- Trong khi động đất có xu hướng ngày càng mạnh, người dân trắng đêm không dám chợp mắt thì các bên liên quan vẫn khẳng định rung chấn không ảnh hưởng đến an toàn của thủy điện Sông Tranh 2. 

Động đất do thủy điện tích nước?

Như VietNamNet đã đưa tin, từ 19-23h30 tối 3/9, tại khu vực huyện Bắc Trà My, gần thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) xảy ra liên tiếp 5 vụ rung chấn kèm theo những tiếng nổ lớn khiến người dân vô cùng hoang mang, lo sợ.

Trong đó trận có dư chấn mạnh nhất xảy ra vào lúc 20h47, kéo dài khoảng 9 giây, có cường độ 4,2 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 7,3 km. Các trận động đất còn lại đều có cường độ nhỏ hơn 2 độ Richter.

Tuy nhiên do nhà cửa của nhiều hộ dân quanh khu vực đã bị xuống cấp nên tường một số căn nhà bị nứt toác, nhiều gia đình phải cầm đuốc chạy ra đường không dám ngủ.

Ngay trong đêm 3/9, tin đồn sắp có sóng thần cũng xuất hiện tại tỉnh lân cận Quảng Ngãi khiến nhiều người dân các xã Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh), Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa) và Đức Lợi (huyện Mộ Đức) thu gom đồ đạc, tài sản trắng đêm chạy lên núi và TP.Quảng Ngãi để lánh nạn.
 
Hàng nghìn người dân tại khu vực Bắc Trà My nơm nớp lo sợ về độ an toàn của thủy điện Sông Tranh 2 sau khi khu vực này xuất hiện liên tiếp nhiều trận động đất với cường độ ngày càng mạnh. Ảnh: Vũ Trung

Điều chú ý, trước khi động đất xảy ra, các trạm quan trắc được lắp đặt tại khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2 không ghi nhận và cảnh báo sớm được rung chấn. Theo một số nguồn tin, hiện các máy này chỉ đo được rung chấn chứ không đọc được kết quả...

Nhận định về nguyên nhân bước đầu của một loạt rung chấn nói trên, trên Dân trí, PGS, TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc TT Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho rằng có hai hướng giải thích.

Thứ nhất, chuỗi các trận động đất vừa diễn ra bởi tự nhiên, tức là do kiến tạo địa chất, không liên quan đến yếu tố kỹ thuật ở thủy điện Sông Tranh.

Hướng thứ hai được nhiều nhà khoa học đồng tình cho rằng, đây là chuỗi động đất do kích thích, kết quả của quá trình tích nước tại hồ thủy điện Sông Tranh 2. Nếu hướng lý giải này đúng thì trong thời gian tới sẽ có nguy cơ ở khu vực này sẽ còn tiếp tục xảy ra động đất với cường độ tăng thêm.

Đồng quan điểm, trên Tuổi trẻ, TS Lê Huy Minh, Giám đốc TT Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần nói thêm: Chấn tâm động đất vừa qua không chỉ nằm trong khu vực hồ chứa mà có trận xảy ra ngay trong hồ chứa, có trận sau hồ chứa.

Như vậy có khả năng thứ nhất là nước ở hồ thủy điện thấm theo đứt gãy làm cho hoạt động của đứt gãy phức tạp hơn. Thứ hai, có thể liên quan đến hoạt động kiến tạo ở khu vực này.

Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My Lê Văn Tuấn khi trả lời trên VnExpress cũng nhận định: Từ khi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đã có hàng chục cơn dư chấn xảy ra trên địa bàn huyện. Trong đó những đợt dư chấn liên tiếp vào tối 3/9 là mạnh nhất từ trước tới nay.

Cũng trên báo này, GS Cao Đình Triều, Viện vật lý Địa cầu cho biết, sau hơn một năm theo dõi, nghiên cứu, các trạm quan trắc, máy đo gia tốc đã ghi nhận tổng cộng 52 trận động đất lớn nhỏ xảy ra ở công trình thủy điện Sông Tranh 2. Trong đó có hai trận động đất cường độ mạnh 3,4 độ richter (ngày 27/11/2011) và 4,2 độ richter (ngày 3/9/2012).

Đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn?

Sáng 4/9, tại cuộc họp với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cùng các cơ quan chức năng, đại diện BQL dự án Thủy điện 3 khẳng định rung chấn những ngày qua không ảnh hưởng đến an toàn của thủy điện Sông Tranh 2.

Đại diện Tư vấn điện 1 cũng kết luận sau khi xử lý thấm, đập thủy điện Sông Tranh 2 hiện đã đảm bảo an toàn. Do được thiết kế cường độ kháng nén lớn hơn yêu cầu thực tế nên đập có thể chịu được động đất đến 5,5 độ Richter.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khẳng định việc chống thấm tại thủy điện Sông Tranh 2 đã hoàn thành, mức độ nước thấm qua đập giảm 80-90%, lượng nước thấm đo được là 3 m3/giây nằm trong giới hạn cho phép. Theo đó trong thời gian tới, đập Thủy điện sẽ tiến hành tích nước trở lại (nước trong lòng hồ vẫn ở dưới mực nước chết).

Tuy nhiên khi trao đổi với Thanh niên, GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN cho rằng: Quảng Nam đã bắt đầu mùa mưa lại kèm theo những trận động đất lớn quanh thân đập Sông Tranh 2 nên cần đề phòng. Bởi vai phải thân đập (nhìn từ thượng lưu) đã bị “há”.

Trong khi đó, việc khắc phục chỉ mới dừng lại ở việc dán ở 10 khe nhiệt mặt thượng lưu, còn toàn đập thì chưa. Do đó khi có lũ lớn kèm theo động đất sẽ rất nguy hiểm.

Trước đó tại đập Sông Tranh đã diễn ra tình trạng các vết rò rỉ nước ở thân đập. Nếu lũ về quá nhanh và mạnh (trong ngày lên 3-4 mét) thì nguy cơ vỡ đập là rất cao, ngay lập tức phía hạ lưu phải sơ tán dân.

Trên VnExpress, GS Cao Đình Triều, Viện vật lý Địa cầu nói thêm, khu vực này có thể xảy ra động đất mạnh nhất đạt xấp xỉ 5,5 đến 6,1 độ Richter. Nếu trận động đất mạnh xảy ra trong lòng hồ thì nguy cơ tạo nên cột sóng lớn tác động trực tiếp vào thân đập rất nguy hiểm. Động đất kích thích diễn ra thường xuyên có thể gây biến đổi môi trường của đới đứt gãy đã có trước, làm tăng nguy cơ hoạt động của các tai biến địa chất khác như trượt lở đất, nứt sụt đất, lũ quét.

Liên quan đến mức độ an toàn của thủy điện Sông Tranh 2, trên báo Nông nghiệp VN, ông Đặng Phong – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết hiện huyện vẫn chưa thể nắm rõ mức độ an toàn đến đâu, dù đã nhận được thông báo.

“Họp báo ở Hà Nội rồi nói an toàn, trong khi ở đây vẫn động đất, mưa lũ đang cận kề, làm sao dân an tâm cho được. Cần tổ chức họp báo ngay tại Bắc Trà My, với sự có mặt của các bộ ban ngành, BQL dự án, các nhà khoa học trực tiếp nói với người dân về độ an toàn của đập, các thông số về khắc phục đập Sông Tranh 2” - ông Phong kiến nghị.

M.Anh (tổng hợp)