- Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Đô Lương với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng được triển khai từ năm 2007 và dự kiến sẽ cho ra sản phẩm vào 2 năm sau đó. Thế nhưng, đến nay sau 6 năm, công trình này vẫn chỉ là một bãi đất hoang khiến lãnh đạo tỉnh Nghệ An bối rối, dân bức xúc.

Chết yểu!

Trong Giấy chứng nhận đầu tư số 271110000021 do UBND tỉnh Nghệ An cấp ngày 28/11/2007, Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Đô Lương có tổng mức vốn đầu tư dự kiến là 1.478 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh nâng lên xấp xỉ 1.738,9 tỷ đồng.

Con đường có kinh phí 60 tỷ đồng do tỉnh Nghệ An bỏ vốn

4 cổ đông sáng lập gồm Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty XD Công trình Giao thông 4 (CIENCO4), Tổng công ty XD số 1(CCNo1) và Công ty CP xi măng Cầu Đước; Tất cả hợp thành Công ty CP Xi măng Đô Lương với vốn điều lệ 450 tỷ đồng.

Ban đầu, Lilama giữ vai trò cổ đông chi phối. Tuy nhiên đến tháng 8/2009 đơn vị này đã “nhường” vị trí lại cho Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (nay là Tập đoàn phát triển nhà và đô thị HUD). Trước đó, 2 cổ đông CIENCO 4 và Công ty CP Xi măng Cầu Đước đã lần lượt rút khỏi dự án.

Tính đến 30/8/2011, các cổ đông mới chỉ đóng góp được khoảng 71,8 tỷ/450 tỷ đồng vốn điều lệ, đạt 15,9 %. Mức đóng góp “bèo bọt” này khiến dự án lâm vào tình trạng đói vốn.

Chưa dừng lại ở đó, CCNo1 và Lilama cũng đã lần lượt có văn bản xin rút khỏi tư cách cổ đông sáng lập của dự án trong năm 2010 và 2011, đẩy HUD vào thế “đơn độc”. Công ty CP xi măng Đô Lương sau đó đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để kêu gọi tham gia vào dự án nhưng phía Petrovietnam từ chối.

Tháng 8/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 4816/UBND-CN giao Sở Kế hoạch & Đầu tư tham mưu thủ tục thu hồi, chấm dứt hoạt động đối với Dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Đô Lương, sau đó tỉnh Nghệ An đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với công ty CP Xi măng Đô Lương.

Cả tỉnh ngồi trên đống lửa!

Trong suốt quá trình triển khai Dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Đô Lương, UBND tỉnh Nghệ An luôn quan tâm, theo dõi sát sao.

Không “sốt sắng” sao được khi đây là dự án trọng điểm để thu hút đầu tư phát triển vùng Tây Nghệ An, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội vùng này.

Sau 6 năm kể từ ngày động thổ, dự án xây dựng Nhà máy xi măng Đô Lương vẫn chỉ là bãi đất hoang

Dự án do đó được hưởng mọi chế độ ưu đãi đặc biệt, như hưởng 100 % kinh phí xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài bờ rào, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; được hưởng chính sách ưu đãi miền Tây Nghệ An và một số chính sách về thuế vào đào tạo nguồn nhân lực.

Tỉnh Nghệ An đã “đổ” ra gần 100 tỷ để hỗ trợ dự án; trong đó riêng việc làm tuyến đường giao thông nối từ nhà máy ra QL7 đã ngốn 60 tỷ, bên cạnh đó là tiền đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư.

Cứ ngỡ với những khoản ưu đãi đó, dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên sau ngày động thổ, dự án chỉ xây dựng được khu nhà hành chính, hệ thống cấp điện, nước và…hàng rào bao quanh; sau đó thì nằm im không thi công thêm nữa.

Bãi đất được san lấp bằng phẳng rộng 41,2 ha đã mọc đầy cỏ, làm nơi chăn thả trâu bò cho người dân. Khu nhà hành chính hoang vắng với vài bảo vệ trông coi cả ngày lẫn đêm.

UBND tỉnh Nghệ An đã ra hàng loạt văn bản để đốc thúc Công ty CP Xi măng Đô Lương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhưng vẫn vô hiệu

 

Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Giang, Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở KHĐT tỉnh Nghệ An cho rằng: “Với công suất 2.500 tấn clanke/ngày tương đương 924.000 tấn xi măng/năm, Nhà máy xi măng Đô Lương khi hoàn thành sẽ đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của không chỉ miền Tây mà đối với cả tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh đã ra hàng chục văn bản để chỉ đạo, đốc thúc nhà đầu tư đảm bảo tiến độ ghi trong giấy phép”.

Lý giải về sự “chết yểu” của dự án này, bà Giang cho biết: “Phía công ty không sắp xếp được nguồn vốn, sự rút lui của các cổ đông khiến công ty gặp khó khăn. Phải nhìn nhận rằng, trong giai đoạn vừa qua, suy thoái kinh tế dẫn đến khủng hoảng chung, rất nhiều dự án trên toàn quốc, nhất là các dự án bất động sản đều gặp khó khăn và bị ngưng trệ.

Hơn nữa trong giai đoạn này thị trường xi măng cũng đã bão hòa nên một số nhà đầu tư cũng không muốn rót vốn thêm vào các dự án xây dựng nhà máy xi măng”.

Đại diện Sở KH&ĐT Nghệ An cho biết thêm, hiện Tập đoàn xi măng The Vissai Ninh Bình đang quan tâm tới dự án, lãnh đạo tỉnh đang đốc thúc phía HUD nhanh chóng thanh quyết toán các hạng mục đã triển khai xây dựng để bàn giao.

Tuy nhiên quá trình bàn giao mới chỉ là bước xúc tiến ban đầu và “dự án nghìn tỷ” sẽ còn phải tiếp tục “đắp chiếu”.

Cao Nam – Duy Tuấn

(còn nữa)