- “Đối với người giàu, viện phí tăng bao nhiêu cũng chẳng thấm nhưng với dân lao động nghèo, tăng thêm một đồng là thêm một phần túng khó”, một bệnh nhân bày tỏ.
“Lại tăng à?”
Bác Nguyễn Đức Hoàng, 50 tuổi, làm nghề chạy xe ôm, đang chờ khám tai – mũi –
họng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM thở dài khi nghe P.V VietNamNet hỏi ý kiến về
chuyện giá viện phí tăng.
“Ai chẳng biết người dân mua bảo hiểm y tế chỉ phải chi trả một phần viện
phí. Tuy nhiên, khi giá viện phí tăng thì phần chi trả của dân nghèo chúng tôi
cũng tăng theo. Như tôi chẳng hạn, mỗi ngày chạy xe trung bình kiếm được khoảng
100 ngàn đồng, nuôi 3 đứa con ăn học, rồi tiền thuê phòng trọ. Tiền ăn cho cả
nhà tôi 1 ngày không quá 25 ngàn đồng. Vậy viện phí chỉ cần tăng thêm vài ngàn
cũng là vấn đề rồi. Nghèo thì tốt nhất đừng có bệnh”, bác Hoàng than thở.
Nghe nói viện phí tăng, chị Sâm, 40 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương, đưa con đi
khám xoang thất thần hỏi: “Lại tăng à, xăng tăng, gas tăng, rồi đến viện phí
tăng. Thu nhập thì chết chân tại chỗ. Thằng con tôi quặt quẹo, suốt ngày vào
viện. Nay viện phí mà tăng chắc vợ chồng tôi làm bao nhiêu vào tiền viện cho con
hết thôi”.
Nhiều bệnh nhân nghèo ngán ngẩm khi biết tin viện phí tăng - Ảnh: Thanh Huyền |
Qua Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 TP.HCM, một số phụ huynh cho biết họ nghe
thông tin viện phí sắp tăng qua báo chí, truyền hình.
Chị Trần Thị Trang, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM đang xếp hàng đóng tiền khám
bệnh cho con bày tỏ: “Viện phí tăng mà chưa biết tăng bao nhiêu. Tôi chưa
thấy bệnh viện công bố gì cả nên hơi lo lắng. Mẹ tôi đang nằm điều trị nội trú
vì suy thận mãn. Kế hoạch điều trị cho bà rất dài hơi, chúng tôi cần biết giá
viện phí để chuẩn bị tiền bạc”.
Ai lợi, ai thiệt?
Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2
(TP.HCM) cho biết, viện mình chưa áp dụng tăng viện phí.
“Thông tin từ 1/8 bắt đầu áp mức viện phí mới nhưng Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2
chưa áp dụng. Bệnh viện đã trình kế hoạch giá viện phí lên Sở Y tế và đang chờ
xét duyệt”, bác sĩ Tùng nói.
Lãnh đạo một bệnh viện khác tại TPHCM xin được giấu tên cho ý kiến về lần tăng
viện phí này: “Thực ra tăng viện phí bệnh viện không được lợi mấy mà bảo hiểm
xã hội hưởng lợi nhất. Khổ vẫn là dân”.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, bắt đầu từ hôm nay (1/8) sẽ áp dụng tăng viện phí mới
trong thanh toán khám chữa bệnh.
Các cơ quan quản lý cũng sẽ giám sát chặt chẽ, tránh việc lạm dụng tăng giá tràn
lan.
Tính đến thời điểm này, có 22/38 bệnh viện (chưa tính các bệnh viện thuộc các
trường, các cơ sở thuộc các Bộ, ngành khác mà theo luật Khám chữa bệnh Bộ Y tế
phải quy định giá) đã được thẩm định xong giá viện phí.
Nguồn tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đại đa số các tỉnh phê duyệt viện
phí ở mức trên dưới 80% khung giá do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành.
Còn các bệnh viện hạng I sẽ được duyệt viện phí từ mức 95 đến 96% của khung giá.
Như vậy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 giá khám chữa bệnh đối với bệnh nhân bảo hiểm
y tế sẽ không quá 15 ngàn đồng. Bệnh viện Chợ Rẫy trực thuộc Bộ Y tế đã được
duyệt mức giá viện phí mới, khoảng 20 ngàn đồng/lần khám.
Tuy nhiên, thời gian áp dụng giá viện phí mới còn tùy từng bệnh viện bởi các
bệnh viện phải chuẩn bị để tăng giá. Nếu bệnh viện nào đó thấy chưa đủ tiêu
chuẩn tăng giá sẽ phải đầu tư thêm vào cơ sở vật chất…
Thanh Huyền