Liên quan đến vụ Hoàng Khương – Phóng viên báo Tuổi trẻ bị cáo buộc về hành vi “đưa hối lộ”, theo dự kiến TAND TP.HCM sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án vào ngày mai (6/9). 

Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa phiên tòa.

Cùng hầu tòa với nhà báo Khương còn có 5 bị can khác gồm: Huỳnh Minh Đức (nguyên cán bộ thuộc Đội Cảnh sát giao thông quận Bình Thạnh) bị truy tố về tội “nhận hối lộ”; Nguyễn Đức Đông Anh, Trần Minh Hòa, Trần Anh Tuấn tội “đưa hối lộ” và Tôn Thất Hòa về tội “môi giới hối lộ”. 

Ông Hoàng Khương trong ngày bị bắt giữ.

Theo cáo trạng, khoảng 23 giờ 15 phút ngày 23/6/2011, tại giao lộ Phan Đăng Lưu – Đinh Tiên Hoàng xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô tải đầu kéo rơ – moóc của Trần Anh Tuấn và xe ô tô du lịch do ông Lê Anh Đức điều khiển. Nhận được tin báo, Huỳnh Minh Đức và Liễu Hồng Lộc - cán bộ Đội CSGT quận Bình Thạnh được phân công giải quyết vụ tai nạn. Đến hiện trường, Huỳnh Minh Đức thực hiện việc đo vẽ hiện trường, cán bộ Liễu Hồng Lộc lập biên bản sau đó hai xe được đưa về Kho 710 Tân Cảng tạm giữ, chờ điều tra xử lý.

Để “giải cứu” xe nhanh, thông qua một người bạn, Trần Anh Tuấn điện thoại nhờ Tôn Thất Hòa giúp đỡ vì nghĩ rằng người này quen biết nhiều cán bộ CSGT. Chiều cùng ngày, khi hai bên được mời đến kho làm việc thì Tôn Thất Hòa cùng Nguyễn Văn Khương cũng đến nhưng sau đó bị can Khương đứng đợi ở ngoài. Sau đó, Hòa hẹn gặp Huỳnh Minh Đức tại quán cà phê Vòng Xoay (quận Bình Thạnh) nhờ giải quyết. Tại đây, thông qua Tôn Thất Hòa, Đức đã nhận 3 triệu đồng tiền hối lộ của Tuấn.

Trước đó, trong một lần Công an quận Bình Thạnh truy quét, đã bắt giữ xe gắn máy BKS 51F6-2435 do Trần Minh Hòa điều khiển đua xe trái phép. Hòa đã nhờ Nguyễn Đức Đông Anh – em vợ nhà báo Hoàng Khương (tức Nguyễn Văn Khương) lấy xe ra mà khỏi phải làm kiểm điểm trước tổ dân phố. Hoàng Khương đồng ý. Sau đó, Hòa đã hai lần đưa tổng cộng 15 triệu đồng cho Đông Anh để Đông Anh chuyển lại cho Hoàng Khương làm chi phí lấy xe ra. Hoàng Khương đã đưa số tiền trên nhờ Tôn Thất Hòa giải quyết.

Sau khi Tôn Thất Hòa đưa tiền, Đức đã “giải cứu” xe đua trên giao cho Khương. Khương cho người đem xe về giao lại cho Nguyễn Đức Đông Anh cất giữ. Tuy nhiên, do Đức đưa xe mà không trả giấy chứng nhận đăng ký xe máy cho Trần Minh Hòa nên Hòa nhiều lần gọi điện thoại để đòi. Do Huỳnh Minh Đức tỏ ra “lơ là” nên Hoàng Khương bảo Hòa nói với Đức rằng người lấy xe ra chính là phóng viên Hoàng Khương của Báo Tuổi Trẻ. Nếu Đức không trả giấy đăng ký xe thì phóng viên Hoàng Khương sẽ viết bài đăng báo vụ Đức nhận 15 triệu đồng.

Do Huỳnh Minh Đức không thể lấy giấy đăng ký xe nên sau đó Hoàng Khương viết bài “Giải cứu xe đua trái phép” và được Báo Tuổi trẻ đăng ngày 10/7/2011 dẫn đến vụ việc bại lộ.

Bản cáo trạng kết luận, Hoàng Khương nhận lời lấy chiếc xe bị tạm giữ cho Trần Minh Hòa mà không phải làm bản kiểm điểm trước tổ dân phố nơi cư trú theo quy định là xuất phát từ quan hệ gia đình và lợi ích cá nhân. Nguyễn Văn Khương biết rất rõ em vợ mình là Đông Anh cùng bạn thân là Minh Hòa tham gia đua xe trái phép nhưng không tìm cách ngăn cản mà còn giúp “giải cứu” xe đua là vi phạm đạo đức của một nhà báo.

Từ đó, cáo trạng kết luận Nguyễn Văn Khương – tức nhà báo Hoàng Khương đã phạm tội “đưa hối lộ” theo điểm d, khoản 2, Điều 289 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 6 đến 13 năm tù.

M.Phượng

Báo Tuổi Trẻ TP.HCM nói gì trước phiên xử Hoàng Khương?:

 

Ông Lê Xuân Trung – Tổng thư ký tòa soạn, cũng là người đại diện của báo Tuổi Trẻ TP.HCM cho rằng: “Đến thời điểm hiện nay, mặc dù Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã thông qua luật sư để đề nghị cơ quan tố tụng được tham dự phiên tòa xét xử nhà báo Hoàng Khương với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng báo Tuổi Trẻ vẫn chưa nhận được giấy mời tham dự. Nếu có mặt tại tòa, đại diện báo Tuổi Trẻ sẽ giải thích rõ ràng hơn về quy trình xử lý tin bài liên quan đến các bài viết của Hoàng Khương; cũng như nói rõ đây là bài viết nằm trong tuyến bài do Ban biên tập báo Tuổi Trẻ triển khai để thấy rằng báo Tuổi Trẻ cũng có trách nhiệm trong việc này, chứ không phải là do phóng viên Hoàng Khương tự tác nghiệp.

 

Đến nay, báo Tuổi Trẻ TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm là hành vi của Hoàng Khương là tai nạn nghề nghiệp, chỉ đáng xử lý về mặt hành chính, chứ không đáng xử lý hình sự... So sánh với vụ án ở Thanh Hóa cũng liên quan đến những bài báo của phóng viên Hoàng Khương, cơ quan CSĐT Bộ công an đã có kết luận điều tra, xử lý hình sự những CSGT tiêu cực chứ không xử lý tài xế đưa hối lộ. Hoàng Khương cũng nhập vai cùng tài xế phanh phui tiêu cực. Trong vụ này, Hoàng Khương được coi là người có công, trong khi đó vụ tại TP.HCM thì lại bị quy là có tội. Cùng áp dụng luật nhưng 2 nơi lại xử lý khác nhau, điều đó nên được hiểu như thế nào? Lẽ ra những bài báo của phóng viên Hoàng Khương đăng trên báo Tuổi Trẻ TP.HCM phải được xem là tố giác tội phạm, phải được xem là hành vi tích cực, chứ không phải là có tội !

Đàm Đệ (ghi)