- Đàn voi hoang dã Đắk Lắk
đang suy giảm nhanh chóng về số lượng, theo thống kê hiện còn trên 100 cá thể.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có gần 10 cá thể voi rừng liên tiếp bị chết hoặc
bị sát hại dã man để lấy ngà, lấy lông, đuôi.
Mới đây (25/8), thêm 2 cá thể voi rừng trưởng thành bị kẻ xấu “hạ sát” được phát
hiện tại VQG lớn nhất nước trong tình trạng sắp thối rữa.
Vụ việc khiến nhiều người không khỏi đau lòng và lo lắng rằng đàn voi rừng sẽ tuyệt chủng trong nay mai. Trong khi đó, dự án bảo tồn voi đã được phê duyệt, đi hơn nửa chặng đường, nhưng công tác bảo tồn vẫn dậm chân tại chỗ.
Hiện trường 2 con voi bị sát hại. |
Voi rừng liên tiếp bị sát hại dã man
Cách đây không lâu, trong tháng 3/2012, chỉ trong vòng một tuần (từ 26 – 31/3/2012) tại địa bàn huyện Ea Súp người ta phát hiện 3 con voi hoang dã bị chết.
Con thứ nhất phát hiện ngày 26/3, tại khoảnh 4,
tiểu khu 289 thuộc địa bàn xã Cư M’lan (huyện Ea Súp), con voi này khoảng 4 - 5
tháng tuổi, nặng khoảng 120kg.
Tiếp đó, ngày 31/3, người dân lại phát hiện một cá thể voi đực khoảng 3 - 4 năm
tuổi, cao hơn 1m, dài gần 2m, nặng khoảng 400 - 500kg chết bên hồ nước, chỉ cách
vị trí con voi thứ nhất lâm nạn khoảng 30m.
Cơ quan công an đang điều tra tìm nguyên nhân voi chết. |
Dư luận chưa hết bàng hoàng thì cũng ngày 31/3, người dân lại phát hiện tại tiểu khu 283, thuộc địa bàn xã Ea Bung, thêm một cá thể voi đực trưởng thành cao 2,4m, dài 4,3m, nặng khoảng 1,5 - 2 tấn đang trong tình trạng phân hủy.
Phần đầu voi bị đục tung, ngà, đuôi, vòi và đế
bàn chân của voi bị kẻ gian lấy đi. Theo nhận định của cơ quan chức năng, con
voi này đã bị thợ săn chuyên nghiệp giết hại để lấy ngà, đuôi...
Khi nguyên nhân cái chết, tung tích hung thủ trong những vụ voi chết này đang
chìm trong im lặng, thì mới đây (25/8), dư luận lại được phen…giật mình khi cùng
một lúc 2 cá thế voi trưởng thành bị bắn chết tại tiểu khu 257 – thuộc VQG Yok
Đôn.
Khi nhận được tin báo về vụ sát hại dã man 2 con
voi rừng trên, PV VietNamNet đã vượt gần cả trăm cây số có mặt tại hiện trường,
tận mắt chứng kiến sự dã man của những kẻ săn voi.
Vị trí phát hiện 2 con voi bị chết nằm ở toa độ 48P 0789.227; UTM 144.6270 -
thuộc khoảnh 7 - tiểu khu 257 - phạm vi quản lý trạm kiểm lâm số 11.
Đây cũng là vùng lõi, thuộc phía bắc VQG Yok Đôn. Tại hiện trường, do voi đang trong quá trình phân hủy, lại gặp nắng nóng, mưa rừng, nên dù đứng từ rất xa mùi hôi thối từ xác voi bốc lên khiến chúng tôi đến ngạt thở.
Hai con voi rừng, một đực, một cái nằm chết cách
nhau khoảng 5m giữa rừng, trọng lượng cơ thể ước tính lên đến hàng tấn, trên
mình voi bị chết có nhiều vết mổ xẻ.
Con voi đực bị kẻ xấu xẻ trộm đi phần xương mặt, đoạn vòi dài bị đứt lìa nằm lăn
lóc, một số bộ phận khác trên cơ thể đã bị trộm lấy mất. Chứng kiến cảnh này,
nhiều người không khỏi rùng mình.
Từ thực tế quan sát, và những dấu vết để lại trên mình voi, nhiều người phỏng đoán 2 con voi rừng bị kẻ xấu sát hại khoảng một tuần trước đây.
Phần mặt con voi đực bị đục tung để lấy ngà |
Theo ông Nguyễn Quốc Lập - Trạm trưởng trạm kiểm lâm số 11 - VQG Yok Đôn, nơi phát hiện voi chết, do thời điểm này Tây Nguyên đang mùa mưa, rất có thể 2 cá thể voi (nhiều khả năng nằm trong đàn voi khoảng 30 con mà lực lượng kiểm lâm vườn vừa phát hiện trong tháng 8) cùng đàn di trú về Yok Đôn để kiếm ăn theo thói quen và không ngờ đây là chuyến đi “cuối cùng” trong đời chúng.
Nói về nguyên nhân voi chết, theo nhận định của thượng tá Trần Mạnh Hiếu - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an huyện Ea Súp: 2 con voi rừng bị chết tại tiểu khu 257 có dấu hiệu tác động từ ngoại lực, chứ không phải do bệnh mà chết.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Văn Thành -
quyền Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết, nguyên nhân voi chết không loại trừ khả
năng do bị săn bắn để lấy ngà.
Hết voi, dự án vẫn chưa hoạt động
Đứng trước nguy cơ đàn voi bị tuyệt chủng, năm 2010, UBND tỉnh này phê duyệt Dự
án Bảo tồn Voi Đắk Lắk giai đoạn 2010 – 2015 với tổng kinh phí 61 tỷ đồng.
Dự án vẽ ra một viễn cảnh cho đàn voi Đắk Lắk: quản lý bền vững quần thể voi
hoang dã, phát triển đàn voi nhà, bảo tồn bản sắc văn hoá bản địa, tuyên truyền
giáo dục về môi trường sinh thái. Nếu đúng như viễn cảnh, thì khoảng 100 con voi
hoang dã và trên 50 voi nhà Đắk Lắk sẽ được theo dõi, chăm sóc sinh sản tại 2
trạm Bảo tồn Voi đặt ở 2 huyện Ea Súp và Lắk của tỉnh.
Một trung tâm Bảo tồn Voi sẽ được xây dựng hoành tránh trên diện tích rộng
khoảng 200 ha, trong đó 100 ha để chăn thả voi, ươm trồng các loại cây voi thích
ăn, phần diện tích còn lại là bệnh viện voi.
Viễn cảnh là vậy, nhưng sau hơn nửa chặng đường từ khi được phê duyệt, dự án dường dậm chân tại chỗ, không “bò” được thêm một đoạn nào bởi rất nhiều cái…“vướng”.
Rừng Đắk Lắk đang bị suy kiệt khiến môi trường sống của voi ngày càng bị thu hẹp. |
Muốn có đất để xây dựng Trung tâm bảo tồn voi, bắt buộc phải “hi sinh” 163 ha đất tại VQG Yok Đôn, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT xin chuyển mục đích sử dụng, tuy nhiên Bộ đã khước từ bởi diện tích này nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Yok Đôn; bộ còn yêu cầu tỉnh cũng như VQG Yok Đôn phải làm sao tìm cách “hài hòa” trong việc vừa phải bảo vệ được voi, đồng thời cũng không chia cắt hệ sinh thái tự nhiên của Vườn.
Sau khi bị Bộ khước từ, Trung tâm Bảo tồn voi, UBND tỉnh Đắk Lắk lại chuyển sang khảo sát khoảng 200 ha thuộc rừng phòng hộ Buôn Đôn tìm đất xây dựng trung tâm.
Tính đến thời điểm này, dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc loay hoay tìm đất xây dựng trung tâm. Mặt khác, hơn nửa thời gian dự án đã qua, nhưng đến nay trung tâm mới được giải ngân khoảng 400 triệu đồng - tiền dùng để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên. Số tiền còn lại để thực hiện dự án thì vẫn…bặt vô âm tín.
Theo ông Huỳnh Trung Luân – giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, để bảo tồn đàn voi hoang dã Đắk Lắk, vấn đề sống còn là duy trì không gian sống của chúng. Thế nhưng, trong những năm qua, hàng chục ngàn hécta rừng ở Buôn Đôn và Ea Súp (nơi sinh sống của voi rừng) đã bị khai tử hoặc rơi vào tay các dự án trồng cao su.
Điều này cho thấy một thực tế, không gian sinh
tồn của voi đang bị thu hẹp nghiêm trọng, voi ngày càng trở nên hung dữ và xung
đột người - voi ngày một tăng.
Vụ sát hại 2 con voi hoang dã vừa được phát hiện vừa rồi không biết có làm cho
các cơ quan có trách nhiệm suy nghĩ gì không? Nhưng một thực tế cho thấy, nguy
cơ tuyệt chủng đàn voi hoang dã Đắk Lắk đang hiện hữu.
Yến Thanh