- Hàng chục cây gỗ quý cổ thụ tại Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn lại vừa bị lâm tặc ngang nhiên “xẻ thịt”. Hiện trường cho thấy các vụ đốn hạ gỗ quý diễn ra trong một thời gian dài…
 
Tan hoang rừng cổ…
 
Ngày 2/8, nhận tin báo của người dân về việc hàng chục cây gỗ cổ thụ quý hiếm thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn vừa bị lâm tặc đốn hạ, chúng tôi lập tức lên đường.
 
Sau nhiều giờ đồng hồ trầy trật xuyên rừng, nhóm phóng viên chúng tôi cũng tiếp cận được tiểu khu 484 - địa điểm mà lâm tặc vừa tổ chức khai thác gỗ quý. Dấu những chiếc xe máy vào đường tuần tra nội bộ, chúng tôi lội bộ vào rừng, đi được khoảng 20m, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là hàng loạt cây gỗ quý căm xe, giáng hương (nhóm II và IIA) vừa bị lâm tặc đốn hạ.


Nhiều khúc gỗ lâm tặc chưa kịp mang ra khỏi rừng

Hình ảnh chảy máu rừng không còn xa lạ ở VQG Yok Đôn
 
 
Đi rộng trong bán kính chưa đến 100 mét, chúng tôi đếm được trên 20 cây gỗ quý cổ thụ (đường kinh từ 50 – 80cm) mới bị lâm tặc đốn hạ, vết cắt còn mới. Nhiều cây có bút lục kiểm đếm và ghi ngày phát hiện: ĐKT 1/8/2012 – T3 KT (tức đã kiểm tra 1/8/2012, trạm số 3 kiểm tra – PV).
 
Xung quanh đó, còn rất nhiều cây cổ thụ đường kính 60 -70cm bị lâm tặc cưa đổ, những phần “ngon” nhất của cây gỗ đã bị lấy mất. Vết tích để lại hiện trường chứng tỏ hầu hết các cây gỗ quý này mới bị đốn hạ, cành lá vẫn còn tươi xanh, vết cưa trên thân cây còn rỉ mủn . …
 
Chỉ vào một cây căm-xe có đường kinh khoảng 70cm, V.H - người dẫn đường - cho chúng tôi cho biết: “Ngày hôm qua cây này mới bị lâm tặc “xử” đẹp, chúng chưa kịp lấy đi khúc gỗ nào, hôm nay thì phần gỗ tốt nhất đã “bay” mất rồi”.
 
Theo ghi nhận, nhiều dấu tích tại hiện trường như bếp lửa còn mới, can đựng nước, vỏ đồ hộp vứt lăn lóc…chứng tỏ lâm tặc đã tổ chức khai thác hàng loạt cây gỗ quý tại đây trong một thời gian khá dài, sau đó mới xẻ hộp để vận chuyển ra ngoài.
 
Tiếp tục đi sâu hơn vào các tiểu khu 484, 477, dù không có nhiều thời gian và sợ bị lạc, chúng tôi vẫn kịp phát hiện thêm nhiều “công trường” khai thác gỗ lậu và đếm được ít nhất đã có trên 50 cây gỗ quý như căm xe, giáng hương cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ; ước tính có khoảng 50m3 gỗ quý bị lâm tặc lấy đi.
 
Từ các vết tích để lại, nhiều khả năng số cổ thụ trên bị lâm tặc “xử” trong thời gian khoảng cuối tháng 7/2012. Nhiều cây bị đốn, cắt lóng nhưng chưa kịp xẻ hộp để vận chuyển ra khỏi rừng. Chỉ vào một vạt rừng, cây cỏ bị dẫm đạp nát nhừ, V.H quả quyết: “Đây là địa điểm tập kết gỗ lậu của lâm tặc. Ngày 1/8, nơi đây còn là nơi tập kết hàng chục phách gỗ nhưng hôm nay (2/8) đã không còn. Chắc chắn lâm tặc sẽ còn quay lại để lấy nốt mấy khúc gỗ của những cây mới đốn này”.
 
V.H thắc mắc, trước đây lâm tặc chỉ lén lút khai thác nhỏ lẻ, không hiểu sao đợt này chúng lại tổ chức khai thác rầm rộ với quy mô lớn như vậy?
 
Lâm tặc xẻ thịt rừng, kiểm lâm lo đo đếm !
 
Một câu hỏi đặt ra, để lâm tặc lộng hành, tự do lấy gỗ quý trong rừng cấm lớn nhất nước như trong vườn nhà mình, lực lượng kiểm lâm ở đây đã làm tròn trách nhiệm ?
 
Làm việc với chúng tôi vào chiều 2/8, ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc VQG Yok Đôn thừa nhận: “Ngày nào chúng tôi cũng phát hiện lâm tặc đốn hạ gỗ quý. Tính riêng từ nửa tháng 7 đến nay chúng tôi phát hiện và xử lý hơn 30 vụ chặt gỗ quý, trung bình mỗi ngày 2 vụ. Số gỗ quý bị lấy đi ước tính hơn 50m3”.


Cây gỗ quý bị đốn hạ và bị lấy hết phần “nạc”nhất

Rất nhiều cây gỗ vừa bị đốn hạ, ngọn còn tươi xanh
 
Tuy nhiên, sau chuyến thực tế băng rừng, chúng tôi lại nghĩ khác: dường như lực lượng kiểm lâm đang bất lực trước nạn “xẻ thịt” rừng quốc gia ? Suy nghĩ tiêu cực hơn, công việc đơn giản nhất của kiểm lâm là đếm gốc, đánh số, ghi ngày phát hiện, sau đó tổ chức thu gom số gỗ lâm tặc vứt lại làm tang vật ? Còn biện pháp xử lý, ngăn chặn, hạn chế việc lâm tặc vào rừng cấm, ngang nhiên đốn gỗ quý thì gần như không mấy hiệu quả.
 
Theo ông Thành, ngoài các nguyên nhân khách quan, tình trạng mất rừng cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan, đó là do công tác quản lý bị buông lỏng, nhiều dấu hiệu cho thấy có sự tiếp tay của cán bộ kiểm lâm trong các vụ phá rừng ở Yok Đôn. Mặt khác, sự phối hợp giữa VQG Yok Đôn và các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, công tác bảo vệ rừng gần như chỉ khoán trắng cho lực lượng kiểm lâm của Vườn nên không những không ngăn chặn được mà tình trạng phá rừng ở Yok Đôn ngày càng gay gắt hơn.
 
VQG Yok Đôn có diện tích hơn 115.000 héc ta, đây là khu rừng đặc dụng có diện tích lớn nhất nước. Hiện nay, VQG Yok Đôn có biên chế 226 người, trong đó có 173 cán bộ kiểm lâm trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng; hệ thống trạm bảo vệ rừng, đường tuần tra cũng như phương tiện bảo vệ rừng được trang bị khá đầy đủ.
 
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, VQG Yok Đôn đang là điểm nóng về tình trạng vi phạm lâm luật, nếu không sớm có những biện pháp giữ rừng hiệu quả, chỉ một thời gian ngắn nữa, những loài gỗ quý ở VQG Yok Đôn sẽ bị lâm tặc “xẻ thịt” hết và có nguy cơ thành trở thành khu rừng…rỗng ruột.

Yến Thanh