- Những người neo đơn, lang thang, cơ nhỡ khi chết không một mái nhà, những hài nhi qua đời bị bỏ rơi trong Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, những thanh niên nghiện ngập, thân tàn ma dại chết, nơi xó chợ gầm cầu và vô số các trường hợp khác đều được ông Oanh và đội mai táng phước thiện khâm liệm.

Xác chết không có tội

Tháng 4/2012, hai anh em ruột Lê Hoàng M. (32 tuổi) và Lê Hoàng M. (27 tuổi) trong một gia đình cực nghèo ở thuê tại phường 8 quận 4 lần lượt qua đời.

Cả 2 đều nghiện ma túy nặng và vướng căn bệnh thế kỷ AIDS. Gia đình bối rối. Bà con chung quanh ngoảnh mặt bởi trước đó, khi còn sống cả hai gây không ít phiền lụy cho họ. Làm sao bây giờ?

Chiếc áo quan này sau khi được ông Oanh hoàn thiện có giá chỉ 2 triệu đồng trong khi tại các trại hòm có thể lên đến 10 triệu đồng

Ông Oanh và đội Oanh Lập hay tin có mặt ngay trong những phút đầu tiên. Ông tiếp cận thi thể và không ngại lây nhiễm, tắm rửa thay quần áo. Ông mặc cho người chết bộ quần áo gấm xanh.

Chiếc quan tài được kê ngoài ngõ hẽm vì chủ nhà trọ không chấp nhận để trong nhà. Ông đưa xác vào túi nylon gói lại, cho vào chiếc quan tài rồi đổ trà ướp xác...

Người nhà nhìn công việc ông làm ai nấy cũng thầm cảm phục tấm lòng nhân ái của một người hàng ngày đạp xe ba gác chở thuê mưu sinh. Đối với họ, chưa bao giờ dám nghĩ con cháu mình có được một cái chết 'ấm êm' như thế.

Đám tang người anh xong thì vài tuần sau, cũng tại căn nhà này người em đột tử vì tiêm chích quá liều. Ông Oanh và đội Oanh Lập một lần nữa có mặt chu toàn mọi việc.

“Khi sống có thể họ có lỗi với gia đình với bà con chòm xóm và xã hội. Cái sai của họ rõ ràng rồi nhưng khi họ nằm xuống ai còn lòng dạ nào kết tội hay lên án một xác chết ? Chúng tôi không phân biệt đối xử mà chỉ biết họ là những người đang cần đến sự trợ giúp. Oanh Lập sẵn sàng hỗ trợ mà không lấy một đồng chi phí hoặc thù lao nào...’, ông Oanh trầm tư bộc bạch.

Cứ như thế mà suốt 31 năm nay, ông Oanh lặng lẽ làm cái công việc từ thiện này mà bất cứ ai dẫu có lòng từ tâm đến mấy cũng khó mà thực hiện được. 

Đồ nhuyễn tế chứa đầy trên căn gác nhỏ

Đã bước vào ngưỡng thất thập nhưng hàng ngày ông đạp xe ba gác kiếm thêm thu nhập để chi dùng trong gia đình. Dư đồng nào ông dồn vào công việc từ thiện mua sắm vật dụng mai táng. Cứ thế mà ông sống vui, sống khỏe. Chia sẻ điều này, ông cười: “Có lẽ trời thương...”.

Cần một chỗ để tập kết quan tài

Đám tang một người khá giả hiện nay cũng phải ngót nghét 70 – 80 triệu đồng. Với ông Oanh, số tiền đó không nhỏ. Hàng tháng có đến hàng chục đám ông phải lo thì với khoảng chi phí “khủng” đó làm sao đảm đương nổi ?

Ông kể với chúng tôi chủ yếu là anh em góp lại. Cả đội 21 người ngoài cái ăn cái mặc cho gia đình ai còn dư đồng nào đều gom góp vào quĩ của Oanh Lập. Nhờ vào quĩ này, ông sắm sửa vật dụng. Một chiếc quan tài hoàn chỉnh, bóng loáng ở trại hòm có giá lên đến hơn 10 triệu đồng thì với ông, ông chỉ mua hòm thô chưa qua công đoạn hoàn thiện.
 

 

Nhập vào căn gác, giờ rảnh ông đánh vẹc ni, kẻ thêm chỉ hoa văn và tùy theo tôn giáo từng người chết, dấu chữ vạn hay thánh giá được gắn vào đầu hòm. Nhờ vậy mà chiếc hòm khi đưa đến người chết rất sang trọng nhưng giá thành chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng.

Ngoài ra, quần áo người chết, áo tang cho thân nhân, vải vóc, trà khô ướp xác, nhang đèn đều được phục vụ chân tình và miễn phí.

Ông không kêu gọi sự đóng góp của bất cứ ai mà chủ yếu trông cậy vào tấm lòng của 21 anh em trong đội. Gần đây, cảm phục nghĩa cử của ông, hai doanh nhân là bà Kim Lan ở quận 3 và ông Hoàng Thành ở quận 11 có nhã ý tài trợ thêm kinh phí phụ với ông. Tuy nhiên, ông Oanh cho biết chỉ khi nào bí lắm ông mới nhờ đến họ.

Điều quan trọng và cần thiết nhất là một địa điểm để tập kết quan tài. Căn gác ông đang sử dụng do một người hảo tâm trong xóm cho sử dụng mà không lấy tiền bởi biết ông chỉ làm công việc từ thiện.

Thế nhưng, trong hẻm quá hẹp, căn gác lại cao, mỗi lần đưa hòm về là cả một kỳ công trong khi tuổi tác ông ngày càng lớn, sợ đến một ngày nào không đủ sức để leo lên.

“Cũng chẳng biết phải nhờ vào ai...” - ông bỏ lửng câu nói rồi nhìn xuống bên dưới, thầm cám ơn cái xóm lao động nghèo này đã bao năm bao bọc để ông có cơ hội đến với những người cùng khổ.

Trần Chánh Nghĩa