- Khi con nợ hết khả năng giải quyết nợ nần, chủ nợ đã khóa cửa nhà con nợ và 1 tháng nay, bất kỳ thành viên nào trong gia đình con nợ muốn ra vào nhà của mình phải gọi điện cho chủ nợ đến mở cửa. Chuyện lạ lùng này xảy ra ngay tại Q.1, TP.HCM.

Khóa cửa…“xiết” nhà !

Câu chuyện đòi nợ lạ lùng xảy ra tại ngôi nhà số 38/10/12B đường Trần Khắc Chân, P.Tân Định, Q.1 Vụ việc xảy ra gần 1 tháng nay và cả gia đình bị “giam lỏng” đang làm đơn kêu cứu lên chính quyền địa phương.

Ngôi nhà số 38/10/12B đường Trần Khắc Chân, P.Tân Định, Q.1 bị khóa ngoài gần 1 tháng nay.
Theo tìm hiểu của P.V VietNamNet, bà Lâm Hồng Thiên N. (SN 1976, ngụ nhà số 38/10/12B đường Trần Khắc Chân, P.Tân Định, Q.1) có quan hệ vay mượn tiền của bà Phùng Bích L. (SN 1964, cũng ngụ tại đường Trần Khắc Chân, P.Tân Định, Q.1 – là hàng xóm của bà N).

Theo giấy tờ mà 2 bên cung cấp, bà N. có 3 lần vay mượn tiền của bà L., thể hiện số nợ tổng cộng là 870 triệu đồng.

Các lần vay mượn giữa hai bên đều có xác nhận tại phòng công chứng số 1, TP.HCM. Hợp đồng vay tiền 2 bên ký kết thể hiện lãi suất vay mượn là 1,25%/tháng.

Tuy nhiên khi đến hạn, bà N đã không trả nợ mà lánh mặt. Kể từ ngày 4/7 cho đến nay, bà L. đã mang khóa đến khóa cửa nhà bà N. lại.

Tấm biển lạ lùng đặt trước nhà 38/10/12B đường Trần Khắc Chân mà người nhà bà N cho rằng bà L đã treo ở đó.
Việc khóa cửa khiến các thành viên trong gia đình bà N. gồm ông Q. (chồng bà N.) và 2 con nhỏ của bà này mỗi khi muốn ra - vào ngôi nhà của mình đều phải gọi bà L. sang mở cửa.

Khi P.V tìm đến địa chỉ nói trên, ông Q. (chồng bà N.) xác nhận đã bị khóa cửa gần 1 tháng nay và phải sống trong cảnh “nhờ vả” hàng xóm – chủ nợ của gia đình mình.

Khi P.V có ý định vào nhà, ông Q. phải “xin” hàng xóm và chính người nhà của bà L. đã mang chìa khóa sang mở cửa cho vào…

Gần 1 tháng, địa phương không hề biết ?

Mặc dù tránh mặt chủ nợ, tuy nhiên bà Lâm Hồng Thiên N. vẫn đồng ý tiếp xúc với P.V VietNamNet để giải thích về vụ việc. Bà N. thừa nhận có vay của bà L., số tiền 870 triệu đồng.

Bà giãi bày: “Do áp lực lãi suất, “đuối quá” nên tôi hết khả năng chi trả, tiếp đó gia đình bà L. lại “làm dữ” nên tôi phải lánh mặt luôn”.

Về phía bà Phùng Bích L., khi được hỏi đã không chối bỏ việc bà dùng ổ khóa “giam lỏng” các thành viên gia đình bà N. kể từ ngày 4/7 đến nay.

Bà L. còn giải thích, sở dĩ bà áp dụng biện pháp này vì bà N. không chịu giải quyết nợ nần, lại tránh mặt. Bà lo sợ gia đình bà N. sẽ tẩu tán tài sản và bán nhà cho người khác.

“Tuy là tôi khóa cửa nhà nhưng tôi vẫn tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình bà N. đi lại bình thường; hễ người nhà bà N. gọi là lập tức tôi hoặc người nhà của tôi sang mở cửa liền” – bà L. khẳng định như thế.

Còn ông Q. ấm ức nói với P.V: “Từ khi bị khóa cửa nhà đến nay, tôi đã nhiều lần trình báo công an phường, tổ dân phố nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.

Trong khi đó chiều 2/8, đại diện chính quyền P.Tân Định, Q.1, ông Trần Trọng Nghĩa - Phó chủ tịch phường xác nhận: “Chính quyền địa phương chỉ nhận đơn của bà L. đề nghị không cho gia đình bà N. chuyển nhượng căn nhà, chứ phường chưa nhận bất kỳ thông tin nào về việc bà L khóa cửa nhà bà N”.

Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, khi nhận đơn của bà L., chính quyền phường đã hướng dẫn bà L. liên hệ với tòa án để giải quyết đúng theo quy trình pháp luật.

Ông Nghĩa khẳng định: “Nếu có việc “giảm lỏng” người như anh nói, chúng tôi sẽ yêu cầu công an phường giải quyết”.

Trong khi đó trung tá Nguyễn Phước Hồng, phó trưởng công an phường Tân Định cho biết, công an khu vực đã làm việc với 2 phía gia đình và đã báo cáo lên ban chỉ huy công an quận để có hướng xử lý.

Dấu hiệu vi phạm Luật hình sự

Theo luật sư Nguyễn Văn Trường (trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trường, TP.HCM, việc vay mượn tiền của bà L với bà N hoàn toàn là giao dịch dân sự.

Nếu bà L lo ngại bà N tẩu tán tài sản thì có thể khởi kiện ra tòa, yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạm dừng việc mua bán, cho tặng ngôi nhà để đảm bảo việc thi hành án sau này.

Còn hành vi bà L đòi nợ bằng N bằng cách khóa cửa nhà bà N lại như nói trên đã đủ yếu tố cấu thành tội “xâm phạm chỗ ở của công dân” theo điều 124 Bộ luật Hình sự.

Theo điều luật này, nếu ở mức độ nhẹ thì người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng tới 1 năm tù.

Nếu hành vi phạm tội gây ra hậu quả nghiệm trọng như tính mạng, sức khỏe, thiệt hại về tài sản của người khác thì người phạm tội còn có thể bị truy tố thêm về những tội tương ứng với hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra.

Đàm Đệ