- Dịch cúm H5N1 bùng phát, lan rộng, khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Hà Tĩnh rơi vào tình cảnh khốn đốn. Bao nhiêu vốn liếng, công sức dồn vào sắp đến ngày thu hoạch thì "cơn bão" H5N1 tràn qua, "cướp" sạch, giờ họ trắng tay, trở thành con nợ của ngân hàng mà chưa biết bao giờ mới trả hết.

Chúng tôi trở về xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, địa phương chăn nuôi đàn gia cầm lớn vừa bùng phát dịch cúm H5N1 phải tiêu hủy hàng ngàn con, một cảnh tượng đập ngay vào mắt là nhiều trang trại vắng hoe, tiêu điều.

Anh Dương Xuân Ty (54 tuổi, xóm Tân Hòa) khuôn mặt buồn bà cho biết, đợt dịch cúm gia cầm này, anh phải tiêu hủy 1447 con vịt gồm cả vịt giống và vịt thịt và 130 con ngan, gà. Tính ra thiệt hại xấp xỉ 100 triệu đồng. Ở xã Thạch Tân, hộ của anh là thiệt hại nặng nhất.

Xót xa khi đàn gia cầm của người nông dân đến ngày thu hoạch thì bùng phát dịch phải tiêu hủy.

"Bao nhiêu vốn liếng tôi tập trung vào đó cả. Còn vay thêm tiền ngân hàng để mua cám cò, mở rộng trang trại. Thế là công toi. Giờ lo nợ ngân hàng không biết lấy chi mà trả cho hết" - anh Ty xót xa.

Mong muốn của vợ chồng anh Ty là họ sớm nhận được hỗ trợ để trả một phần tiền ngân hàng, sau nữa là tạo điều kiện cho vay vốn lãi suất thấp để tiếp tục đầu tư nuôi đàn mới, với mong muốn vực lại để mà trả nợ.

Vợ chồng anh Ty buồn bã khi dịch cúm đã cướp đi của họ đàn gia cầm trị giá gần trăm triệu.

Tại xóm Mỹ Triều, hộ bà Lê Thị Ngọc (70 tuổi) cũng phải tiêu hủy 500 con vịt thịt sắp đến ngày xuất đàn và 30 con gà. Tính ra thiệt hại khoảng trên 50 triệu đồng.

Ngồi ngơ ngẩn bên 2 đứa cháu vì chưa hết tiếc của, bà Ngọc cho biết, đến giờ vẫn chưa có tiền sách vở, áo quần cho 2 đứa cháu. Như mọi năm, nếu không dịch thì bán vịt sẽ có tiền mua sắm, nạp tiền trường cho các cháu. Nhưng giờ thì chịu rồi.

Dẫn chúng tôi ra phía hồ nước sau nhà, nơi trước đó vài tuần đàn vịt vẫn còn xum xuê thì nay vắng tanh, ngồi thẫn thờ một lúc rồi bà Ngọc thốt lên: "Trắng tay luôn chú ạ. Xót lắm".

Bà Ngọc cũng cho biết thêm, như mọi năm, không bị dịch thì bán vịt xong sẽ trả tiền  cám cò đã mua chịu từ các đại lý. Nhưng nay thì chưa biết lấy đâu ra mà thanh toán cho họ.

Bà Ngọc buồn bã khi bão H5N1 tràn qua, khiến đàn vịt 500 con của bà phải tiêu hủy sạch. Giờ khoản nợ ngân hàng, và tiền thức ăn chăn nuôi đang là nỗi lo lắng khiến bà ăn, ngủ không yên.

"Giờ chỉ mong sớm có tiền hỗ trợ của nhà nước để trả nợ, có vốn để nuôi đàn mới. Chứ nông dân mà không chăn nuôi thì chẳng biết làm gì khác nữa" - bà Ngọc tha thiết.

Tại xã Thạch Hội, địa phương có số gia cầm bị dịch H5N1 phải tiêu hủy nhiều nhất, cuộc sống của nhiều hộ chăn nuôi gia cầm bỗng chốc thành trắng tay, nợ nần điêu đứng.

Chị Nguyễn Thị Mai, thôn Bình Dương ngả 2 bàn tay đứng giữa hồ nuôi vịt mà cách đó mấy ngày, đàn vịt hơn nghìn con của chị kín hồ nói như khóc: "Đàn vịt đã lớn, đang chuẩn bị xuất đi thì  dịch cúm tràn về. Thế là tiêu hủy hết. Giờ thì trắng tay, số tiền vay để đầu tư mua giống, thức ăn gần 50 triệu không biết kiếm đâu ra mà trả cho ngân hàng".

Chị Mai cũng bày tỏ mong muốn sớm có tiền hỗ trợ, và tạo điều kiện cho vay vốn để khi hết dịch sẽ đầu tư chăn nuôi đàn mới, hi vọng sẽ may mắn hơn để có mà trang trải, trả nợ nần.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Tân Nguyễn Văn Ninh cho biết, đến thời  địa phương đã địa phương đã tiêu hủy gần 5000 con gia cầm, trong đó, chủ yếu là vịt. Công tác kiểm soát dịch lây lan vẫn đang được chú trọng, người dân nghiêm túc chấp hành, các quán ăn cũng ngừng giết mổ gia cầm.

Chị Mai ở xóm Bình Dương, xã Thạch Hội nói như khóc khi phút chốc đàn gia cầm không còn, trở thành "con nợ" của ngân hàng chưa biết bao giờ mới trả hết

Về những hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch cúm, ông Ninh cho biết, xã cũng chưa biết nhà nước sẽ hỗ trợ giá bao nhiêu và thời gian nào có tiền hỗ trợ cũng chưa rõ. Ông cũng bày tỏ mong muốn nhà nước sớm hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại để họ trả nợ, và sớm tái đầu tư, chăn nuôi đàn mới.

Còn Phó Chủ tịch xã Thạch Hội cho biết, đến nay, địa phương đã có hơn 7 ngàn con gia cầm bị bệnh, trong đó đã tiêu hủy 5,4 ngàn con. Công tác tiêu hủy, ngăn chặn dịch lây lan vẫn đang được quán triệt nghiêm túc.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có trên 20 xã có dịch với tổng thiệt hại đàn gia cầm lên tới gần 4 vạn con.

Trong đó, chỉ riêng 2 huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà với số gia cầm bị bệnh phải tiêu hủy đã hơn 3 vạn con. Các huyện Can Lộc, Lộc Hà, Kỳ Anh tiêu hủy 6.700 con.

Trần Văn - Duy Tuấn