

Sắp xếp lại sách vở vào ngăn tủ để chuẩn bị đón một cái Tết đầu tiên ở “ngôi nhà mới”, Hào Anh tâm sự: “Những ngày gần Tết con chỉ muốn bắt xe buýt đi thẳng về nhà ngoại. Nhưng vì không nỡ xa các cô chú, các bạn ở trung tâm nên con đã quyết định ở lại ăn Tết cùng mọi người”.

Những giấc mơ đẹp

Từ khi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) tỉnh Cà Mau, Hào Anh đã được học lại lớp 4 tại Trường tiểu học Kim Đồng (xã Tắc Vân, TP Cà Mau). Hào Anh học khá, trong tất cả các môn học, em thích nhất là vẽ tranh. Nhân vật trong tranh của em ngoài vợ chồng Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm, bao giờ cũng có bác sĩ, công an và nhà báo...

Mở đầu tập nhật ký bằng tranh, Hào Anh ghi: “Thưa cha mẹ! Con coi đây là cha mẹ ruột của con. Con viết bản ghi nhớ này để nhớ lời cha mẹ dặn dò và con coi đây là anh chị em ruột mới của con. Con có thêm ngôi nhà mới thân yêu để sau này con giúp đất nước tươi đẹp!”.

Trong vòng tay những người anh em trong TTBTXH tỉnh Cà Mau.
Ban đầu, Hào Anh vẽ toàn hình ảnh những dụng cụ mà vợ chồng Giang - Thơm dùng để hành hạ em. Rồi đến hình ảnh vợ chồng Giang - Thơm bị trả giá trước pháp luật… Nhưng càng về sau hình ảnh bác sĩ mặc áo blouse trắng, một mái nhà với cha mẹ và các con, một mặt trời ló lên trên bầu trời sáng... càng xuất hiện nhiều hơn trong những nét vẽ của Hào Anh.

Hào Anh cũng đã bắt đầu có được những giấc mơ đẹp như thuở còn sống với ông bà ngoại. Sau những giấc mơ ấy, sáng thức dậy gặp ai em cũng kể, cũng khoe.

Có lần gặp chúng tôi tại TTBTXH tỉnh Cà Mau, Hào Anh khoe: “Đêm qua con nằm mơ thấy anh Vũ mặc chiếc áo rực sáng với đầy hoa màu đỏ rất đẹp. Anh Vũ cười và đưa cho con một trái bóng màu vàng, cũng rất đẹp…”.

Anh Vũ mà Hào Anh kể là Nguyễn Văn Vũ, một đứa con được nuôi lớn, trưởng thành từ TTBTXH tỉnh Cà Mau, vừa tốt nghiệp đại học và làm việc tại một cơ quan hoạt động xã hội ở tỉnh Cà Mau. Hào Anh xem Vũ là thần tượng về sự hiếu học.

Đồng cảm và bao dung

Những ngày sống ở TTBTXH tỉnh Cà Mau,  Hào Anh được biết đến những cảnh đời còn đau khổ hơn mình. Hào Anh thường nhắc nhiều về hoàn cảnh của cậu bé tên Nhờ ở chung phòng, cũng từng có tuổi thơ đầy nước mắt ở ngoài đời. Nhờ được người ta phát hiện và đưa về đây khi cậu bé đã ngất xỉu vì đói khát.

Chuyện của Nhờ được Hào Anh thuật lại như sau: “Nhờ kể, trước kia nhà nó ở một vùng quê nghèo thuộc xã Khánh Hòa, huyện U Minh. Mẹ nó bỏ đi, cha nó bị tù, 5 anh em nó phải tự nuôi nhau. Người ta cho tiền, cho gạo anh em nó được vài tháng thì không còn cho nữa. Anh em nó phải đi bẻ bắp chuối về luộc ăn. Nhờ nói nó ăn riết ngán nên hôm đó nó quyết không ăn cho đến lúc ngất xỉu vì đói. Cha Hoàng (Đào Minh Hoàng, Giám đốc TTBTXH tỉnh Cà Mau- PV) mua bánh mì thịt cho nó, nó ngốn hai cái hết một ổ, suýt mắc nghẹn chết. Hồi đó, em cũng bị bỏ đói nhưng đâu có đến nỗi…”.

Chỗ ngủ của Hào Anh ở TTBTXH tỉnh Cà Mau.
Hào Anh cũng hiểu rõ tại sao các em nhỏ tại TTBTXH có đứa bị chột mắt, bị sứt môi, bị thẹo vết đầy mình, đầu, mặt. “Mấy em đó bị cha mẹ bỏ rơi ngoài cổng trung tâm này lúc mới sinh ra. Mắt bị hư, mặt bị thẹo vết là do kiến cắn”. Kể về những bất hạnh của các anh em cùng mái nhà nhân ái với mình, mắt Hào Anh đỏ hoe như muốn khóc.

Giám đốc Đào Minh Hoàng cho biết: “Khi mới về, Hào Anh có biểu hiện của căn bệnh tự kỷ ám thị. Nhưng với sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên TTBTXH, những vết thương từ thể xác đến tinh thần, những khuyết tật về tính cách của Hào Anh từng bước được xóa nhòa”.

Bây giờ, Hào Anh không còn đòi được ưu ái đặc biệt một đường dây truyền hình cáp (như lúc ở Bệnh xá Công an tỉnh Cà Mau), không còn nằng nặc đòi các cha mẹ phải mua cho đồ chơi đắt tiền, không còn hay bi lụy, tủi hờn, không còn đòi hỏi những điều xa thực tế như: “Sao không có máy lạnh như ở trong bệnh viện, sao ăn cơm không có đùi gà...”.

Quan trọng hơn cả là Hào Anh đã biết chia những cái áo mới mà các nhà hảo tâm đến tặng mình cho các anh em ở trung tâm, biết giúp các mẹ nơi đây chăm sóc các em bé bị tật nguyền...

Chúng tôi cũng bị bất ngờ khi Hào Anh nói không còn giận vợ chồng Giang – Thơm nữa. Cho dù vợ chồng họ đã gây ra những vết thương không thể xóa nhòa, hằn sâu trên da thịt của em.

Quê ngoại thân thương

Hào Anh khoe Tết này em cùng với những thành viên khác của trung tâm sẽ được đưa đi chơi ở các tụ điểm du lịch trong TP Cà Mau. Rồi cậu bé lôi ra từ trong ngăn tủ mấy bộ đồ mới, cười híp mắt: “Cái này là do các mẹ mua cho con để mặc đi chơi Tết đó!”. 

Nhưng rồi nét mặt cậu bé bỗng dưng lại buồn xo, ngó mông lung ra cửa sổ, “con nhớ ngoại quá chú ơi! Nhưng con cũng không nỡ xa anh em, cha mẹ ở đây”.

Hào Anh nói nhà ngoại em ở một miền quê nghèo thuộc huyện Cái Nước (Cà Mau). Nhà ngoại Hào Anh rất nghèo, vách lá đơn sơ hướng ra một dòng sông nhỏ soi bóng hàng dừa nước lung linh với xóm làng xung quanh thưa thớt. Em đã sinh ra và lớn lên ở đó với những tháng ngày bình yên trước khi sa chân vào “địa ngục trần gian” của vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức.

Hào Anh nhớ lại: “Con đã có hai cái Tết ở trại tôm giống Minh Đức. Tết đầu tiên tuy buồn nhưng mẹ có gởi cho con quần áo mới. Nhưng Tết năm sau con bị nhốt ở trại tôm giống không được tiếp xúc với người ngoài và cả mẹ. Con đã không được mặc đồ mới và bị đánh rất nhiều. Ngày mùng 1 Tết mẹ có gọi điện thoại hỏi thăm nhưng con không dám nói vì bị cấm. Tối đó con đã khóc rất nhiều vì nhớ nhà!”.

Ngoài giờ học Hào Anh giúp cha mẹ trong trung tâm làm những việc nhà.

Từ nhỏ Hào Anh đã phải sống với ông bà ngoại vì cha mẹ bỏ nhau. Vì vậy, mọi ký ức tuổi thơ tươi đẹp mà em đã trải qua cũng là ở nhà ngoại.

Hào Anh tâm sự: “Ngay từ khi thoát khỏi nhà vợ chồng Giang – Thơm, con đã muốn được trở về nhà với ngoại. Nhưng cuối cùng con chọn ở TTBTXH vì ở đây con được đi học. Con quyết tâm học thành tài để đáp lại công lao của các cha mẹ ở trung tâm và để sau này lo cho ông bà ngoại. Hiện giờ trong lòng con đã có hai mái nhà, đó là nhà ngoại và ngôi nhà chung ở TTBTXH. Dù mai này con lớn lên, có đi đâu, làm gì thì cũng còn có hai nơi để nhớ và quay về…”.

(Theo NLĐO)