- Không đơn thuần là thú chơi 'ngông' của giới đại gia mà nay du thuyền còn được đưa vào các dự án bất động sản để tăng thêm giá trị.
Chơi “ngông” hay nhu cầu thực tế
Chuyện sở hữu du thuyền thực ra không mới tại TP.HCM. Còn nhớ năm 2009, dư luận ồn ào xung quanh tin người đẹp D.M dạo chơi sông Sài Gòn trên chiếc du thuyền trị giá 2 triệu USD mỗi dịp cuối tuần.
Hỏi chuyện D.M mới biết đó chiếc du thuyền triệu đô của công ty…chồng người đẹp này, chuyên cho thuê, bán tàu, du thuyền phục vụ đại gia lắm tiền và thích hàng “độc”.
Tiếp đó, một đại gia khác trong ngành sản xuất hàng gia dụng cũng đăng đàn công bố mua tới 3 du thuyền, 2 chiếc để “nhà dùng”, 1 chiếc mua giúp bạn là một đại gia ngành ngân hàng.
Các du thuyền được mua từ nước ngoài, sau khi đóng các loại thuế nhập khẩu, VAT, tiêu thụ đặc biệt, giá mỗi chiếc du thuyền vào khoảng từ 300 - 500 nghìn USD.
Một du thuyền đang di chuyển trên sông Sài Gòn |
Đến nay, việc sở hữu du thuyền, đi lại trên sông nước Sài Gòn không còn hiếm nữa. Nhiều người biết chuyện những ngày cuối tuần, đại gia V. trong ngành nội thất thường có thú vui mời các chân dài, ca sĩ tham quan du thuyền, chạy 1 vòng từ bến Bạch Đằng đến tận Củ Chi để tham thú cảnh sông nước và hát hò giải sầu…
Được mở đường thông qua thú chơi của một số đại gia, tiếp đó là nhu cầu mua sắm du thuyền của các dự án bất động sản cao cấp, một thị trường du thuyền bắt đầu hình thành.
Mới đây, một cổng thông tin đồ sộ về du thuyền có đại diện tại 20 nước trên thế giới đã mở phiên bản tiếng Việt với nhiều dự định cho thị trường du thuyền tại Việt Nam.
Cũng dễ hiểu khi điểm xuất phát của thị trường bắt đầu ở TP.HCM vì đây là thành phố cận duyên (cách Vũng Tàu 80 km; Mũi Né 160 km; hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai - Soài Rạp - Lòng Tàu kết nối TP.HCM với các địa phương khác) với dân số khá đông cùng 3 triệu khách du lịch mỗi năm.
Ngoài ra, TP.HCM cũng là nơi tập trung nhiều doanh nhân giàu có và một loạt dự án bất động sản du lịch nằm liền kề các con sông lớn cùng một số dự án bến du thuyền đã được cấp phép (ở các quận 2, 7, 9, Bình Thạnh và Nhà Bè).
Hình thức giao thông mới
Cũng không đơn thuần là thú chơi ngông xa xỉ của giới đại gia, mà nay du thuyền còn được đưa vào các dự án động sản để tăng thêm giá trị.
Hầu hết các dự án bất động sản để an cư thường nằm cách xa trung tâm TP, việc lưu thông đường bộ đã trở nên ngáo ngán.
Hiện nay, tận dụng địa thế sông nước của TP.HCM, các chủ dự án đã nhanh chóng chớp thời cơ để xây dựng và bến du thuyền như một chiêu thu hút bằng hình thức giao thông mới.
Từ năm 2011 chủ đầu tư dự án khu dân cư phức hợp Sài Gòn Pearl (Công ty Cổ phần Tập đoàn SSG) đã xin các cơ quan chức năng cho phép xây dựng bến du thuyền, quy mô cho 130 canô và du thuyền neo đậu. Vị trí xây dựng nằm tiếp giáp giữa dự án và tuyến sông Sài Gòn thuộc quận Bình Thạnh.
Hiện Sở GTVT đã cơ bản chấp thuận chủ trương cho Công ty SSG xây dựng bến du thuyền ở dự án Sài Gòn Pearl.
Theo đại diện của Sở GTVT TP.HCM, thì ngoài việc phục vụ cho mục đích của chủ đầu tư, bến du thuyền này còn là nơi phục vụ cho mục đích công cộng (canô buýt vào đưa, rước hành khách).
Trong điều kiện đường bộ ngày càng quá tải, việc khai thác vận tải bằng đường thủy cá nhân và công cộng sẽ được khuyến khích nhằm chia sẻ áp lực với đường bộ
Nội thất sang trọng trong một du thuyền trị giá hàng triệu USD |
Các chủ đầu tư của nhiều dự án khu dân cư mới nằm cạnh bờ sông Sài Gòn ở khu vực Thảo Điền, An Phú Đông (quận 2)… cũng đã đầu tư bến đường thủy và được cấp phép hoạt động.
Đây là những bến đơn giản cho ca nô neo đậu. Ngoài ra, nhiều chủ dự án dân cư khác cũng tuyên bố sẽ xây dựng bến du thuyền.
Tận dụng lợi thế ba mặt giáp sông Công ty Bình Thiên An, chủ đầu tư dự án đảo Kim Cương (Diamond Island) cũng đang theo đuổi kế hoạch xây dựng một bến du thuyền trên cù lao phục vụ cư dân.
Nằm trên khu đất rộng 8 ha, ngay ngã ba sông Sài Gòn và sông Giồng Ông Tố, quận 2, từ vị trí của dự án này chỉ mất 10 phút đi bằng canô đến bến Bạch Đằng để vào khu trung tâm thành phố.
Vốn đầu tư toàn bộ dự án nhà ở và bến du thuyền 300 triệu USD. Để khởi động cho dự án, doanh nghiệp này còn mạnh tay sắm một du thuyền trị giá 2 triệu USD mua từ Anh có tên gọi Princess 58 Yacht mang về Việt Nam và đổi tên mới là Diamond Island, ban đầu cũng để đưa khách đến tham quan dự án.
Tuy cách xa khu trung tâm quận 1, dự án Kenton Residences nằm trong khu quy hoạch dân cư cao cấp tại khu Nam Sài Gòn, cũng được chủ đầu tư xác định sẽ xây dựng một bến du thuyền có thể cập những tàu 20-30 chỗ, kết hợp với hạng mục công viên bờ sông.
Theo Công ty TNHH sản xuất thương mại Tài Nguyên, chủ đầu tư dự án, bến du thuyền ven sông sẽ nằm gần khu vực nhà biệt thự. Các dự án BĐS cao cấp đã không ngần ngại cộng thêm hàng trăm tỷ đồng xây dựng bến du thuyền, với kỳ vọng hạng mục mới lạ này sẽ làm tăng giá trị của dự án.
Vẫn khó để vận hành trơn tru
Một xu thế mới, một thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc cơ sở hạ tầng chưa thể tương thích, đây chính là mảng khuyết để tạo nên một thị trường hoàn chỉnh cho du thuyền tại Việt Nam.
Theo ông Trần Huy Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Du thuyền Quốc tế (IYC), do lĩnh vực du thuyền quá mới ở Việt Nam nên các dịch vụ liên quan như bến đậu, bảo dưỡng, lương thuyền viên… chưa đồng bộ và mức phí khá cao.
Ngoài ra, đối với những người sở hữu du thuyền là Việt Nam chưa có chiến lược xây dựng các bến du thuyền. Thêm vào đó là điều kiện sông nước và khí hậu nóng ẩm của Việt Nam cũng gây khó khăn trong việc bảo trì, bảo dưỡng du thuyền.
Nhiều dự án bất động sản cao cấp xây dựng bến du thuyền để thu hút khách hàng “đại gia” |
Còn theo ông Tăng Thành Trung, Giám đốc Công ty Du thuyền Việt Nam, hiện nay, TP.HCM chưa có bến neo đậu du thuyền chuẩn.
Vì thế 2 năm nay, công ty ông phải neo chiếc Diamond Island ở một bến tạm với chi phí hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Thêm vào đó, nhân sự chuyên nghiệp có khả năng vận hành du thuyền rất khan hiếm và khó tuyển.
Ông cho biết, mỗi tháng chi phí bến bãi, lương thuyền viên và những sửa chữa nhỏ cũng ngốn hết 120 triệu đồng. Đó là chưa kể mức thuế đánh vào du thuyền ở Việt Nam vẫn cao, 10% thuế nhập khẩu và 30% thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy, giá mỗi chiếc du thuyền về Việt Nam đội lên gần một nửa.
Đã có website mua bán du thuyền bằng tiếng Việt. Kế hoạch sản xuất du thuyền ở Việt Nam cũng đang được xúc tiến. Tuy nhiên, liệu rằng thị trường này có phát triển lâu dài hay không khi tốc độ xây dựng thị trường đã đi trước một bước so việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bến bãi. Việc vận hành trơn tru thị trường này cần phải được phát triển cân đối giữa hai yếu tố trên.
Nam Phong