- Lương tăng nhưng đời sống người lao động lại vẫn khó khăn bởi giá cả leo thang. Để ổn định quan hệ lao động, doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thực tâm chăm sóc người lao động.
 
“Công ty trả lương cào bằng giữa công nhân (CN) và CN mới. Nếu không tăng ca thì thu nhập CN chỉ đạt khoảng 2,4 triệu đồng, mức này không đủ trang trải thu nhập. CN đã nhiều lần kiến nghị ban giám đốc cải thiện thu nhập, song công ty trả lời nếu không tiếp tục làm việc thì cứ xin nghỉ” - Đó là tiếng kêu cứu của hàng trăm CN công ty TNHH WonKyung Vina (100% vốn Hàn Quốc; gia linh kiện điện tử) với các cơ quan chức năng quận Thủ Đức - TPHCM mới đây.
 
Sống lay lắt qua ngày
 
N.T.T, một CN làm việc được 3 năm tại đây cho biết, với mức thu nhập 2,4 triệu đồng/tháng, dù đã hết sức tằn tiện trong chi tiêu, nhưng nếu trừ các khoản chi phí thuê nhà trọ, điện, nước, sinh hoạt phí, có tháng chị không dành dụm được đồng nào.

“Giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục leo thang trong khi chủ nhà trọ cứ đánh tiếng sẽ tăng giá cho thuê khiến tụi em như ngồi trên lửa. Thôi thì đến đâu hay đến đó”- T chua chát nói.
 

Công nhân gồng mình trước cơn bão giá. Ảnh: TTO

Xem ra, T. vẫn khá may mắn bởi chị còn độc thân. Tiếp xúc với chúng tôi, phần lớn nữ CN đã lập gia đình cho biết họ sống hết sức kham khổ do thu nhập quá thấp trong khi luôn phải đối diện với áp lực tăng giá. Nói về tình cảnh sống hiện tại, một nữ CN làm việc gần 7 năm ở Công ty TNHH Triumph chua chát kể: “Do mức lương cơ bản công ty trả quá thấp, chỉ đạt 2,7 triệu đồng/tháng nên kéo theo các quyền lợi khác của CN cũng sụt giảm”.

Còn Trang, một nữ CN khác nhẩm tính: dù có tăng ca quá sức, thu nhập của hai vợ chồng chỉ đạt gần 7 triệu đồng. Tuy nhiên, trừ khoản chí phí tiền học, tiền sữa cho 2 đứa nhỏ (4 triệu đồng/tháng); tiền thuê nhà, điện, nước (1,5 triệu đồng/tháng), chưa kể các khoản phát sinh khác, gần như tháng nào hai vợ chồng cũng bị âm lương, phải vay mượn thêm bên ngoài.
 
Đó cũng là tình cảnh của hàng trăm CN Công ty Giày Gia Định (quận Thủ Đức-TPHCM) khi ngừng việc kiến nghị ban giám đốc cải thiện tiền lương mới đây. Nền lương cơ bản quá thấp khiến mong muốn cải thiện thu nhập từ tăng ca của số đông CN gần như phá sản. Sau giờ làm việc, nhiều CN phải tranh thủ xin làm bảo vệ, giữ xe ở các quán ăn để mong kiếm thêm tiền, cải thiện thu nhập.
 
Theo một kết quả nghiên cứu của Viện Công nhân - Công đoàn trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức sống tối thiểu ở khu vực 1 (các thành phố lớn) phải hơn 3 triệu đồng, nhưng mức lương tối thiểu hiện nay mới đạt hơn 2 triệu đồng, rất khó để CN trụ lại TP.
 
Khảo sát tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) ở khu vực doanh nghiệp (DN) của Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cũng cho thấy: Có 35,6% số NLĐ được hỏi cho biết thu nhập không đủ chi tiêu; 44,7% phải chắt chiu, dành dụm và thật tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống; 17,9% khẳng định tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình; chỉ 1,8% cho biết đủ trang trải cuộc sống và có phần tích lũy.
 
Điều này dẫn tới việc, một khi thu nhập không đủ trang trải, kiến nghị cải thiện tiền lương, chế độ thì DN phớt lờ, đó là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngừng việc trong thời gian gần đây.

“Nước xa không cứu được lửa gần”
 
“Rất nhiều DN đơn hàng ổn định song không quan tâm, xem xét cải thiện thu nhập của NLĐ. Xuyên suốt các vụ ngừng việc, phần lớn kiến nghị của NLĐ là chính đáng, hợp lý, song đáng tiếc là nhiều DN luôn so đo, tính toán thiệt hơn với NLĐ, đây là nguyên nhân khiến tranh chấp kéo dài” - một cán bộ công đoàn tại các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết.
 
Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống là nguyên nhân dẫn đến ngừng việc tập thể tại Công ty Giày Gia Định. Ảnh: Trực Ngôn

Thực trạng nhiều DN bám vào mức lương tối thiểu để trả lương đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đặc biệt là đời sống của NLĐ. Tại Hepza, mức lương cơ bản (nền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN) mà DN trả cho NLĐ rất thấp, chỉ cao hơn lương tối thiểu một chút. Điều này khiến NLĐ thiệt thòi quyền lợi khi tăng ca, chưa kể việc thụ hưởng BHXH, BHYT sau này.

Trong khi đó, điều nghịch lý là các khoản phụ cấp mà DN “đẻ ra” như chuyên cần, nhà ở, đi lại…để “chiêu dụ” CN lại không hề nhỏ, thấp nhất 100.000 đồng, có khi lên đến 500.000 đồng/tháng.
 
Ông Đỗ Quang Khánh, Phó giám đốc BHXH TPHCM phân tích: “Các khoản phụ cấp nói trên thường không ổn định và DN có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Đây cũng là chiêu lách luật của DN nhằm né tránh phải trích nộp thêm BHXH, BHYT, gây thiệt thòi quyền lợi NLĐ”.
 
Tham gia giải quyết các vụ ngừng việc, ông Nguyễn Văn Băng, Phó ban Dân vận Quận ủy Thủ Đức, lắc đầu ngán ngẩm: “Nhiều DN vẫn có khả năng cải thiện thu nhập cho NLĐ, song đáng tiếc là nhiều nơi vẫn để xảy ra ngừng việc mới chữa cháy. Thiếu chủ động trong thương thảo với CĐ khiến quan hệ lao động căng thẳng không đáng có”.

Thực tế, sau khi xảy ra ngừng việc, hầu hết các DN đều nâng lương cho CN với mức nâng bình quân từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng.
 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quản lý lao động cảnh báo: “Nếu chính sách tiền lương không căn cơ, DN luôn tiềm ẩn mầm mống tranh chấp. Để ổn định quan hệ lao động, DN không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thực tâm chăm sóc NLĐ”.
 
• Trực Ngôn