- Mặc dù UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường tăng cường quản lý, đồng thời tạm ngừng cấp phép các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Song, nhận được hậu thuẫn của chính quyền địa phương và khoản lợi trước mắt, một số cá nhân đang ngang nhiên băm nát dòng sông Ba…

Hàng loạt bãi cát không phép…

Nạn khai thác cát trái phép dọc dòng sông Ba diễn ra trên địa bàn các huyện Phú Thiện, Ia Pa, thị xã Ayun Pa từ nhiều năm nay. Dù chưa được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng nhiều bãi cát có chủ đua nhau mọc lên dọc theo chiều dài gần 20 km sông

Ba đoạn từ chân cầu Quý Đức, xã Ia Amarơn, huyện Ia Pa đến chân đèo Tô Na, thị xã Ayun Pa. Lòng sông Ba thường xuyên hứng chịu cảnh hàng chục xe xúc cát mang nhãn hiệu Kobelco ngày càng khoét sâu giữa dòng; hàng chục chiếc xe độ hoạt động phá nát những tuyến đường thôn, làng ven sông.

Bãi cát của ông Hùng, bên cầu Bến Mộng, thị xã Ayun Pa

Nằm cách cầu Bến Mộng, phường Sông Bờ chỉ vài trăm mét, bãi cát của anh em Hùng - Bình ngang nhiên hoạt động ngay giữa lòng thị xã Ayun Pa. Mỗi ngày, hàng chục xe tải đủ kích cỡ Huyndai, Kamaz, Hoa Mai, xe độ chế…thay phiên nhau đi vào lòng sông Ba chở cát.

Với giá cát được xúc lên xe từ 120 nghìn đồng/xe (xe Hoa Mai…) đến 300 nghìn đồng/xe Huyndai, Kamaz…), chỉ với 1 chiếc máy xúc Kobe, mỗi ngày ông Nguyễn Thanh Hùng cùng người em tên Bình làm chủ bãi cát này bỏ túi từ 8-10 triệu đồng.

Mùa mưa là vậy nhưng vào mùa khô, thường là mùa cao điểm xây dựng (từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm) nguồn thu từ hoạt động khai thác cát trái phép dù là chủ bãi cát “nhỏ” như ông Hùng cũng cao gấp nhiều lần.

Điều kỳ lạ là dù tự xưng là chủ bãi cát nhưng anh em ông Hùng cũng như nhiều chủ bãi khác không hề có giấy phép; trong khi ngang nhiên khai thác và trang bị máy xúc, xe tải khá rầm rộ. Dù biết việc khai thác sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy sông Ba mỗi mùa nước lên nhưng do được chính quyền địa phương hậu thuẫn, người dân sống ven sông, không ai dám lên tiếng ngăn cản.

Huy động cả xe công nông và sức người xúc cát bán ra bên ngoài

Một người dân phường Sông Bờ cho biết: “Mỗi ngày chỉ ven khúc sông này có đến hàng trăm xe tải vào chở cát tại bãi của anh em ông Hùng. Không biết họ được ai cho phép nhưng cát được lấy dưới sông bán cho người mua, họ mặc sức thu tiền…bất chấp mỗi mùa nước lên, đất sản xuất ven sông của dân bị sạt lở nghiêm trọng.”.

Lý giải về việc ngang nhiên khai thác tài nguyên cát khi chưa được cấp phép trong suốt thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Ai khai thác cát cũng vậy thôi. Tôi khai thác cát còn đóng góp kinh phí cho UBND phường Sông Bờ, cho cán bộ Tài nguyên…chứ nhiều người khai thác bãi lớn hơn, khai thác nhiều nhưng đóng phí thậm chí còn ít hơn tôi?".

“Phí khai thác tài nguyên” và những khoản “biết điều” ?


Cũng theo ông Hùng, bãi cát “nhỏ” của ông nằm ngay thị xã nên nhiều người để mắt đến, cán bộ Tài nguyên & Môi trường cũng thường xuyên “ghé thăm”.

Do vậy để khai thác cát được êm xuôi, ngoài việc mỗi tháng ông phải đóng đều đặn cho UBND phường Sông Bờ một khoản gọi là phí khai thác tài nguyên 6,5 triệu đồng/tháng, ông còn phải “biết điều” mỗi khi cán bộ phòng Tài nguyên & Môi trường thị xã Ayun Pa xuống thăm hay có bất kỳ công việc gì cần ông…giúp đỡ.

Sông Ba bị “xẻ thịt” không thương tiếc

Sau những “động thái” tích cực trên, sự quan tâm của các cơ quan chức năng trên địa bàn thị xã Ayun Pa đối với nguồn tài nguyên cát sông Ba xem như bỏ ngỏ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, suốt thời gian qua, nhiều chủ bãi cát lớn sớm nổi danh trong giới xây dựng về khả năng cung ứng cát giá rẻ với khối lượng…vô tận, cần bao nhiêu có bấy nhiêu như ông Phượng (chủ bãi cát dưới chân cầu Quý Đức), ông Thuỷ, ông Hùng (bãi cát dưới chân cầu Bến Mộng, bờ Tây sông Ba), ông Thắng (một chủ bãi cát mới được ông Thuỷ bàn giao lại)…

Theo ông Hồ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa: “Hiện nay, việc quản lý tài nguyên cát trên sông Ba được giao cho các xã, phường. Nơi nào có cát thì nơi đó tự quản lý và thu thuế khai thác. Các bãi cát dọc theo sông Ba trên địa bàn trên địa bàn thị xã Ayun Pa chỉ là những bãi cát nhỏ phát sinh do nhu cầu cần vật liệu xây dựng cho những công trình cấp thiết.

Xuất phát từ nhu cầu này, UBND thị xã đã giao cho chính quyền xã, phường quản lý và xác nhận việc khai thác cát chỉ là hoạt động phát sinh do nhu cầu vật liệu xây dựng cần được đáp ứng chứ không được mua-bán”.

Lời của lãnh đạo UBND thị xã Ayun Pa là vậy, nhưng đối với các chủ bãi khai thác cát trái phép dọc theo hàng chục km sông Ba, nếu không bán khoáng sản họ sẽ lấy tiền đâu để đóng khoản phí được đặt tên là “phí khai thác khoáng sản” do UBND xã, phường thu đều đặn cùng hàng loạt các khoản “biết điều” khác cho cán bộ ?

Thanh Luận - Tiến Thành