- Lũ về, những cánh đồng đầu nguồn trắng xóa như biển nước. Đường từ thị xã Cao Lãnh lên Hồng Ngự, Tân Hồng mấp mé nước vỗ óc ách 2 bên. Người dân chạy lũ dựng lều bạt kín 2 bên đường làm chỗ trú tạm chờ khi nước rút. Nhiều quán bia ôm cũng dập dềnh trong mùa lũ để kiếm sống…
Mấy quán bia ôm không tên ở ngã ba An Long thuộc huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp không còn rộn ràng ì xèo như dạo trước nữa vì nước dâng lên cao, ai cũng bận rộn chạy lũ.
Các em út cũng ngáp ngắn ngáp dài vì ế khách. Mấy thùng bia chủ quán để trong góc nằm buồn thiu lặng lẽ. Gái bia ôm có nhiều em ghiền bia nhưng chẳng dám uống vì tiền đâu mà trả. Với lại các em quen uống “ăn theo” khách để được trả tiền chứ có bao giờ phải móc tiền túi trả đâu?
Xe chúng tôi vừa dừng lại, mấy em mừng rỡ, rối rít chạy ra đón, mồm miệng em nào cũng dẻo quẹo : “Trời ơi, mấy ông xã của em đi đâu mất tiêu giờ mới thấy mặt zậy?”. Dù từ thưở cha sinh mẹ đẻ tới giờ mới biết mặt nhau, nhưng em nào cũng làm như thân thiết tự kiếp trước vậy.
Đêm “ăn chơi” trên đồng nước nổi
“Căn phòng” vách lá, sàn nhà bằng tre nằm trên cọc đóng xuống bờ kênh, mùa nước này nước lên óc ách dưới chân, di chuyển một bước, sàn tre kêu cọt kẹt.
Phía sau mấy bụi điên điển xào xạc mỗi khi những cơn gió đuổi nhau chạy qua. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là trong góc nhà có mấy chiếc lu (giống như cái chum ở miền Bắc) đựng đầy cá. Lu thì đựng cá lóc, lu thì đựng cá linh, lu thì cá rô…
Lu đựng cá lóc nước văng tung tóe, cá quẫy đạp nước ồm ộp. Gần đấy là mấy bao lúa cột hờ bằng dây chuối…
Cuộc sống người miền Tây trong mùa nước nổi - Ảnh SGTT |
Một em thò tay vào bắt 2 con cá lóc to xuống chái bếp đập đầu nấu cháo. Khoảng chừng 20 phút sau trên sàn tre đã bày biện la liệt dĩa cá, tô cháo, rổ rau, bông súng…
Đoàn chúng tôi 4 người ngồi quanh, 4 cô nhanh nhảu chen vào thành từng cặp, xưng với nhau là “vợ chồng”!. Thế là “tình thương mến thương” bắt đầu. Bia, mồi vào, lời ra. Gió ngoài đồng nước thổi vào, mát lạnh.
Tuy nhiên, bọn muỗi “quấy rầy” vô cùng. Một anh bạn trong đoàn đang ôm ghì “vợ” mò mẫm thì bị muỗi đốt cho một phát ngay má. Chắc là đau lắm nên anh chàng phải rút tay ra vỗ vào mặt cái “bép”, chửi thề: “Đ.M, làm mất hứng!”.
Tiếng cười vang lên. Một em có “kinh nghiệm”, nói: “Cứ hết mình đi “chồng” thì bọn muỗi chịu thua!”. Chúng tôi chẳng hiểu gì cả, hỏi, một “em” đưa ngón tay lên miệng: “Chút nữa biết liền!”. Các “thị vợ” cười nắc nẻ.
Quả thực, lát sau muỗi đã bớt đi nhiều. Lan, tên của một “thị vợ” giải thích: “Thấy chưa các huynh, muỗi khoái người lạ, các huynh mới tới nên chúng tấp vào chích. Giờ uống bia vào người, tụi nó lại quen mùi nên bớt chích nữa! Dô đi”.
Tùng, người đi chung đoàn chúng tôi tuyên bố: “Giờ “đèn nhà ai nấy sáng nhé!” rồi quay qua ôm “vợ” nói: “Vợ chồng” mình tập trung vào “chuyên môn” nhá!”. “Vợ” Tùng cười hi hí, hưởng ứng….
Tùng kê tai nói nhỏ, “vợ” Tùng giật nảy mình lên: “Hổng được anh ơi, có chỗ nào đâu mà “làm”! Tùng nhìn quanh, căn nhà sàn trên mặt nước chứa đoàn chúng tôi và các cô gái này đã chật lắm rồi.
Một chiếc phòng bếp phía dưới chỉ đủ đường đi để nấu nướng. Tùng tặc lưỡi, tiếc rẻ. “Vợ” Tùng an ủi: “Ráng đến sáng mai anh nhá!”. Tùng há hốc mồm: “Kỳ vậy? Sao tối không “làm” mà “làm” vào ban ngày?”. “Vợ” Tùng: “Ban ngày thấy đường mình đi ra mấy trụ điện có gò đất cao, giờ đêm tối thui, ra đó rắn cắn chết…”.
Chúng tôi kêu trời! Một cô kể: “Mấy anh không phải dân ở đây nên tụi em không dám đưa xuống xuồng ra mấy bụi điển điển. Vì mấy hôm trước cũng có ông khách ở thành phố xuống, ghé qua buổi tối. Ăn nhậu xong đi xuống xuồng với em. Ông “làm” quá, xuồng lật, ổng rơi xuống nước, tụi em phải mò một hồi mới vớt lên. May mà ổng không chết. Tụi em hết hồn, hổng dám “đi” dưới xuồng với khách từ thành phố nữa… Mấy anh mà có bề gì, tụi em tiêu…”. Hóa ra là vậy!
Tôi quay qua chọc “vợ”: “Mấy em ở đây chắc kiêm nghề bán cá hay sao mà trữ cá nhiều dữ vậy?”. “Vợ” tôi mỉm cười: “Bí mật, hổng nói đâu!”. Căn vặn thế nào cô ta chỉ cười mà không tiết lộ gì cả…
Bí mật trong đêm đồng nước nổi
Đêm đó, ăn uống no say, chúng tôi lăn ra ngủ lại quán, nằm trên sàn tre trải chiếc chiếu ẩm ướt. Tôi vốn tửu lượng kém, nên vật vã lăn qua lăn lại không ngủ được.
Bỗng có tiếng mái chèo khua nước mỗi lúc một gần. Và một tiếng “kịch” dưới chân cột nhà. Tiếng đàn ông vọng lên: “Lan ơi…”.
Tiếng cô gái càu nhàu: “Mới ngủ được chút lại gọi…” và tiếng bước chân đi ra sàn nước bằng tre sau nhà.
Nhiều cô gái miền Tây chọn nghề bia ôm, mua vui cho khách vì cuộc sống bức bách ở quê nhà - Ảnh minh họa |
Tôi bật dậy, bước nhẹ theo, lắng tai nghe. Tiếng cô gái: “Cha nội ơi, hết chỗ rộng (chứa) cá rồi! Chơi kiểu này chết tui mất!”.
Tiếng người đàn ông: “Thông cảm đi mà cưng. Mùa nước làm gì có tiền!”. Cô gái bước xuống xuồng, mái chèo khua nước, chiếc xuồng lui ra rồi mất hút vào bóng đêm.
Tôi căng mắt nhìn theo, mắt quen dần nên thấy mờ mờ. Ánh sao khuya lấp lánh trên đồng nước. Đom đóm bay lập lòe dọc mấy đám điển điển trên đồng nước…
Lát sau chiếc xuồng quay lại, cập mũi vào sàn nước, cô gái bước lên. Cô lấy chiếc thau đưa xuống, người đàn ông xúc mấy con cá vào thau.
Cô gái làu bàu: “Cá rẻ thúi, bán được mấy đồng…”. Tiếng người đàn ông giả lả: “Chịu khó làm khô để đấy, nước rút bán có giá lắm à nghe!”.
Cô gái thở dài: “Riết rồi nhà này sập vì rộng cá và chứa lúa!”. Chiếc ghe lại quay mũi đi vào đồng nước bàng bạc ánh sao trời.
Chợt thấy tôi đứng phía sau, Lan (tên cô gái) giật mình: “Hú hồn hú vía, giờ này sao không ngủ mà đứng đây!”.
Tôi rít điều thuốc mà chẳng biết trả lời thế nào trong hoàn cảnh này. Cô gái đem thau cá đổ vào lu, quay ra xin tôi điếu thuốc, rít một hơi dài: “Mùa nước nổi tụi này kẹt lắm anh ơi. Khách phương xa thì ít, mà khách gần hổng có tiền. Mấy ổng đến đây trả bằng cá. Có ông chở theo mấy giạ lúa “thanh toán”, có chết tụi em không?”.
Theo lời tâm sự của Lan, các cô gái bia ôm trong quán đều có hoàn cảnh éo le khốn khổ mới sa vào “nghề” này. Lan quê ở Tân Châu, bên kia sông Tiền, thuộc tỉnh An Giang. Bỏ chồng!
“Vì sao?”. Lan ngậm ngùi: “Lấy nhau đẻ đưa con mà chồng em chứng nào tật nấy, ăn nhậu tối ngày. Con em sanh ra, em nằm mà không có cơm ăn. Chồng cứ theo bạn bè, làm đồng nào nướng vào rượu rồi gái. Có hôm em phải đi xin cơm hàng xóm ăn để có sữa cho con bú. Khóc hết nước mắt anh ạ. Em quyết định gởi con về ngoại rồi đi làm.
Ban đầu xin vào phụ quán cho gần nhà để vài ngày về thăm con. Bà chủ thấy em được, xếp ra ngồi bàn tiếp khách… Dần dần thành ra như thế này anh ạ! Em mới về thăm con mấy hôm trước, mua cho nó được hộp sữa, gởi má em ít tiền”.
Tôi đã nghe nhiều lời than thở của các cô gái trong thế giới bia ôm đầy rẫy như nấm, nhưng đây là lần linh cảm của tôi mách bảo cô đã nói thật lòng. Từng lời nghẹn ngào ứa ra từ trái tim héo quắt vì những bất hạnh phũ phàng của một kiếp người.
Chuyện của Lan kể mỗi lúc một thêm cay đắng, nghẹn ngào: “Má của em cũng khổ vì ba em. Em còn nhớ hồi đó nuôi được con heo, ba đi nhậu thiếu tiền về vác bao cám má mới mua chịu về chưa kịp mở, má chạy theo giữ lại, van xin ba. Ba quay lại đạp má ngã lăn quay ra đường, vác đi bán lấy tiền uống rượu. Heo lớn, chưa kịp kêu lái, ba về bắt bỏ vào bao, vác đi.
Má sụp xuống lạy ba, em còn nhớ như in lời má: “Ông ơi, ông không thương tôi thì thôi, xin ông hãy thương lấy mấy đứa con!”, ba đạp má một cái rồi vác heo đi mất.
Lớn lên lấy chồng, chồng em ngày càng giống ba em, em sợ rồi đời em và con em cũng như má em ngày xưa. Đàn ông xứ này nhậu dữ vậy anh ạ, nhà tan cửa nát mặc kệ! May hơn là em mới có 1 đứa con, phải thoát ra kiếp làm vợ như má em khi còn kịp”…
Duy Chiến
(Còn nữa)