- Dù đang ngủ nhưng một số người có thể làm được những việc như trèo cây hái mít, lội sông, chơi đồ chơi, thậm chí...ái ân với vợ. Tuy nhiên, khi tỉnh dậy các trường hợp trên đều không nhớ gì về những chuyện đã làm.

TIN BÀI KHÁC


Giật mình tưởng con bị ma nhập


Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần cơ sở Chợ Quán TP.HCM từng tiếp nhận điều trị cho bé Nguyễn Văn D., 11 tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM.

Trong một tháng, mẹ bé D. thấy con giữa đêm vùng dậy tới 3 lần, đi lại trong nhà, mắt trợn trừng. Chị vô cùng hoảng sợ, tưởng con bị ma nhập. Sau khi hỏi thăm bạn bè, chị được khuyên nên đưa D. tới khám chuyên khoa tâm thần.

Người bị mộng du trong lúc vô thức dễ gây tổn hại cho bản thân. (Ảnh minh họa)

Bé D. không phải trường hợp duy nhất hành động kỳ lạ như vậy khi đang ngủ. Ông Nguyễn Đức Kim, ngụ tại đường Trần Não, quận 2 kể rằng, con mình cũng có biểu hiện kỳ lạ như trên. Ông Kim thuê quán bán cà phê ven bờ sông. Đêm ông và con trai (17 tuổi) tên H. ngủ lại trông quán.

Đang ngủ, bỗng dưng ông Kim thấy H. lồm cồm bò dậy, lững thững mở cửa đi ra ngoài. Thấy con có biểu hiện khác thường ông đi theo ra tận bờ sông. Ai ngờ H. lừ đừ lội xuống nước làm ông hoảng hồn lôi lại.

Tôi hỏi H. mày đi đâu vậy nhưng nó chẳng nói chẳng rằng, bỏ vào nhà ngủ tiếp. Sáng ra hỏi, H. cho biết mình đưa khách uống cà phê ra bờ sông ngồi”, ông Kim kể.

Trường hợp của bé Nguyễn Văn K., 9 tuổi, ngụ tại Long An mới...ly kỳ. Chị Trang, mẹ bé K. cho biết nhà có mít chín cây nên dặn con trèo hái kẻo mít hư. Nửa đêm, khi cả nhà đã ngủ say, K. bò dậy, mở cửa đi ra vườn. Chị Trang để yên xem con làm gì thì thấy cậu bé trèo lên cây hái mít.

Tôi cất tiếng hỏi sao đêm đang ngủ lại đi hái mít, nhưng cháu làm thinh. Lúc tụt từ cây xuống tôi giật mình thấy mắt cháu mở to, nhìn ngược lên, thế rồi cháu cứ thế lững thững đi vào giường ngủ tiếp”, chị Trang nói.

Ái ân với vợ trong lúc...mộng du


Theo bác sĩ Phạm Văn Trụ, những trường hợp có biểu hiện như trên bị mắc bệnh mộng du (rối loạn giấc ngủ có hành vi nguy hại, đi trong khi ngủ). Bệnh này có tính chất di truyền, tỷ lệ mắc ở trẻ em cao hơn người lớn, đối tượng hay mắc bệnh là bé trai.

Hiện nay, cơ chế gây bệnh mộng du vẫn là một dấu hỏi đang được khoa học nghiên cứu. Tuy nhiên, người ta phát hiện những người bị mộng du có điện não đồ tăng, tỉnh táo ngắn hạn do sóng ngủ chậm, đồng thời tăng nhịp thở, nhịp tim.

Những biển hiện của bệnh mộng du rất đa dạng. Một số người mộng du có thể làm những điều khi thức họ không làm nổi như trèo cây, đi trên mái nhà mà không té ngã.

Thậm chí, bác sĩ Trụ từng biết trường hợp một người đàn ông ở nước ngoài làm chuyện ấy với vợ trong lúc... mộng du. Khi tỉnh dậy anh này không hề nhớ gì về chuyện từng ái ân với bà xã.

Người bị mộng du có khả năng gây nguy hại cho tính mạng bản thân nên gia đình cần hết sức chú ý. Chẳng hạn, bệnh nhân đang mộng du đi trên mái nhà hay leo trèo, nếu bị gọi có thể giật mình té ngã. Đối với trẻ em bị mộng du cha mẹ nên đóng cửa phòng, cửa sổ khi con ngủ. Những trường hợp có biểu hiện bị mộng du cần đi khám và điều trị chuyên khoa tâm thần.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho bệnh mộng du nhưng bác sĩ có thể dùng một số thuốc chuyên khoa trong đó có nhóm thuốc Benzodiazepines giúp bệnh nhân có giấc ngủ chất lượng hơn, để khi thức dậy sức khỏe được phục hồi.

Thanh Huyền