– “Việc bệnh viện thực hiện khoán doanh thu cho từng bộ phận hoặc nộp phí theo tháng hay năm làm cho bệnh viện công lập trở thành bệnh viện tư trá hình”.

Việc liên doanh, liên kết, cho phép tư nhân đặt máy trong các bệnh viện công lập rồi ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ % (hai bên tự thỏa thuận) đã khiến nhiều vấn đề phát sinh, trong đó có việc các bệnh viện thực hiện chế độ “khoán” cho các đơn vị.

VietNamNet đã trao đổi với các chuyên gia về vấn đề này.


 
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng
 
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam: Bệnh viện tư “núp bóng” viện công

Việc bệnh viện thực hiện khoán doanh thu cho từng bộ phận hoặc nộp phí theo tháng hay năm làm cho bệnh viện công lập trở thành bệnh viện tư trá hình.

Nếu ra quy định năm nay bệnh viện phải thu được 80 tỷ viện phí bằng mọi cách thì bệnh nhân trở thành... đối tượng tận thu của bệnh viện.

Hiện nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến hình thức bệnh viện công – tư mà chưa quan tâm đến vấn đề cơ chế tài chính công hay cơ chế tài chính tư. Do đó, còn nhiều bất cập nảy sinh.

Giải pháp cho vấn đề xã hội hóa mà chúng ta đang đề cập ở đây là bệnh viện phải đứng ra vay vốn để đầu tư chứ không được góp vốn dưới mọi hình thức. Nhưng hiện nay, hình thức góp vốn đang rất phổ biên vì góp vốn là cách thu hồi vốn nhanh nhất.

Ông Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Cân nhắc kỹ giữa cái được – cái chưa được

Việc liên kết với tư nhân để đặt máy trong các bệnh viện là một trong những việc làm vụ thể hóa giải pháp thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Chủ trương này đã được khẳng định là đúng đắn, cần thiết nhưng vấn đề là đẩy mạnh xã hội hóa bằng phương pháp nào?

Thực tế có những phương pháp như: Nhà nước tăng đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoặc bệnh viện liên kết với tư nhân để thực hiện. Hiện nay, Việt Nam và thế giới đang khuyến khích đầu tư công - tư nhưng chưa biết nên đầu tư thế nào cho tối ưu (cả về lợi ích xã hội, y tế lẫn kinh tế).

Thực hiện chủ trương xã hội hóa đã tháo gỡ nhiều khó khăn về tài chính cho các bệnh viện, nhưng cách thực hiện xã hội hóa còn nhiều bất cập (Ảnh minh họa: Internet)

Tại thời điểm này, Chính phủ đang chuẩn bị ra một nghị định về hợp tác công tư chung cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có cả y tế. Tuy nhiên, ngành y tế đã chạy trước một bước trong việc cho phép tư nhân đặt máy móc, thiết bị y tế trong các bệnh viện.

Hiện nay, theo tôi biết, có rất nhiều nơi làm cái này, có nơi huy động tiền của cán bộ công nhân viên trong bệnh viện, có nơi thì công ty tư nhân đầu tư máy rồi chia lợi nhuận với bệnh viện.

Khía cạnh tích cực của việc này là nó mang lại nhiều lợi ích (vì không có xã hội hóa thì không có máy móc để thực hiện các kỹ thuật, dịch vụ y tế).

Còn về tiêu cực thì phải khẳng định là có chứ không phải không, nhưng trong điều kiện hiện nay nên cân nhắc giữa cái được và cái chưa được để mà lựa chọn tiến hành.

Ngành Y tế cũng cần xem xét xem có thể thay thế hình thức hợp tác công – tư hiện nay bằng hình thức hợp tác nào khác để hạn chế lạm dụng?

Ví dụ như TP.HCM cho các bệnh viện vay vốn qua quỹ kích cầu, thành phố phải trả phần lãi, người bệnh được hưởng lợi.

Nhưng cái gì cũng có lợi cái hại. Ví dụ: máy mua từ tiền NSNN thì sửa chữa rất lâu, thủ tục vô cùng rườm rà, nhưng nếu là máy tư nhân thì họ làm rất nhanh, sửa rất nhanh vì nó tác động trực tiếp đến lợi ích của họ.

Ông Dương Huy Liệu, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế y tế Việt Nam: Thay đổi hướng tiếp cận nguồn vốn để đảm bảo công bằng, minh bạch

Xã hội hóa là chủ trương phù hợp trong giai đoạn hiện nay đối với ngành y tế. Mình có nhu cầu cao nhưng các bệnh viện được đầu tư từ ngân sách rất hạn chế, buộc phải có các giải pháp khác.

Xã hội hóa đã giúp các bệnh viện huy động thêm vốn, tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt là máy móc, thiết bị, tạo điều kiện phát triển khám chữa bệnh theo yêu cầu

Mặt được của nó là phát triển kỹ thuật tốt hơn nhiều trên cơ sở huy động vốn, có dịch vụ để sử dụng, không có thì chịu chết. Nhìn từ mặt đó thì mang lại lợi ích rất lớn.

Mặt chưa được là hiện nay, có những nơi đang “lạm dụng” các máy móc xã hội hóa, cần phải ngăn chặn điều này. Nhiều nơi chỉ định chẩn đoán hình ảnh, chụp chiếu nhiều quá mức cần thiết; giá cả nhiều khi đưa ra giá cao hơn nhưng có phản ánh đúng hay không về chất lượng dịch vụ thì cũng cần phải xem xét.

Nhưng đôi khi mình cũng phải chấp nhận những mặt tiêu cực (nếu mặt tích cực lớn hơn, vì nếu không có xã hội hóa thì tất cả đều không được hưởng những cái lợi do máy móc mang lại).

Tuy nhiên, đến một mức độ hay giai đoạn nào đó thì cần thiết phải chuyển từ đầu tư công – tư sang đầu tư công hoàn toàn, hoặc tạo điều kiện cho các bệnh viện vay vốn của ngân hàng để tự đầu tư để hạn chế hệ lụy.

Bởi, khi công ty đặt máy trong đó thì họ sử dụng mọi cách để thúc đẩy việc sử dụng máy đó nhằm thu lại lợi nhuận. Cần tiếp cận vốn theo hướng này sẽ minh bạch hơn, giảm được tiêu cực.

Cẩm Quyên (Thực hiện)