- “Lúc đưa cháu bé ra khỏi khu vực nguy hiểm, trong người mệt nhoài và chỉ ngồi thở dốc, nhưng mình cũng thấy vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ, không để xảy ra một tai nạn đáng tiếc”, chị Nhàn nhớ lại.

Trong số 185 tấm gương quần chúng tiêu biểu trong xây dựng giao thông và an toàn giao thông được cả nước tôn vinh vừa qua, ngành đường sắt vinh dự được góp mặt 7 tấm gương tiêu biểu. 

Liều mình cứu cháu bé
 
Chị Nguyễn Thị Nhàn (SN 1986) Đội quản lý đường sắt 4, Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên là một người luôn tận tụy hết mình với công việc.

Với hành động dũng cảm cứu cháu bé trước khi đoàn tàu chuẩn bị lao tới, chị Nhàn vinh dự được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tăng bằng khen


 Chị nói, gác chắn là một công việc có tính độc lập, người gác chắn cần phải có tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật cao thì mới không xảy ra sự cố đáng tiếc.
 
Ngày Đêm 25/10/2011, sau khi lên ban gác chắn làm các thủ tục giao nhận, đón các tàu đi qua theo kế hoạch, chị đã bất chấp bụng mang dạ chửa lao vào đường tàu cứu một cháu bé khi tàu chuẩn bị chạy tới.
 
Chị kể: Hôm đó vào lúc 19h35, khi chị đã đóng kín 2 dàn chắn và cầm đèn tín hiệu để đón đoàn tàu khách đi qua thì bất ngờ phát hiện có một cháu nhỏ một mình chập chững bước qua đường sắt lúc đoàn tàu lao tới.

Bất chấp đang mang bầu 6 tháng, chị Nhàn vừa cố lê người chạy nhanh về phía cháu bé vừa quay mặt đỏ đèn báo cho tàu dừng. Đến khi vừa tiếp cận được cháu bé, chị đã bế xốc cháu ra khỏi đường tàu trước khi đoàn tàu lao qua.
 
“Lúc đưa cháu bé ra khỏi khu vực nguy hiểm, trong người mệt nhoài và chỉ ngồi thở dốc, nhưng mình cũng thấy vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ, không để xảy ra một tai nạn đáng tiếc”, chị Nhàn nhớ lại.
 
Không gì vui bằng tàu về đích an toàn
 
Anh Đoàn Ngọc Thạch (SN 1963) hiện công tác tại Đội lái máy số 4, Phân xưởng Vận dụng đầu máy thuộc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội.

Đến nay, vốn liếng quý giá nhất của anh là thành tích hàng trăm nghìn km lái tàu an toàn - một thành tích mơ ước của đời người lái tàu hoả.

Lái tàu Đoàn Ngọc Thạch nói: Nghề lái tàu không cho phép mất cảnh giác dù chỉ một giây.

Anh Thành khiêm tốn: “Có gì đâu mà kể, anh em ban lái ai cũng thế cả, khi đã ngồi trong buồng lái, khi tiếng còi tàu vang lên cũng là lúc phải thật sự tỉnh táo, căng mắt dõi theo từng mét ray, từng khúc cua, con dốc…”.
 
Theo anh Thạch, nghề lái tàu không cho phép mất cảnh giác, dù chỉ một giây. Chỉ sơ sảy một chút là mọi điều đáng tiếc đều có thể xảy ra.

Đây cũng là nghề khắc nghiệt đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, thường xuyên trau dồi kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để xử lý mọi tình huống trên đường. Chỉ khi nào đoàn tàu vào ga cuối an toàn, ban lái mới thở phào nhẹ nhõm.
 
28 năm gắn bó với ban lái đưa những chuyến tàu xuôi ngược Bắc – Nam, dường như từng khúc cua, cái biển báo, đường ngang, cột mốc... anh đều thuộc làu. Có lẽ đây cũng là điều kiện thuận lợi để anh đạt được chừng ấy km an toàn liên tục.
 
“Đi nhiều rồi quen, đoạn nào nguy hiểm hay xảy ra tai nạn mình biết thì cố tránh. Nhưng nói thật nhiều khi cầm lái có cái gì đó còn do linh cảm mà không giải thích được. Khi đi qua đoạn đường nguy hiểm linh cảm có chuyện bất trắc thì mình phải cảnh giác cao độ nên đã tránh được nhiều tai nạn đáng tiếc”, anh Thạch nói.
 
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, anh Thạch đã hãm dừng tàu kịp thời tránh được 3 vụ người đi đường lao vào đường sắt.

Thế nhưng, anh tâm sự: “Tai nạn đường sắt 90% là do người dân cố tình vượt đường ngang. Nhiều hôm thấy nguy hiểm mình ra sức tuýt còi báo nguy hiểm nhưng người qua đường vẫn cứ dửng dưng như không nghe gì. Với những trường hợp đó, bằng kinh nghiệm của mình cũng chỉ một phần, phần còn lại là do may mắn mình linh cảm phanh tàu kịp thời nên đã không xảy ra tai nạn”.

Cuộc đời người lái tàu ai cũng mong muốn chuyến tàu nào mình cầm lái đều được về đích an toàn. Nhưng trong bối cảnh đường sắt nước ta đang còn nhiều bất cập, hệ thống đường ngang khắp nơi chưa có gác chắn, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao… thì đôi khi tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.
 
Nhiều người lái tàu trong suốt hành trình cầm lái của mình đôi lúc phải chấp nhận đánh đổi cả tính mạng để “cứu” đoàn tàu.

Trường hợp của lái tàu Trương Xuân Thức là một tấm gương điển hình về lòng dũng cảm khi anh đã không quản ngại hiểm nguy.
 
Anh Thức kể: Hôm đó là ngày 6/8/2010, anh điều khiển tàu TN6 từ Vinh về Hà Nội đi đến đoạn Phủ Lý – Hà Nam thì phát hiện có chiếc xe tải đi song song cùng chiều với đoàn tàu trên QL.1A rồi bất ngờ rẽ ngang vào đường dân sinh không gác chắn, bất chấp anh Thức đã nhấn còi ra hiệu.

Với hành động dũng cảm cứu đoàn tàu, anh Thức đã mất đi cánh tay trái của mình.


“Lúc tàu đâm vào chiếc xe tải mắt tôi tối sầm lại, máu chảy bê bết khắp mặt, người đau tê dại rồi tôi ngất đi, khi tỉnh lại thì…biết mình đã nằm trong bệnh viện. Tôi chỉ nhớ lúc thấy chiếc xe tải lao vào đường dân sinh do cự ly quá gần nên không còn cách nào khác lấy chân đạp côn, tay kéo ghì phanh để hãm đoàn tàu dừng lại. Tuy nhiên… vụ tai nạn xảy ra là điều không tránh khỏi”, anh Thức nhớ lại.
 
Hành động dũng cảm của anh Thức không thể tránh được vụ tai nạn đường sắt nhưng đã cứu sống được hàng nghìn khách trên tàu và cả tài xế lái xe tải.
 
Đã gần 2 năm trôi qua, hậu quả của vụ tai nạn không chỉ khiến anh mất đi cánh tay trái mà còn buộc anh phải rời xa nghề lái tàu – cái mà anh đã “vào sinh ra tử” để làm trọn bổn phận của người cầm lái.
 
“Cũng muốn được cống hiến tiếp cho cái nghiệp mà mình đã dành cả đời người để theo đuổi, nhưng cứ hôm nào trái gió trở trời tay chân lại nhức nhói, đầu lại đau như búa bổ nên buộc tôi phải về nghỉ hẳn”, anh Thức thành thật.

Vũ Điệp