- Trao đổi cùng VietNamNet, PGS.TS Trần Trọng Hanh chia sẻ quan điểm cá nhân: “Mặt bằng cho giao thông tĩnh của Hà Nội còn thiếu, nhưng không gian xanh cần hơn!”.


“Không nên xâm phạm đến không gian cộng đồng!”
 
Theo PGS. KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội, dự án xây dựng dàn thép đỗ xe trong công viên Thống Nhất là bất hợp lý, xâm hại đến không gian xanh của Thủ đô, và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, mặt bằng của khu không gian chung dành cho cộng đồng. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Hanh

PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội.
 
- Thưa PGS Trần Trọng Hanh, dự án xây dựng bãi đỗ xe trong khuôn viên công viên Thống Nhất, quan điểm của ông dưới vai trò là một chuyên gia đã từng tham gia xây dựng Quy hoạch chung Hà Nội từ năm 1998?
 
Tôi thấy dự án này, Hà Nội nên cân nhắc. Công viên Thống Nhất là một công viên lớn, vai trò của nó là không gian dành cho cộng đồng, là “lá phổi xanh”, không gian xanh của Thủ đô. Không thể vội vàng trong việc hy sinh cây xanh để phục vụ lợi ích kinh tế.
 
- Dự án này được đưa ra trong bối cảnh Hà Nội thiếu trầm trọng không gian dành cho giao thông tĩnh. Như phương án của chủ đầu tư đưa ra, bãi đỗ xe cao tầng này sẽ góp phần đáng kể trong việc giải quyết tình hình thực tại?
 
Hệ thống giao thông tĩnh của Hà Nội còn thiếu, nhất là các quận nội thành. Tuy nhiên, việc chọn vị trí, địa điểm để xây dựng các điểm khai thác điểm đỗ trong nội đô lại là một câu chuyện khác. Không thể cứ thiếu điểm đỗ xe là có thể cắt xén đất công viên bừa bãi được.
 
Tỷ lệ không gian xanh ở Hà Nội còn thiếu rất nhiều. Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ này được xây dựng trên cơ sở chia theo tổng số dân, nếu theo tiêu chí này thì ta quá thiếu.

Hơn nữa, không gian xanh, không gian công cộng mục đích chính là để trồng cây xanh chứ không có mục đích nào khác. Trong những không gian như thế, quỹ đất dành cho cây xanh chiếm đến 90%. Các cơ sở hạ tầng, kỹ thuật chỉ chiếm 4 – 5% mà thôi.
 
Giao thông tĩnh còn thiếu, nhưng không gian xanh quan trọng hơn
 
- Hiện trạng chung của các công viên, không gian công cộng của Hà Nội, đó là chưa sử dụng tối đa vai trò của nó. Tâm lý chung của người dân vẫn còn nhiều e ngại, không dám sử dụng không gian chung ấy vì những nơi đó có nhiều tệ nạn xã hội tập trung?

Bãi đỗ xe máy trong công viên Thống Nhất (phía cổng vào trên đường Nguyễn Đình Chiểu)

 
Đúng là như thế. Trong những năm gần đây, hiện trạng trên đã được giải quyết đáng kể, tệ nạn xã hội cũng không còn ngang nhiên, công khai… tại các khu vực công cộng đó. Người dân cũng đã sử dụng những không gian này để tăng chất lượng sống của chính mình.    

Vai trò của công viên, đó là những lá phổi, vì thế, hiệu quả của nó không tính bằng hiệu quả kinh tế, mà là hiệu quả xã hội lâu dài. Ở thành phố Saint Petecbua (Nga), người dân dù mùa đông tuyết rơi rất dày, rất lạnh nhưng không ai bẻ một cành củi khô trong công viên về để đun lửa sưởi.

Ý thức công dân của họ rất cao, họ giữ gìn không gian cộng đồng, vì nó có tính hiệu quả bền vững, lâu dài.
 
- Như thế, hiệu quả trước mắt nếu chấp thuận dự án xây dựng bãi đỗ xe và vai trò là “lá phổi xanh” của công viên Thống Nhất là không thể so sánh?
 
Không ai lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo đối với hiệu quả xã hội, vai trò điều tiết không gian sống, làm giàu chất lượng sống… cộng đồng của những công viên, không gian xanh cả.

Hơn nữa, những không gian công cộng, đó là tài sản chung của dân cư, của xã hội. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, dù là một phần, cũng cần phải lấy ý kiến của người dân.
 
Tôi thấy, quy trình lập dự án bãi đỗ xe trong công viên Thống Nhất, rõ ràng là chưa công khai, đúng chuẩn mực. Dù là ý nghĩa giảm tải cho nhu cầu bãi đỗ xe công cộng đang thiếu, nhưng cũng cần phải lấy ý kiến người dân. Cơ quan quản lý không thể áp đặt ý kiến chủ quan của mình được.
 
Bản thân tôi, khi còn thanh niên, tôi cùng với rất nhiều người trong các đoàn, hội… trong những ngày cuối tuần trực tiếp tham gia công sức để đào hồ Bảy Mẫu, bây giờ là công viên Thống Nhất. Đó là thành quả lao động của hàng triệu ngày công lao động, của hàng vạn người. Không phải trong chốc lát là có thể có một công viên đẹp đẽ như thế được.
 
- Việc xây dựng những hạ tầng cơ sở đó, rõ ràng cần phải nghiên cứu để chọn những vị trí, địa điểm thích hợp, thưa ông?
 
Trong những năm qua, Hà Nội đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều cầu vượt. Diện tích gầm cầu vượt là đáng kể và đã được Cty Khai thác điểm đỗ sử dụng làm các bãi đỗ xe. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã có phương án xây dựng các điểm đỗ xe cao tầng tại các khu vực đất trống, gần khu vực đông dân cư.
 
Ngoài ra, nhiều dự án “cống hóa” các con kênh, ngòi ở nhiều quận trong nội đô, cũng đã có những đề án phục vụ làm các bãi đỗ xe. Trong khi chưa khai thác hết hiệu quả của những phần diện tích này, việc xây dựng các điểm đỗ xe trong các khu vực công viên, cây xanh cần cân nhắc, nghiên cữu kỹ lưỡng.
 
Quan điểm của cá nhân tôi, giao thông tĩnh cũng quan trọng, nhưng không gian xanh còn quan trọng hơn. Tỷ lệ xây dựng của Hà Nội trong các không gian này là quá nhiều, điều đó đã là sự không hợp lý rồi!
 
- Xin cảm ơn ông!

Kiên Trung (thực hiện)