- Hơn 30 năm theo nghề biển, dù không đủ tiền sắm được chiếc tàu của riêng mình, nhưng ông vẫn tự hào mỗi khi vùng vẫy ở Hoàng Sa, Trường Sa. Và bây giờ, thân xác ông vẫn ở Hoàng Sa.
Ngày 20/8, trong không khí tang thương tại ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo giữa làng chài Cây Bàn (thuộc thôn Tân Hy, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), hàng trăm người dân và chính quyền địa phương xã Bình Đông đã có mặt sẻ chia nỗi đau của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, 48 tuổi, người đàn ông trụ cột gia đình, suốt cuộc đời chỉ biết bám biển đã bị chết sau một phiên biển đầy sóng gió.
Chính quyền địa phương và người dân không ai nói ai, mỗi người tự nguyện đồng ít, đồng nhiều góp tiền hỗ trợ lo hậu sự cho gia đình.
Gục dưới chân bàn thờ
chồng, bà Phạm Thị Tâm, 43 tuổi, vợ ông Sỹ vật vã đau đớn khóc than.
Gia đình lập bàn thờ ngư dân Nguyễn Văn Sỹ |
Bị bệnh tim gần 5 năm nay, nhà nghèo không đủ tiền chữa trị, bà Tâm chỉ biết bất lực nằm ở nhà chống chọi cơn đau tim hành hạ.
Nhà có ba đứa con, đứa con gái đầu tên Nguyễn Thị Lý bị nhiễm chất độc da cam. Em Lý 19 tuổi, cũng là 19 năm nằm liệt một chỗ.
Hai vợ chồng ông Sỹ phải thay phiên nhau đút từng miếng ăn, vệ sinh đứa con gái tật nguyền hàng ngày.
Vợ đau tim, con gái đầu bị bại liệt và hai đứa con nhỏ của ông đang ở cái tuổi cắp sách đến trường.
Tất cả đã dồn lên đôi vai của ông Sỹ. Ông lăn lộn bám biển, nay đây mai đó. Lúc thì Trường Sa, lúc thì Hoàng Sa.
Khi còn sống, người đàn ông này luôn tự nhủ lòng, càng bám biển và cật lực bắt hải sản thì sẽ càng đỡ gánh nặng miếng ăn hàng ngày cho gia đình.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết: Năm 2011, ông Sỹ được Tổ tự quản tàu thuyền thôn Tân Hy bầu chọn là “Ngư dân bám biển”.
“Cả xã Bình Đông này ai mà không biết ông Nguyễn Văn Sỹ, một ngư dân suốt cuộc đời gắn với biển cả. Từng hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều quá quen thuộc với ông. Không có hòn đảo nào ở Hoàng Sa, Trường Sa mà ông không biết” - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, hộ gia đình ông Sỹ là hộ nghèo, đặc biệt khó khăn đang được chính quyền, các hội đoàn thể quan tâm.
Tuy tuổi đời còn trẻ so với các đàn anh, lão thành ở làng chài Cây Bàn, nhưng những kinh nghiệm đối chọi nguy hiểm biển cả của ông Sỹ đáng để các ngư dân khác nể phục.
Bởi gánh nặng gia đình, hơn 30 năm theo nghề biển, ông Sỹ vẫn vậy, vẫn đi làm thuê. Dù không đủ tiền sắm được chiếc tàu của riêng mình, nhưng ông vẫn tự hào mỗi khi vùng vẫy ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Ở huyện Bình Sơn, đa số ngư dân xã Bình Chánh thường hành nghề câu mực ở Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi tàu có khoảng 25 đến 33 lao động. Mỗi chuyến ra khơi vòng 3 tháng trời.
Khi đêm xuống, mỗi lao động cùng trên mỗi chiếc thúng thả trôi câu mực. Đến rạng sáng các lao động tập hợp về lại tàu để xẻ mực phơi khô.
Có thể nói, so với các tàu khai thác hải sản, thì tàu câu mực thường gần gũi với Hoàng Sa, Trường Sa nhất.
Anh Nguyễn Văn Công – em ruột ông Sỹ cho biết, hơn hai năm qua, 2 anh em ông đã theo tàu câu mực số hiệu QNg 95514 TS của ông Nguyễn Đình Hiệp (thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh) ra Hoàng Sa và Trường Sa hành nghề.
Ngày 17/7, tàu QNg 95514 TS do ông Nguyễn Đình Hiệp làm thuyền trưởng thẳng tiến ra Hoàng Sa câu mực với dự tính đi 3 tháng. Trên tàu có 32 lao động đều là ngư dân ở huyện Bình Sơn.
Ông Nguyễn Đình Hiệp thuyền trưởng cho biết: “Sau nhiều ngày câu mực ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, ngày 11/8 chúng tôi tổ chức câu ở khu vực cách đảo Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa khoảng 40 hải lý”.
Tối ngày 12/8, do ảnh hưởng
hoàn lưu của bão nên có gió, sóng to. Tuy nhiên các ngư dân trên tàu đều thống
nhất vẫn câu mực.
Đứa con tật nguyền của vợ chồng Nguyễn Văn Sỹ |
Tối hôm đó, 28 lao động trên 28 thúng tỏa ra khu vực có bán kính 200 m câu mực. Lúc này bất ngờ có gió, sóng dữ dội.
“Đánh vô lăng tàu, tôi rồ máy báo hiệu các thúng câu mực khẩn cấp quay về lại tàu. Các thúng đã kịp thời chạy về phía tàu và an toàn đưa lên boong. Khi các lao động cùng thúng đã được đưa lên tàu thì mọi người hoảng hốt khi không thấy ông Sỹ cùng thúng đâu cả" - ông Hiệp kể.
Biết ông Sỹ và thúng bị sóng đánh chìm, ông Hiệp lái tàu chạy quần tìm suốt trong đêm nhưng vẫn không thấy người và thúng.
Tiếp tục tổ chức tìm kiếm, đến chiều ngày 13/8 ngư dân đã vớt được thúng bị chìm cùng nhiều đồ dùng cá nhân.
Tàu ông Hiệp đã huy động một số tàu câu mực khác ở xã Bình Chánh đến hỗ trợ tìm kiếm nhưng vẫn không vớt được xác ông Sỹ.
Đến ngày 14/8, cuộc tìm
kiếm đành phải dừng lại, tàu cá QNg 95514 TS quay đầu vào bờ báo vụ việc cho gia
đình và biên phòng, chính quyền địa phương vào ngày 17/8. Ngày 18/8, gia đình đã
lập bàn thờ ông, một ngư dân bám biển đúng nghĩa.
Khả Di