- Dù đã chấp thuận phương án bồi thường, nhận đủ tiền và cam kết bàn giao mặt bằng cho Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, nhưng gần 80 người dân đã dựng lều ngăn cản không cho công trình tiếp tục thi công.
 
Ngày 6/8, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Thị ủy và UBND thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) đã có buổi họp báo về giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đoạn qua thị xã Phúc Yên. 

Người dân 3 xã Nam Viêm, Tiền Châu, Phúc Thắng hàng ngày thay ca nhau dựng lều ngăn cản không cho đơn vị thi công Dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai.

Tại buổi họp báo, ông Lê Văn Lãng, Phó chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên cho biết: Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc có chiều dài hơn 40km) đoạn qua thị xã Phúc Yên dài 3,1km đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định thu hồi từ ngày 3/6/2008 và lập phương án bồi thường, GPMB tại 3 xã phường: Nam Viêm, Tiền Châu, Phúc Thắng với tổng diện tích đất thu hồi là hơn 283.000 m2. 
 
Ngay sau khi ra quyết định thu hồi, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Ngày 28/11/2008, Ban QLDA công trình giao thông 2 đã tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. 
 
Sau khi 100% hộ dân nhận đủ tiền bồi thường, tháng 4/2009 UBND thị xã Phúc Yên đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án để tổ chức thi công.
 
Trong thời gian từ tháng 4/2009 đến tháng 5/2011, đơn vị thi công đã hoàn thành san ủi đất hữu cơ, đắp đất nền toàn bộ phạm vi GPMB với chiều cao trung bình khoảng 3m.
 
Tuy nhiên, tháng 5/2011, một số hộ dân của xã Nam Viêm đã có đề nghị lên chình quyền xã, thị xã Phúc Yên và UBND tỉnh Vĩnh Phúc được hỗ trợ thêm giá đền bù GPMB. 
 
Những hộ dân này đã không chấp nhận mức đền bù GPMB 43,5 triệu đồng/ sào như đã chấp thuận từ 2008 và cản trở không cho thi công tại mặt bằng dự án.  

 
Hàng trăm thiết bị máy móc phục vụ thi công công trình đường cao tốc Hà Nội Lào Cai nằm đắp chiếu vì bị dân ngăn cản thi công.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản trả lời những hộ dân kiến nghị là không có căn cứ pháp luật để giải quyết việc hỗ trợ thêm giá đền bù. Tuy nhiên, những hộ dân này vẫn cản trở không cho thi công. 
 
Đầu tháng 8/2012, tỉnh, thị xã tiếp tục lên phương án bảo vệ thi công nhưng thời điểm này vẫn có khoảng 60 – 80 người dân dựng lều bạt, cản trở, không cho các phương tiện tham gia thi công.
 
Theo ông Lãng, lý do người dân ngăn cản là bởi họ thắc mắc, địa bàn xã Nam Viêm giáp ranh với xã Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội nhưng khi triển khai Dự án cao tốc Hà Nội – Lào Cai các địa phương cùng làm quy trình GPMB cùng lúc nhưng mức đền bù của Hà Nội được bồi thường mức 236 triệu đồng/sào, trong khi họ (các hộ dân ở Phúc Yên) chỉ nhận được 43, 5 triệu đồng/sào.
 
Về vấn đề này, ông Lãng lý giải, ở Sóc Sơn khi người dân không nhận tiền GPMB thì Hà Nội liên tục điều chỉnh giá nâng cao mức đền bù lên và ở thời điểm năm 2008, Phúc Yên đền bù theo Nghị định 84của Chính phủ, còn thời điểm năm 2011, Hà nội đền bù cho người dân theo Nghị định 69 của Chính phủ nên mức đền bù của Hà Nội tăng vọt cao gấp nhiều lần so với Phúc Yên.
 
Ông Khổng Sơn Trường, Bí thư Thị ủy Phúc Yên cho biết: Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là cố gắng kiên trì tuyên truyền thuyết phục vận động nhân dân, công khai để dân biết chủ trương của tỉnh. 
 
Nếu người dân cố tình ngăn cản, không chấp hành thì mới phải sử dụng biện pháp cướng chế giải tỏa đám đông.  

Ông Khổng Sơn Trường, Bí thư Thị ủy Phúc Yên: Đất trên cùng một tuyến đường, đi qua nhiều địa phương nhưng khung giá đất của mỗi địa phương khác nhau, Vĩnh Phúc không thể như Hà Nội, Phú Thọ không giống như Vĩnh Phúc.
 
 Ngoài ra, hỗ trợ của địa phương cũng khác nhau, tùy điều kiện của từng địa phương đó. Ví dụ thời điểm làm bồi thường dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai người dân ở Nam Viêm nếu so với Phú thọ thì gấp khoảng 2,5 lần, so với Yên Bái gấp gần 5 lần chứ không phải bằng nhau. Ngoài ra còn khác nhau về thời điểm bồi thường, ở Phúc Yên thời điểm bồi thường năm 2008 áp dụng theo Nghị định 84 của Chính phủ, còn năm 2011 Hà Nội áp dụng Nghị định 69 của Chính phủ

Nguyên nhân có cả đơn vị thi công?
 
 Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Ban quản lý dự án Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai cho biết, gói thầu số 1 theo kế hoạch đến tháng 10/2012 hoàn thành nhưng với tình hình này chắc chắn bị chậm tiến độ.
 
 Nhiều PV đã đặt câu hỏi về việc UBND TX Phúc Yên đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư từ tháng 4/2009, các nhà thầu thi công với tiến độ như thế nào khiến 2 năm sau người dân lại cản trở thi công?
 
 Ông Khổng Xuân Trường thẳng thắn cho biết: Nguyên nhân có cả từ phía đơn vị thi công, có thời điểm đơn vị thi công không tích cực, có lúc cả tuyến mặt bằng bỏ không nên người dân mới ra lấn chiếm lại.
 
 Giải thích cho việc gián đoạn thi công, ông Tuấn Anh cho rằng có nhiều nguyên nhân trong đó có lý do thời tiết và nhà thầu không huy động đủ thiết bị.
 
 Tuy nhiên, tại dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai vào đầu tháng 6, Bộ GTVT từng chỉ ra rằng nhà thầu POSCO (nhà thầu đang thi công gói thầu A1) bị chậm tiến độ so với hợp đồng gần 20%, thường xuyên thiếu vật liệu, nhân lực. Gói thầu A1 đã từng phải thay giám đốc dự án.

Vũ Điệp