- Khi bác xe ôm vừa dừng lại sau một lùm cây, chị chết lặng, toát mồ hôi hột khi nhìn đứa con gái ngoan hiền bấy lâu đi thẳng vào khu cà phê võng có đèn mờ cùng với bạn trai.

Gần đây, dư luận không ít phen bàng hoàng khi phải đón nhận không ít những đoạn video clip quay cảnh “xông trận” của các nữ sinh. “Nữ sinh đánh bạn dã man”, “nữ sinh cấp 2 đánh bạn, lột quần áo”, “nữ sinh đánh ghen kinh hoàng”…từng gây sốc trên khắp các diễn đàn đến ngoài đời thực.

Chưa hết, nhắc đến các “chiêu” của nữ sinh hiện nay, nhiều bậc làm cha làm mẹ chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Cậu ấm, cô chiêu

Vợ chồng chị Mai (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) trước đây làm kinh doanh, có một gian hàng lớn tại khu Trung tâm thương mại quận Thủ Đức.

Hai năm trước, anh chuyển ra thành lập công ty để kinh doanh riêng, gian hàng giao lại cho vợ quản lý. Mải làm kinh tế, hai vợ chồng chỉ sinh một cô con gái “rượu” tên L.P.

Cô bé thông minh, học giỏi, lại ngoan, là con một nên P. được bố mẹ đặc biệt cưng chiều. Mỗi lần nhận thông báo kết quả học tập của con, chị Mai luôn mát mặt. Gia đình hạnh phúc. Chị từng nghĩ, số phận như vậy là quá may mắn với mình.

Mỗi khi nghe chị em than thở về con cái, chị tự nhủ thầm “thà ít con mà con ngoan, học hành tử tế còn hơn”. Chị tính sau này sẽ cho P. đi du học nên đầu tư rất nhiều, từ học thêm ngoại ngữ, sách vở, không gian riêng và phương tiện học tập, người giúp việc…không thiếu thứ gì.

Nhưng mọi chuyện đã khác, cuối năm P. học lớp 10 thì cuộc sống gia đình đảo lộn.

Vì con, nhiều phụ huynh đã “biến” mình thành thám tử


Chị tâm sự: “Hơn một năm trước, nó đang học lớp 10 thì mình phát hiện con bé có bạn trai. Hôm ấy, mình đóng quầy hàng về sớm, thấy con đang ở trong phòng, nghĩ con học bài nên khẽ khàng vào. Đến nơi mình phát sốt khi thấy con bé nói chuyện điện thoại hẹn hò với giọng yêu đương ngọt lịm. Tức giận, mình giật phăng điện thoại tra hỏi nó không nhận, nói là bạn chọc phá nhau nói đùa thôi, còn gắt mẹ vì đã nghe lén nó”.

Từ đó, chị cũng không bao giờ nghe thấy con bé nói chuyện kiểu đó nữa.

Thế nhưng chưa đầy hai tháng sau thì chị Mai nhận được điện thoại của cô giáo. Mọi thứ với chị thật choáng váng, cô giáo nhắc nhở gia đình phải quan tâm đến P. hơn, cô bé thiếu sự tập trung, thỉnh thoảng cúp tiết học không rõ lý do, kết quả học tập đi xuống rõ rệt. Chị cứ ngỡ con bé vốn ngoan, cần bất cứ thứ gì chị đều đáp ứng, thế là quá đủ nào ngờ...

Phụ huynh biến thành “thám tử”

Sợ “đứt dây động rừng”, chị Mai quyết định trở thành “thám tử” đặc biệt của con. Nghĩ là làm, chị điện thoại ngay nhờ một người quen trông giúp quầy hàng.

Phần vì thương và còn tin tưởng con, phần vì không muốn ông xã buồn nên chị dặn người trông cửa hàng im lặng, chị vẫn ra khỏi nhà vào mỗi buổi sáng đến tối mới về.

Suốt cả tuần đầu tiên chị lén lút thuê riêng một bác xe ôm chở theo chân con bé tới trường rồi tới chỗ học thêm…, tới nơi con vào học thì chị lại ngồi vạ vật ở quán nước để chờ. Một tuần trôi qua chẳng thấy có gì bất thường. Chị Mai lại sinh lo “hay con gặp điều gì khổ tâm khó nói?”.

Tối tối lấy lý do hơi mệt, muốn về sớm nghỉ ngơi và gần gũi con, chị về sớm hơn trước. Khi hỏi chuyện P., cô bé vẫn kể rành rọt lịch trình từ nhà đến trường, tới chỗ học thêm y như chị theo dõi, không sai chút nào. Vậy sao cô giáo lại bảo con mình thỉnh thoảng cúp học? Hay cô có sự nhầm lẫn nào chăng

Bao nhiêu câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu. Rồi mọi chuyện cũng dần sáng tỏ.

Đó là buổi chiều thứ 6, chị thấy con ra khỏi chỗ học thêm sớm hơn mọi ngày. Thế nhưng lần này trên chiếc xe đạp điện của con còn có một cậu choai choai tóc nhuộm đỏ lừ dựng đứng như mấy ngôi sao Hàn trong mấy bộ phim.

Hắn chở con chị đi thẳng đến khu toàn những quán cà phê vườn có võng cạnh sông Sài Gòn thuộc khu Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Chị nóng mắt bảo bác xe ôm tấp vào lề đường định lao xuống thì được can ngăn nên khựng lại. Làm lớn chuyện thì con xấu hổ lại càng gay.

Khi bác xe ôm vừa dừng lại sau một lùm cây, chị chết lặng, toát mồ hôi hột khi nhìn đứa con gái ngoan hiền bấy lâu xuống xe, khoác tay bạn trai đi thẳng vào quán cà phê võng lờ mờ ánh sáng.

Thế vẫn chưa đủ, khi chị tìm vào, hai đứa đang ôm chặt nhau trên một chiếc võng. Chị bật khóc gọi tên con. Con bé hoảng hốt giật mình nên bật dậy, ngồi im thin thít một hồi mới lắp bắp “con xin lỗi mẹ!”.

Thì ra, cậu bé kia là con nhà giàu thi rớt tốt nghiệp cấp 3 năm ngoái, vào học chung lớp học thêm với con chị. Hai đứa thỏa thuận tuần nào tối thứ 6 và sáng thứ 3 cũng gặp nhau.

Tuần trước do P. nhìn thấy chị đột ngột xuất hiện trước trung tâm học thêm của nó nên mới vội vã về nhà. Chị liên tưởng đến những chuyện nữ sinh đi khách sạn, nữ sinh mang bầu báo chí phản ánh lâu nay lại rùng mình hoảng sợ. Không biết con mình thế nào?

Chị cố bình tĩnh giải quyết, mọi chuyện rồi cũng qua. Buổi họp phụ huynh cho con cuối năm học có lẽ chị sẽ không bao giờ quên được. Khi nghe cô giáo nhận xét về tình hình học tập đi xuống của cô con gái cưng ở mức “báo động” trước mọi người, gương mặt chị xám xịt, không bất ngờ nhưng cảm thấy buồn và xấu hổ vô cùng, muốn kiếm một cái lỗ nẻ để chui xuống đất. Không biết những “cậu ấm, cô chiêu” có hiểu lòng cha mẹ?

M.Phượng