- Sau khi VietNamNet thông tin về nguy cơ ùn tắc tăng cao do tiến hành thu phí thử nghiệm tại chân cầu Bình Triệu 1, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã có văn bản báo cáo sơ bộ. Vấn đề này được dư luận TP.HCM đặc biệt quan tâm.


Người dân lo ngại tình trạng kẹt xe sẽ gia tăng trên đoạn từ trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 đến giao lộ Kha Vạn Cân- Quốc lộ 13 sau khi có trạm thu phí. Tại buổi giải trình, đại diện CII phát biểu “Chúng tôi tin tưởng rằng, việc thu phí sẽ không bao giờ dẫn đến kẹt xe tại… khu vực trạm”.

“Ùn ứ xe cầu Bình Triệu 1 là do…đường sắt”?

Mở đầu cho cuộc họp giải trình trước các cơ quan báo chí, phía CII đưa ra một đoạn clip về cảnh các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 13 đoạn từ trạm thu phí thử nghiệm dưới chân cầu Bình Triệu 1 đến ngã tư Bình Triệu.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho rằng “trong quá trình cùng các Sở ngành thành phố nghiên cứu vị trí đặt trạm thu phí, CII nhận thấy vị trí đặt trạm thu phí chiều ra nằm trong đoạn giữa cầu Bình Triệu 1 và ngã tư QL13- Kha Vạn Cân là thích hợp nhất”.


Cảnh ùn tắc giao thông sau khi cầu Bình Triệu 1 thu phí. Ảnh: Quốc Quang

Lý giải cho nhận định này, ông Bình nói “phía CII đã chủ động mở rộng tối đa mặt đường, nâng thành 4 làn xe ô tô thay vì chỉ 2 làn xe như trước đây. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, nhân viên trạm thu phí có thể hỗ trợ để giải toả ách tắc giao thông tại khu vực ngã tư QL13- Kha Vạn Cân”.

Sau khi đưa ra báo cáo sơ bộ do ghi nhận trong 4 ngày nay, CII kết luận: “Như vậy, việc ùn xe tại khu vực trạm hoàn toàn không xuất phát từ nguyên nhân do đặt trạm thu phí. Nguyên nhân chính là do tuyến đường sắt bắc ngang Quốc lộ 13”.

Với lập luận này, một chuyên gia giao thông đã phải giật mình vì lẽ “đường sắt cắt ngang quốc lộ 13 đã có từ rất lâu trước khi phía CII lập dự án và kiến nghị thành phố xin thu phí. Do đó, dự án của CII tính đến thời điểm hiện tại rõ ràng đã không giúp giảm ùn tắc như kỳ vọng của nhiều người về hiệu quả của dự án này”.

Tại buổi làm việc 31/7, phía CII thừa nhận việc ùn tắc do tàu đi qua là không thể hoá giải được cho đến khi tuyến Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài được thông xe. Tuy nhiên, tuyến đường này theo dự kiến mới đây phải đến cuối năm 2013 mới có thể hoàn thành.

BOT “vô hiệu hoá” Thông tư

Câu chuyện Thông tư 90 và các trạm thu phí dày đặc bất chấp quy định về khoảng cách đã được người dân quan tâm từ rất nhiều năm nay. Tuy nhiên, do quy hoạch dự án thiếu đồng bộ, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra khiến phương tiện giao thông luôn trong cảnh giữa muôn trùng vây “cửa ải”.

Trên quốc lộ 1A với chiều dài 1.700 km đã có đến 18 trạm thu phí, từ TP.HCM đến Đắc Lắc khoảng 350 km có tới 7 trạm thu phí, từ TP.HCM đi Vũng Tàu với gần 120 km cũng phải vượt qua đến 3 trạm thu phí.

Tại buổi giải trình với các cơ quan báo chí, khi bàn về việc trạm thu phí chân cầu Bình Triệu 1 sẽ nâng tổng số trạm thu phí trên quãng đường chưa đầy 30km từ Bến xe Miền Đông đi Bình Dương lên 3 trạm, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) nói:

“Dự án BOT thuộc vào mục 4 của phần 2 trong Thông tư 90, tức là đầu tư bằng dự án BOT”.

Theo bà Trâm, Thông tư 90 áp dụng với các dự án làm bằng vốn ngân sách chứ không quy định với các dự án BOT và các dự án BOT hoàn toàn không bị ràng buộc bởi quy định các trạm thu phí phải cách nhau 70 km.

“Khi chúng tôi xin chứng nhận đầu tư thì Bộ Kế hoạch đầu tư chủ trì nhưng có tất cả các Bộ (trong đó có Bộ Tài chính) đều có ý kiến và vấn đề này cũng đã được đặt ra. Do vậy, việc chúng tôi được cấp giấy chứng nhận đặt trạm thu phí đầu ra và đầu vào của dự án cầu Bình Triệu mà bảo là vi phạm thì chúng tôi cũng không biết nói thế nào nữa”, bà Trâm nói.

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP.HCM cho rằng: “Tiền nộp cho các trạm thu phí chỉ là một vấn đề, chuyện đáng bàn ở đây nữa là những trạm thu phí dày đặc đã gây ra hàng loạt phiền toái, ngoài tăng chi phí, mất thời gian, tiêu hao nhiên liệu còn có nguy cơ kẹt xe, ùn tắc giao thông. Điều tréo ngoe là trong khi mục đích thu số tiền đó là để hoàn vốn cho các dự án giao thông, giúp giải toả ùn tắc”.

“Trong trường hợp như CII vừa rồi, rõ ràng Thông tư 90 không đủ sức ràng buộc trên diện rộng dù xét bản chất những quy định khoảng cách lập trạm thu phí trong văn bản này và dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 đều có một phần nhiệm vụ hoá giải ùn tắc. Dù có hợp lý theo Thông tư 90, hợp pháp theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí, nhưng ở góc độ trách nhiệm, hiệu quả xã hội thì bắt dân đóng phí để lưu thông trên đường ùn tắc là điều…vô lý”, ông Chung chia sẻ.

Minh Dũng