– 33 hộ dân sống tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đồng loạt khởi kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về những ảnh hưởng của đường dân 220KV Tuyên Quang – Thái Nguyên.
Đảo lộn cuộc sống?
Dự án đường dây tải điện 220KV Tuyên Quang – Thái Nguyên do Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) được thực hiện theo QĐ số 1195/QĐ-TTg ngày 09/11/2005 của Thủ Tướng Chính phủ. Dự án thi công cuối quý II/2006, đóng điện vào ngày 27/4/2007(mạch số 01).
Chiều dài tuyến đường dây qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên (qua địa phận huyện Đại Từ và thành phố Thái Nguyên) dài 40km.
Ngày 14/12/2007 EVN đóng điện vận hành đường dây 220KV Tuyên Quang- Sóc Sơn (mạch số 02).
Một cháu bé bị tổn hại sức khỏe được cho rằng do ảnh hưởng vì sinh sống trong phạm vi ảnh hưởng của đường dây 220KV Tuyên Quang – Thái Nguyên (ảnh VPLS cung cấp). |
Nhiều trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân khiến người dân hoang mang: ông Nguyễn Duy Hùng (chồng bà Đào Thị Bình, xóm Đồng Trăng, xã Yên Lãng) mới hơn 60 tuổi kêu đau đầu, chóng mặt rồi chết đột ngột năm 2008 mà không tìm ra bệnh; cháu Dương Công Sơn 10 tuổi, ngày 06/06/2011 đang ngồi trong nhà, sét đánh trúng đường điện 220KV, phóng điện vào người, toàn bộ cơ thể cháu đã bị phóng điện do bỏng nặng, đến nay vẫn để lại di chứng, sức khỏe và trí tuệ đều kém; mẹ con chị Tuyến (sinh năm 1981), con gái của ông Nghiêm Công Lý, sau một thời gian sống dưới đường dây 220KV đã nổi khối u và phải đi bệnh viện mổ để lấy khối u (năm 2010); hai cháu nhỏ của gia đình ông Bùi Quang Thuyết xã Hùng Sơn mắc chứng bệnh còi xương đã chuyển đến nơi ở khác…
Cây chè - cây chủ lực của các hộ dân, đã phải bỏ vì trồng không hiệu quả. Những công cụ lao động bằng kim loại bị nhiễm điện nên người dân không có tư liệu sản xuất, người dân phải bỏ đi làm thuê mướn nơi khác. Tivi, điện thoại, vật dụng sinh hoạt sử dụng điện của người dân bị nhiễm từ, bị cháy không dùng được, thiết bị điện gia dụng thường bị chập, cháy nổ.
Gia đình ông Nghiêm Xuân Lý trú tại xóm Vũ Thịnh 2 - xã Phú Thịnh có 10 khẩu sinh sống trên thửa đất hơn 2.500m2 đã được UBND huyện Đại Từ cấp Giấy CNQSDĐ. Khi dự án triển khai, hành lang đường dây tải điện 220KV chiếm khoảng 80% diện tích đất của gia đình ông Lý, trạm cột điện số 124 cách nhà ở 8m, dây tiếp địa của cột này cắm dày đặc trong diện tích đất. Năm 2009, do ảnh hưởng của đường điện 220KV, nên hộ ông Lý đã dịch chuyển ra ngoài hành lang đường dây nhưng vẫn trong diện tích đất trên, cách chân cột 124 là 10m.
Năm 2009 UBND huyện Đại Từ đã xác định tiền hỗ trợ lần 3 cho hộ ông Lý là hơn 103 triệu đồng. Tổng số tiền hộ ông Lý được nhận hỗ trợ cho đến thời điểm tháng 8/2012 là hơn 224 triệu đồng.
Đặc biệt vào tháng 7/2010, chị Nghiêm Thị Tuyến (con) phải đi bệnh viện huyện Đại Từ để mổ lấy khối u ở phần đùi, cháu Nghiêm Hoàng Anh (cháu nội) cũng phải vào bệnh viện huyện Đại Từ để mổ lấy khối u trong bộ phận sinh dục cũng trong khoảng thời gian 08/2010.
Do lợn nuôi không lớn, chè không phát triển, phần lớn diện tích đất bị EVN chiếm dụng nên hộ ông Lý không còn canh tác trên đất của mình; toàn bộ công trình nhà, công trình phụ không sử dụng được, bỏ hoang… Ông Lý và vợ phải dọn ra ở tạm tại quán bán hàng diện tích khoảng 16m2, cuộc sống tạm bợ, rất khổ cực.
Đồng loạt khởi kiện EVN
Những hộ dân này cũng ủy quyền cho Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải (Đống Đa, Hà Nội) bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo đó, cuộc tiếp xúc giữa các hộ dân với EVN được dự định vào đầu tháng 8/2012, tuy nhiên sau đó đã bị dời lại thời điểm. Ngày 17/8, theo như kế hoạch, VPLS đại diện đòi quyền lợi cho các hộ dân sẽ có buổi làm việc với EVN.
“33 hộ dân khiếu nại EVN vì cho rằng công trình đường dây tải điện 220KVđã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, cuộc sống, lao động, kinh doanh của họ. Tất cả đều yêu cầu EVN bồi thường thiệt hại, muốn được di dời và tái định cư ở nơi khác, có vị trí tương đương, không chấp nhận cách giải quyết hiện nay của EVN và chính quyền địa phương.
EVN đã không thực hiện đúng điều 12 khoản 2 Luật Điện lực, theo đó EVN khi lập dự án đầu tư phải xác định rõ diện tích đất cần sử dụng và phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Đây là sai phạm cơ bản của EVN, dẫn đến những phức tạp sau này.
Việc ảnh hưởng nghiêm trọng từ công trình tải điện 220KV Thái Nguyên - Tuyên Quang đến 33 hộ dân này là có thật. EVN, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Nguyên phải có trách nhiệm giải quyết dứt điểm” – Luật sư Trần Vũ Hải thông tin.
- Kiên Trung