- Cước vận tải đã đồng loạt điều chỉnh tăng, doanh nghiệp nới ngưỡng dự phòng đến 10%, một điều chỉnh chưa từng có từ sau thời kỳ thiết lập quỹ bình ổn giá. Trong cơn bão bùng thực sự này, nhiều “ông to, bà lớn” của làng vận tải đường bộ cả nước phải “tự trào” rằng: “chúng tôi quá giỏi, nếu không đã tiêu rồi”.


Hai hãng taxi Vinasun và Mai Linh vừa thông báo sẽ tăng cước từ 500- 1000 đồng/km tuỳ theo từng loại xe. Cùng lúc đó, dấu hiệu tăng cước cũng xuất hiện trên thị trường vận tải hàng hoá liên tỉnh. Với việc thả nổi giá xăng dầu hiện nay, ai dám chắc đây sẽ là lần biến động giá cuối cùng.

Nguy cơ đội giá..

Theo thống kê, từ ngày 7/3/2012 đến 13/8/2012 đã có đến 10 lần biến động tăng giảm giá xăng dầu, tần suất khoản 14 ngày/lần. Lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất đã thực sự khiến các doanh nghiệp vận tải phải “vò đầu bứt tóc” cân nhắc sẽ tăng cước hay không.

Đại diện công ty TNHH Việt Tân Phát, nhà xe vận chuyển hành khách từ TP.HCM đi các tỉnh Tây Nguyên tại Bến xe Miền Đông cho biết: “Lần tăng giá xăng dầu này là hết sức nặng nề. Chúng tôi đang cân nhắc xem có điều chỉnh giá vé hay không. Dịp lễ 02/09 sắp tới, giá vé xe khách sẽ tăng như thông lệ, nhưng đây là khoản tăng để bù vào chi phí chiều xe chạy rỗng. Nếu tăng giá vé để bù đắp tiền xăng dầu tăng nữa thì không biết người dân sẽ ra sao”.
 

Vận tải hành khách liên tỉnh hiện chưa có động thái tăng giá vé sau khi xăng dầu điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp kể từ 20/07.  (Trong ảnh: Người dân mua vé tại bến xe Miền Đông).

 

Trả lời câu hỏi “Nếu không giữ giá vé hiện tại, doanh nghiệp hoạt động có lời không?”, vị này nói: “Thời buổi này, bằng cách nào thì cách, nhưng chỉ cần thấy doanh nghiệp tồn tại được là quá giỏi, chứ nếu không đã ‘ngỏm’ từ lâu rồi”.

Tương tự, tại buổi làm việc với thanh tra Bộ GTVT vừa qua, đại diện các nhà xe của các công ty như Kumho Samco Buslines, Quốc Việt, Thành Bưởi, Thuận Thảo… đều đánh giá là giá xăng dầu hiện nay không khác nào đưa doanh nghiệp vào lựa chọn tăng giá hay phá sản, rất khó hài hoà với lợi ích hành khách trong bối cảnh cạnh tranh.

Đáng lưu ý là, sau lần xăng dầu tăng lần thứ 3 liên tiếp kể từ 20/07, các đơn vị kinh doanh taxi trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh thành khác đã có chủ trương xây dựng lại cơ cấu giá thành vận tải. Theo dự định, các hãng này chỉ xem xét điều chỉnh cước khi giá nhiên liệu biến động (tăng hoặc giảm) vượt ngưỡng từ 8% đến  10%.

Việc này nếu xảy ra cũng đồng nghĩa là, giá cước taxi có nguy cơ “cao” hơn so với giá thật mà hành khách phải trả. Cách làm này theo mô hình mà một số hãng vận tải tại Singapore đã triển khai. Theo đó, giá cước vận tải sẽ bao gồm giá cước cố định và phụ thu tiền xăng.

Nói cách khác, đây cũng là cách “phòng thủ” để doanh nghiệp không thiệt hại nếu phải mất các khoản sau biến động giá.

Vận tải “mỏi gối, chồn chân”

Trả lời VietNamNet, ông Lương Trọng Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết: “Điều chỉnh cước là điều cần thiết đối với mỗi đơn vị vận tải trong bối cảnh kinh tế khó khăn và sức ép cạnh tranh ngày càng cao. Nhưng bên cạnh đó, còn phải nói lại rằng, vận tải không thể mãi chạy theo giá xăng dầu như thế.

Dẫn trường hợp taxi Vinasun, ông Hỷ nói: “Hiện Vinasun có 4.500 xe, chi phí lập trình niêm yết giá mỗi xe là 260.000 đồng. Rõ ràng mỗi khi thay đổi giá cước, chi phí này là cả một gánh nặng. Hiện nay, hầu hết các đơn vị vận tải hành khách tại TP.HCM đã thực hiện việc khoán xăng cho tài xế. Mức hưởng chiết khấu của một tài xế taxi có thể lên đến 65% nếu một ngày thu về 2 triệu đồng trở nên. Điều này đồng nghĩa là, khi giá xăng tăng, công ty phải hỗ trợ bù lỗ nhưng khi giá xăng giảm, tài xế là người hưởng lợi”.

Phía đại diện Mai Linh thì đánh giá rằng đây là “Giai đoạn khó khăn do phải liên tục điều chỉnh giá cước theo giá xăng”.

Theo đó, từ ngày 20-7 tới nay giá xăng đã được điều chỉnh tăng ba lần với mức tăng tổng cộng 2.400 đồng/lít (tương đương tăng 11,6%) nên các hãng buộc phải điều chỉnh cước để bù đắp chi phí.

Trong tháng 7 vừa qua, liên tục Mai Linh điều chỉnh giảm giá cước 02 lần theo giá xăng giảm. Mỗi lần như vậy, công ty phải tiêu hao ít nhất là 3 tỷ đồng/lần.

Tổng cộng hơn 6 tỷ cho 2 lần kiểm định đồng hồ taxi. Và lần này cũng không ngoại lệ chỉ trong vòng chưa đầy 15 ngày sau lần điều chỉnh gần đây nhất. Với chủ trương để thị trường tự điều chỉnh giá xăng như hiện nay, các DN như Mai Linh liên tục phải chạy theo việc thay đổi giá cước theo giá xăng gây rất nhiều bất lợi cho doanh nghiệp.

Theo ghi nhận của VietNamNet, hiện cước trên thị trường vận tải hàng hoá liên tỉnh cũng đã có điều chỉnh tăng từ 6-8%, tương đương 30.000- 50.000 ngàn đồng đối với 1 tấn hàng hoá.

Một vấn đề trong quản lý vận tải cũng được nhiều doanh nghiệp thắc mắc, đó là, những lần trước, khi xăng dầu giảm giá, còn thấy cơ quan nhà nước ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giảm cước, lần này xăng dầu tăng 3 lần liên tiếp rồi mà không có văn bản “hối” tăng cước. Một số doanh nghiệp nói đùa “chúng tôi chỉ được xuống, cấm lên”.

Quốc Quang