- Thôn Hà Châu (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) như một hòn đảo nằm lẻ loi, chênh vênh giữa dòng sông La. Nơi đây 25 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu đang ngày ngày bám trụ với cuộc sống mưu sinh trong cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề…
Bốn bề sóng nước
Cách đây mấy chục năm, Bãi Soi là một mô đất rộng lớn, cây dại mọc um tùm giữa dòng sông La. Một số ngư dân sống lang bạt trên sông La khi đến đây thấy bãi đất rộng màu mỡ nhưng không có người ở nên lên đây dựng lều, vỡ đất khai hoang để sinh sống.
Đất lành chim đậu,
nhiều người theo nhau lên đây chọn cho mình một vùng đất sinh sống và lập thành
xóm Bãi Soi.
Để ra vào Bãi Soi (thôn Hà Châu) cách duy nhất là
dùng đò
Thôn Hà Châu còn được gọi là Bãi Soi rộng hơn 20 héc-ta lọt thỏm giữa dòng sông La, bốn phía chỉ có nước và nước. Không cầu, phương tiện duy nhất để những người dân nơi đi lại, trao đổi hàng hoá là chiếc đò. Đò vừa là kế để mưu sinh, vừa làm phương tiện đi lại.
Chị Nguyện Thị Sen, một cư dân ở đây cho biết: “Cuộc sống của bọn tui gắn liền với những con đò. Nhà ai cũng phải tự sắm cho mình 1 đến 2 chiếc đò”.
Nhà chị Sen làm nghề đánh bắt cá, cào hến trên sông nên chiếc đò càng trở nên quan trọng. Đó vừa là công cụ để mưu sinh, vừa là phương tiện để đi lại.
Năm qua năm, đất đai ngày một bạc màu, thu hẹp, việc đi lại lại khó khăn nên cuộc sống của người dân nơi đây vốn long đong nay lại càng khốn đốn.
Chị Nguyễn Thị Mai cho biết: “Lúc mới lên thì đất đai màu mỡ, chúng tôi có thể có một nơi để an cư nhưng giờ đất đai ngày một cằn cỗi, hơn nữa bốn phía là nước nên muốn làm ăn kinh tế cũng rất chịu”.
Hiểm hoạ từ dòng sông
Dòng sông La là nguồn dinh dưỡng nuôi sống những người dân nhưng đó cũng là mối nguy hiểm rình rập người dân nơi đây. Dòng sông La vốn dĩ hiền hoà là vậy nhưng mỗi khi mùa mưa lũ về, nước sông dâng cao 3m đến 4m, sông La lại như 1 con “quỹ dữ”, hung hãn tưởng chừng muốn nuốt chửng cả Bãi Soi.
Anh Nguyễn Thanh
Huyền cho biết: “Nhà tui thuộc dạng cao nhất của thôn nhưng có năm nước sông
dâng cao nước ngập vào tới nữa nhà. Bọn tui phải lên gác để ở”.
Anh Huyền đang chỉ vào dấu nước lũ ngập vào nhà anh
năm 2010
Anh Huyền cũng cho biết thêm ở đây chỉ sản xuất được vào mùa nắng, chứ vào mùa mưa lũ thì cả Bãi Soi luôn luôn chìm trong biển nước nên không thể sản xuất được
Cứ chuẩn bị đến mùa lũ là người già, trẻ em, trâu bò, lợn gà đều được chuyển sang bên kia sông, gửi nhờ nhà bà con hàng xóm, chỉ có những người trẻ ở lại để trông coi.
Do nằm ở vị trí đặc biết, nơi giao nhau của 2 nhánh sông nên đoạn đi qua Bãi Soi nước cháy rất xiết, nước lũ thì về nhanh. Những người dân nơi đây cho biết nhiều lúc Bãi Soi ngập trong nước lũ 1 đến 2 tuần mới rút.
Chị Nguyễn Thị Sen có 2 đứa con (một đứa lớp 3, một đứa lớp 6) hằng ngày chị phải chèo đò đi đi, về về tới 4 lần để chở các con đi học.
Chị Sen cho biết: “Mùa này nước sông chảy nhẹ nên còn đỡ, chứ có nhiều lúc mưa to nước sông chảy mạnh tui đành phải cho các con nghỉ học. Thà nghỉ vài hôm còn hơn mạo hiểm chèo dò vì lỡ có chuyện gì thì tui phải hối hận suốt đời”.
Không chỉ vậy, sạt lở cũng là nỗi lo lắng của người dân suốt nhiều năm qua. Ông Nguyễn Đình Yên _ Bí thư thôn Hà Châu cho biết: “Bãi Soi ngày càng bị bào mòn, sạt lở vào sâu 20m, 30m. Mỗi năm Bãi Soi mất gần 3 héc-ta đất, hàng trăm cây keo, cây bạch đàn của người dân bị cuốn trôi”.
Đi không được, ở không xong
Thôn Hà Châu trước đây có hơn 50 hộ nhưng nay chỉ còn 25 hộ. Những năm gần đây, những hộ sống ở Bãi Soi (thôn Hà Châu) có điều kiện đã chuyển đi nơi khác ở hoặc chuyển đến các làng bên cạnh có điều kiện thuận lợi hơn. Những hộ còn ở lại đa số là hộ nghèo không có tiền nên phải bám trụ để mưu sinh.
Tình trạng sạt lở đất ở Bãi Soi ngày càng trầm trọng
đe doạ tới cuộc sống của người dân nơi đây
Chị Nguyễn Thị Mai tâm sự: “Ai mà chẳng muốn chuyến đi nơi khác có điều kiện tốt hơn chú, chứ ở đây khó khăn và nguy hiểm lắm. Nhưng muốn chuyển thì phải có đất, có tiền mới chuyển được chứ. Ở đây ai cũng làm nông chỉ đủ ăn thôi, lấy mô ra tiền”.
Ông Nguyễn Năng Quế - Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh cho biết: “Chúng tôi cũng đã thông báo để người dân ai có nhu cầu chuyển nhà thì làm đơn để xin cấp đất ở bên kia sông. Hiện nay, đã có 1 số hộ làm đơn và chúng tôi đang lập danh sách để gửi lên Hội đồng xét duyệt của xã rồi sau đó gửi lên huyện chờ hỗ trợ và khi nào được duyệt thì chúng tôi cũng không biết”.
Ông Quế cũng cho biết mỗi năm cũng chỉ có một vài hộ được cấp đất vì diện tích đất dự phòng cũng không còn.
“Đến mùa mưa lũ chúng tôi cũng bố trí lực lượng và phương tiện để sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ người dân. Hiện tại cuộc sống của người dân đang gặp nhiều khó khăn, muốn phát triển kinh tế cũng chịu, trừ khi chúng ta có được cây cầu thì cuộc sống của người dân sẽ mới bớt khổ, kinh tế mới có điều kiện phát triển” - ông Quế cho biết.
Xuân Sinh – Duy Tuấn