Để đảm bảo bí mật cho chuyến đi, và có kinh phí trang trải, cuối cùng tôi phải lấy tiền nhà. Người thân thấy tôi cần một khoản tiền lớn cứ nghĩ tôi bắt đầu tập tành... ăn chơi hay "nuôi mèo, nuôi chuột" nên sinh nghi...


Một dàn máy ảnh NiKON D90 và laptop cùng chục thẻ nhớ được trang bị. Còn lại một ít lận lưng làm lộ phí, tôi bắt đầu những tháng ngày rong ruổi dọc theo những làng chài ven biển với những trận nhậu lên bờ xuống ruộng để tập làm ngư dân...

Cuộc “sát hạch” bằng rượu


Có thể nói, với bà con ngư dân, bia rượu là thứ không thể thiếu trong mỗi chuyến ra khơi và khi trở về đất liền  đó cũng là thứ  họ nghĩ đến đầu tiên. Gặp nhau, chưa có bia rượu là chưa nói chuyện. Nhưng với họ, bia rượu chỉ là cái cớ để mọi người xích lại gần nhau và chia sẻ trong những lúc khó khăn hoạn nạn...

Nhiều tuần liền, tôi ăn ngủ ở những làng chài ven biển từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi. Những ngày lê la ấy tôi đã chìm ngập trong bia rượu của bà con ngư dân mời khi từ biển vào bờ.

Cũng may, nhờ tôi chịu trận khá tốt, nên được nhiều ngư dân quí mến cho theo tàu ra biển đánh cá vào ban đêm để tập làm quen với sóng gió và học cách đánh bắt để phòng thân nếu lỡ bị bắt cũng biết chút ít nghề biển mà che giấu hành tung của mình…

Để tập chịu đựng gian khổ cho chuyến đi lành ít, dữ nhiều này, tôi đã có nhiều ngày đêm lên tàu ra biển để làm quen. Sau nhiều tháng kiên trì với những trận say sóng nôn ra mật xanh, mật vàng, cuối cùng tôi đã trở thành ngư dân thực thụ chờ ngày lên đường ra Hoàng Sa.

Cho đến một ngày đầu tháng 3/2010, tôi trở lại làng chài Gành Cả, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) khi nhận tin thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn đã cứu 13 thuyền viên trên một tàu đánh bắt tại Hoàng Sa bị tàu lạ đâm chìm vào giữa đêm một ngày cuối tháng 2.

Câu chuyện cứu người giữa biển khơi mà thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn cùng 11 ngư dân khác trên tàu đã  làm  đã mách bảo tôi đây là vị thuyền trưởng can trường.

Trong buổi chiều cuối tháng 2/2010, nơi làng chài Gành Cả, trong cuộc rượu cùng anh em thuyền viên và thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn mừng cứu được người bị nạn trở về an toàn, tôi đưa ra lời đề nghị: Cho tôi một chuyến ra Hoàng Sa làm ngư dân trên tàu.

Tôi trả lời anh: “Đời tui chỉ sợ sướng, không sợ khổ. Vì khổ nhiều rồi, khổ thêm chút nữa không sao. Còn sướng thì chưa một ngày biết. Nên sợ…”. Để kiểm tra sức khỏe và xem tôi có phải là ngư dân thực sự hay không, ngay cuộc nhậu ấy, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn và 11 thuyền viên trên tàu bắt đầu cuộc “sát hạch” tôi bằng rượu.

Tôi đã vượt qua cuộc “sát hạch” một cách ngoạn mục và được anh em đồng ý cho đi theo. Nhưng thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn vẫn không tin, anh cho rằng tôi nói đùa.

Ngư dân “không số” vượt trạm kiểm soát


Hơn 2 tuần chuẩn bị, không liên lạc với thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn, vì sợ anh đổi ý. Qua một trung gian, biết ngày tàu anh nhổ neo ra Hoàng Sa, tôi lù lù mang ba lô với bộ đồ lao động nhàu nát xuất hiện nơi cảng Sa Kỳ. Đến lúc ấy thuyền trưởng Tuấn mới tin là tôi quyết tâm ra Hoàng Sa. Đó là vào sáng sớm ngày 19/3.

Có thêm thuyền viên “không số” mới trên tàu, anh Tuấn quyết định chậm thời gian xuất phát 3 giờ đồng hồ để chuẩn bị thêm lương thực, thực phẩm và nước uống cho tôi. Cuối cùng tàu cũng nhổ neo thẳng ra Hoàng Sa đúng giờ “hoàng đạo”...Để đảm bảo bí mật cho chuyến đi, mọi thông tin đều được giữ kín. Gia đình người thân không hề hay biết tôi đi đâu, làm gì và cũng không liên lạc được qua điện thoại vì tôi tắt máy.

Những ngày ấy, người thân và bạn bè thân của tôi như ngồi trên đống lửa. Bởi bỗng dưng…tôi mất tích không biết vì lý do gì, khi trước đó nhiều tháng liền thấy tôi bỗng dưng thay đổi sáng xỉn chiều say.

Ơn trời, cuối cùng cả anh và tôi cũng thoát được cái “án” treo lơ lửng trên đầu là dám vượt trạm, dám ra Hoàng Sa mà không báo cáo với những người có trách nhiệm tại địa phương.

Để đảm bảo an toàn, tránh tàu kiểm ngư nước ngoài, nên anh Tuấn quyết định đưa tôi đi xuyên qua các đảo vào ban đêm. Chính vì vậy, dù được trang bị phương tiện khá hiện đại, tôi vẫn không ghi được hình ảnh vùng đất thiêng của Tổ quốc. Nhưng chính mắt tôi đã nhìn thấy quầng sáng trên đảo Phạm Quang Ảnh, Tri Tôn…và tận mắt nhìn cột ăng ten nơi đảo Bom Bay.

Nhưng với anh Tuấn và 11 thuyền viên khác thì lo sợ khi trở lại Hoàng Sa vì hình ảnh anh đã được đăng tải trên báo. Kể từ chuyến đi sinh tử ấy, anh Tuấn không dám đưa tàu vào đánh bắt nơi vùng biển Hoàng Sa mà phải ra tận vùng biển Trung Sa. Nhiều chuyến đi đói kém, anh phải đưa tàu vào bờ và ra đánh bắt tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ mà như lời anh bảo là lo sợ bị tàu nước ngoài bắt giữ.


  • Vũ Trung

(còn nữa)