– Theo thông tin từ bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh viện Mắt Hà Nội, trong những ngày qua, dịch đau mắt đỏ đã xuất hiện tại Hà Nội và có khả năng lan rộng nếu người dân không biết cách xử trí.
Tại bệnh viện Mắt Hà Nội, chị Ngân (trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho biết phải đi viện khám vì 3 ngày nay, mắt chị tèm nhèm nhìn không rõ, lại bị chảy nước liên tục. Ngoài ra còn các triệu chứng khác như ngứa, có nhiều gỉ mắt, …
Chị Ngân sau khi phát hiện bị đau mắt đã tự mua thuốc nhỏ mắt ngoài hiệu thuốc về để nhỏ nhưng không đỡ mà tình trạng ngày càng nặng, với các biểu hiện như ngứa nhiều hơn, nước và gỉ mắt xuất hiện ngày càng nhiều.
“Khi đến khám, tôi mới biết mình bị đau mắt đỏ và cũng đang có rất nhiều người mắc bệnh như mình”, chị Ngân cho hay.
Bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa. Người dân cần cẩn trọng và áp dụng các biện pháp phòng tránh |
Theo thông tin từ viện Mắt Hà Nội, khoảng 3 ngày nay, số lượng người đến khám vì bệnh đau mắt đỏ có tăng nhẹ (mỗi ngày trung bình từ 10-15 người). Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại bệnh viện Mắt Trung ương, khi mà mỗi ngày con số bệnh nhân đến khám là vài chục người – tăng cao so với thời điểm cách đây một tuần.
Theo các bác sỹ, bệnh đau mắt đỏ do virut gây nên và đây đang là thời điểm bắt đầu mùa dịch. Tuy nhiên, điều khó khăn trong phòng tránh là nhiều người dân không phân biệt được bệnh đau mắt đỏ với các bệnh đau mắt thông thường khác, hoặc do vệ sinh kém, sử dụng thuốc không đúng (về thời điểm, cách dùng) nên khiến tình trạng bệnh thêm nặng.
Bệnh đau mắt đỏ do virut gây nên nên rất dễ lây lan (qua tiếp xúc trực tiếp ở khoảng cách gần). Do đó, để phòng chống bệnh đau mắt đỏ, người dân không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, không dùng chung cốc, chén, không dùng tay dụi mắt, không dùng thuốc khi chưa rõ bệnh (có thể làm giảm thị lực), không đến những nơi tập trung đông người để tránh mắc bệnh hoặc mang bệnh cho người khác; cần đeo kính khi ra ngoài.
Tại thời điểm này, khi có bệnh với những biểu hiện như mắt đỏ, chảy nhiều nước, ngứa, nhiều gỉ mắt, … thì cần đến bác sỹ để được khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, ngay khi thấy mắt có biểu hiện bệnh, người bệnh có thể điều trị ban đầu tại nhà bằng dung dịch muối sinh lý hoặc nhỏ kháng sinh Natri clorua. Cần thận trọng khi dùng thuốc Clodexa và Nemydexan vì các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt.
N.A.