- Liên quan đến vụ một người dân chết bất thường tại trụ sở công an xã , nguồn tin từ Công an huyện Đông Anh - Hà Nội chiều ngày 4/9 cho biết, vừa ra quyết định khởi tố bị can về tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người đối với 4 cán bộ đều là Công an xã Kim Nỗ.

4 bị can bị khởi tố trong vụ việc trên gồm Hoàng Ngọc Tuyên (32 tuổi) - Phó trưởng công an xã Kim Nỗ; Nguyễn Trọng Kiên (21 tuổi), Đoàn Văn Tuyến (29 tuổi) và Hoàng Ngọc Thức (23 tuổi).

Theo Trung tá Trần Hải Quân - Trưởng công an huyện Đông Anh, Hà Nội, cơ quan công an huyện đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 4 cán bộ Công an xã Kim Nỗ theo Điều 104 Bộ Luật Hình sự.

Trước đó, ngày 31/8, Công an huyện Đông Anh cũng đã có quyết định khởi tố vụ án cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người, bắt tạm giam 4 đối tượng này để điều tra, làm rõ.

Đại diện phía gia đình nạn nhân ông Nguyễn Mậu Thuận cho hay, sẽ có đơn đề nghị Cơ quan điều tra Công an huyện Đông Anh tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những cán bộ khác liên quan đến vụ việc này, mà trước hết là Trưởng Công an xã Kim Nỗ Nguyễn Đức Vọng (người chỉ đạo việc mời ông Thuận lên trụ sở và lấy lời khai - PV).

Đến thời điểm này, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và mở rộng.

Trước đó VietNamNet đã đưa tin, vụ việc xảy ra vào chiều ngày 30/8, sau khi Công an xã Kim Nỗ (H.Đông Anh, TP.Hà Nội) có lệnh triệu tập một người dân trong xã đến trụ sở lấy lời khai. Khoảng vài giờ sau, người này đã phải nhập viện trong tình trạng tim ngừng đập, có nhiều vết thâm tím trên cơ thể và đã tử vong.

Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Mậu Thuận (55 tuổi), trú tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Anh Tuấn

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
 a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
 b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
 c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
 d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
 đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
 e) Có tổ chức;
 g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
 h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
 i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
 k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.