"Thậm chí khi bà Thơm lên nhà “thỏa thuận với gia đình vào ngày hôm sau, chúng tôi đã gọi điện “ép” Toàn phải nói chuyện rõ ràng. Toàn đã phát cáu, nói rằng: “Bố mẹ tin con hay là tin lời họ?” thì chúng tôi không còn lý do gì tin thai nhi ấy là máu mủ của con trai mình nữa".

Liên quan đến vụ quăng quật xác thai nhi ở Mỹ Đức, Hà Nội, phóng viên đã tìm đến gia đình Nguyễn Công Toàn (sinh 1992, trú tại đội 8, thôn Hạ, Phù Lưu Tế, Mỹ Đức).

Tại đây, bố mẹ Toàn là ông Nguyễn Công Đoàn (sinh năm 1966) và bà Phạm Thị Dung (sinh năm 1969) cho biết, ngay sau buổi nói chuyện với gia đình T., Toàn chỉ vòng qua nhà thông báo: “Con đã giải quyết xong việc rồi, không có gì đâu, bố mẹ không phải lo nữa” rồi lên Hà Nội làm việc.

Theo lời kể của bà Dung, Toàn là cậu con trai thứ 2, cũng là đứa con ngoan, có hiếu nhất nhà. Học xong lớp 9, gia đình khó khăn, nên Toàn không quản ngại, cùng bố đi phụ hồ kiếm tiền. Cậu bé cũng đã xoay sở nhiều nghề để giúp bố mẹ nuôi chị gái, em trai ăn học.


Ông Nguyễn Công Đoàn (sinh năm 1966) và bà Phạm Thị Dung (sinh năm 1969) là bố mẹ của Nguyễn Công Toàn, người được cho là bố của xác thai nhi bị quăng quật.

Chính vì thế, khi nghe chuyện con trai mình hư hỏng, làm con gái nhà khác có thai, bà Dung không nhất quyết không tin. Bà cho rằng, với tính cách của Toàn, không thể có chuyện đó xảy ra.

Thêm nữa, “Toàn cũng chưa bao giờ nói chuyện đã yêu ai với bố mẹ. Đến giờ này, vợ chồng tôi cũng chưa biết T. là người như thế nào, mặt mũi ra sao. Nếu thật lòng hai đứa thương yêu nhau, quá đà có thai thì chúng tôi cũng sẵn sàng làm đám cưới cho chúng nó.

Hai bên gia đình cũng chưa nói chuyện thống nhất, gia đình cháu T cũng mới chỉ lên trao đổi với gia đình nhà tôi có 3 lần mà đã vội vã đi phá thai khiến vợ chồng tôi rất bất ngờ, không thể tưởng tượng nổi”, ông Đoàn nói. Ông trách móc, chỉ trong vòng 4 ngày, mà gia đình bà Thơm hết dồn ép, dọa nạt đến quăng quật thai nhi,…khiến cuộc sống gia đình ông bị đảo lộn.

Theo lời ông bà Đoàn Dung, ngày 13/8/2012, bà Thơm cùng bà Nga (họ hàng nhà bà Thơm) đến nhà ông “đặt vấn đề” hai cháu trót yêu thương nhau quá đà, xảy ra hậu quả có thai và yêu cầu gia đình ông tổ chức đám cưới “sớm ngày nào tốt ngày đó”. Trong hoàn cảnh Toàn không có nhà, mà qua điện thoại liên tục phủ nhận, nên ông bà chưa thể hứa hẹn gì được.

Thêm nữa, sau khi nói chuyện với gia đình bà Thơm, Toàn về nhà nói đã “giải quyết xong” chuyện, bố mẹ không cần lo, nên gia đình đinh ninh là chuyện không có gì nghiêm trọng. Thậm chí khi bà Thơm lên nhà “thỏa thuận với gia đình vào ngày hôm sau, chúng tôi đã gọi điện “ép” Toàn phải nói chuyện rõ ràng. Toàn đã phát cáu, nói rằng: “Bố mẹ tin con hay là tin lời họ?” thì chúng tôi không còn lý do gì tin thai nhi ấy là máu mủ của con trai mình nữa.

Thế nhưng không ngờ mọi chuyện không chấm dứt ở đó. Bà Dung nhớ như in buổi tối ngày 16/8/2012. Khi vợ chồng bà vừa ăn cơm xong, thì một tiếng “bịch”, một chiếc túi nilon màu đen được bà Thơm ném vào sân, lớn tiếng tuyên bố:

“Tao mang cháu nội chúng mày về quê cha đất tổ đây. Chúng mày nhớ ngày, tháng này mà chôn cất, hàng năm làm giỗ cẩn thận, cho nó ra đi mát mẻ, thanh thản”.


Hình ảnh T. và mẹ sau gần 1 tuần xảy ra vụ quăng quật xác thai nhi.

Nói tới đây, giọng nói của bà Dung nghẹn ngào, nước mắt chỉ trực trào ra, mặt bừng đỏ. Bà nói, hành động khi đó của bà Thơm khiến hai vợ chồng bà chết lặng, không nói được câu nào. Không phải vì sợ, mà vì bất ngờ và uất ức.

Bà nói, nếu thực sự bào thai ấy là con ruột của Toàn, thì gia đình tôi vô cùng ân hận. Không phải vì đã không nhận cháu, mà bởi vì khi mọi chuyện xảy ra quá nhanh, chưa kịp kiểm tra, xác minh một cách rõ ràng mà cháu đã bị “sát hại”. Và dù xác thai nhi ấy đúng hay không đúng cháu ruột chúng tôi, thì hành động của bà Thơm cũng quá nhẫn tâm, thất đức.

Dù chưa được sinh ra, nhưng thai nhi đã 4 tháng thì đã có hình hài, là một sinh linh, hơn hết cũng là cháu ruột bà Thơm, tại sao bà ta có thể độc ác như vậy?, bà Dung đặt câu hỏi.

Lý giải cho việc mang thai nhi trả lại gia đình T., bà Dung nói, lúc đầu ông Đoàn có giục bà đi chôn thai nhi cho cháu được an nghỉ. Nhưng tôi rất sợ, hơn nữa, tin lời khẳng định của Toàn, tôi nghĩ đây không phải cháu tôi, nên tôi mang trả lại gia đình họ.

Sự việc đã xảy ra hơn 1 tuần, nhưng gia đình ông Đoàn vẫn chưa lý giải được, vì sao trong 3 ngày đến nhà “nói chuyện người lớn”với gia đình ông, chưa lần nào gia đình bà Thơm nói tới chuyện sau khi sinh cháu ra, sẽ đi xét nghiệm AND để chứng minh đó là con Toàn.

Vậy mà khi Toàn đến nhà nói chuyện thì bà Nga (họ hàng nhà bà Thơm) lại khuyên: "Cháu cứ tổ chức đám cưới với em T. Sau này, khi sinh ra con, mang đi xét nghiệm AND, nếu không phải thì gia đình bà sẽ bồi thường danh dự cho cháu”.

Ông quả quyết, nếu gia đình bà Thơm nói điều này cho ông biết, thì gia đình ông sẵn sàng đón T. về nhà chăm sóc. Khi sinh nở xong, thì tiến hành xét nghiệm AND, rồi làm đám cưới vẫn chưa muộn. Nếu gia đình bà Thơm bình tĩnh hơn, có lẽ cả hai bên đã tìm được giải pháp hợp tình hợp lý và chuyện “thất đức” kia đã không xảy ra.

(Theo Giáo dục Việt Nam)