- Đúng theo dự kiến, 8 giờ sáng nay, TAND TP.HCM đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” liên quan đến nhà báo Hoàng Khương.

   
Báo Tuổi Trẻ “không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”
 
Ngoài các bị cáo bị dẫn giải đến tòa, 3 nhân chứng của vụ án đã được Hội đồng xét xử triệu tập đến tòa tham gia tố tụng. Tham gia bào chữa cho các bị cáo có ba luật sư, trong đó, luật sư Phan Trung Hoài – Đoàn luật sư TP.HCM bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Khương.
 
Phần thủ tục khai mạc phiên tòa diễn ra trong khoảng thời gian khá dài xung quanh việc bày tỏ quan điểm giữa luật sư Hoài và vị đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa 

Theo đó, luật sư Phan Trung Hoài cho biết, trước đó, báo Tuổi trẻ - cơ quan chủ quản của nhà báo Hoàng Khương - đã có công văn gửi tới TAND TP.HCM đề nghị được mời tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án để làm rõ quá trình hoạt động của nhà báo Hoàng Khương có phải là tác nghiệp hay không.

Ngoài ra, luật sư Hoài cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về tư cách của bị cáo Hoàng Khương tại tòa vì cho đến thời điểm này Hoàng Khương vẫn chưa bị thu hồi thẻ nhà báo nghĩa là vẫn còn tư cách một nhà báo.
 
Đáp lại ý kiến của luật sư, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng Ban biên tập Báo Tuổi trẻ không có tư cách tham gia tố tụng nhưng luật sư có thể thay mặt báo này trình bày ý kiến.

Về việc Hoàng Khương chưa bị thu hồi thẻ, Viện kiểm sát xét thấy các cơ quan tố tụng truy tố bị cáo Khương với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách nhà báo nên điều đó không ảnh hưởng đến quá trình tố tụng.

Ngoài ra, dù chưa thu hồi thẻ nhưng cơ quan chủ quản đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động nghĩa là đã đình chỉ tư cách nhà báo đối với người này.
 
Sau khi Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để hội ý, quan điểm của Viện kiểm sát đã được chấp nhận. Tòa cho biết theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, không có quy định nào buộc phải thu hồi thẻ nhà báo trước khi xét xử. Do đó, phiên tòa tiếp tục diễn ra như dự kiến.
 
Các bị cáo nhận tội
 
Trong phần thẩm vấn sáng nay, HĐXX tập trung thẩm vấn 5 trong số 6 bị cáo, riêng bị cáo Khương chưa được mời lên thẩm vấn.

Mở đầu phần thẩm vấn, thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy – chủ tọa phiên tòa tập trung làm rõ vụ đưa và nhận hối lộ liên quan đến việc “giải phóng” xe đầu kéo của Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty TNHH TMDVT Tân Hải Phong.

Nhà báo Hoàng Khương tại tòa

Theo cáo trạng, đêm 23/6/2011, xe đầu kéo mang biển số 57L – 5208 của Trần Anh Tuấn bị Công an quận Bình Thạnh tạm giữ vì xảy ra tai nạn do va quệt với một xe du lịch.

Để “giải cứu” xe ra nhanh chóng, Tuấn đã liên hệ với Tôn Thất Hòa – Giám đốc DNTN Duy Nguyên nhờ giúp đỡ. Sau đó, Hòa cùng Tuấn đã hẹn gặp Huỳnh Minh Đức – CSGT quận Bình Thạnh, người trực tiếp giải quyết vụ án để được “giúp đỡ”.

Tại quán cà phê Vòng Xoay (quận Bình Thạnh), thông qua Hòa, Tuấn đã hối lộ cho Huỳnh Minh Đức khoản tiền 3 triệu đồng.
 
Tại tòa, bị cáo Trần Anh Tuấn khai rằng: “Do lần đầu công ty bị giữ xe, tôi rất bối rối nên mới tìm người nhờ giúp. Sau khi công an mời hai bên lên làm việc và cho phép tự thỏa thuận bồi thường thì tôi thấy vụ việc rất đơn giản, tôi đã gọi điện cho Hòa nói thôi khỏi phải lo nữa nhưng Hòa vẫn chủ động liên lạc với tôi. Khi thấy xe du lịch của bên kia được cho ra còn xe của tôi bị giữ lại không biết đến khi nào nên tôi mới đồng ý để Tôn Thất Hòa chi tiền cho Đức lấy ra càng sớm càng tốt”.
 
Về sự xuất hiện của Hoàng Khương trong vụ việc trên, các bị cáo xác nhận lúc giải cứu xe đầu kéo Hoàng Khương không có mặt, chỉ đến khi Tuấn mời Đức, Hòa đi nhậu “cảm ơn” thì Hoàng Khương mới đến cùng Hòa và giới thiệu tên là Hùng. Về vụ việc trên, các bị cáo Trần Anh Tuấn, Tôn Thất Hòa, Huỳnh Minh Đức đều thừa nhận nội dung trên.
 
Liên quan đến việc nhà báo Hoàng Khương “giải cứu” xe đua giúp bị cáo Trần Minh Hòa – bạn của Nguyễn Đức Đông Anh, tức em vợ nhà báo Hoàng Khương, tại tòa bị cáo Hòa thừa nhận nội dung cáo trạng.
 
Là đối tượng từng tham gia nhiều vụ đua xe trái phép và mới bị TAND TP.HCM xét xử về tội cướp giật tài sản cách đây ít ngày, Hòa thừa nhận: cuối năm 2009 có tham gia tụ tập cùng nhóm đua xe nên bị Công an quận Gò Vấp giữ xe.

Vì là bạn thân của Nguyễn Đức Đông Anh nên Hòa đã điện thoại cho Đông Anh, nhờ Đông Anh nói với anh rể là nhà báo Hoàng Khương giúp đỡ. Sau đó, chính bị cáo Khương đã điện thoại cho Công an xác nhận vào đơn cho Trần Minh Hòa để Hòa lấy xe ra.
 
Tương tự như lần trước, ngày 23/4/2011, Hòa sử dụng xe Suzuki Sport để đua xe và bị Công an quận Bình Thạnh bắt giữ. Hòa tiếp tục nhờ Nguyễn Đức Đông Anh để Đông Anh nhờ nhà báo Hoàng Khương “giải cứu’ xe đua mà không cần phải làm bản kiểm điểm trước tổ dân phố theo quy định.

Lúc đầu, Hòa nghe Đông Anh nói lại muốn lấy được xe phải chi 21 triệu nhưng vì Hòa không có tiền nên sau đó được giảm còn 15 triệu.
 
Sau khi đưa cho Huỳnh Minh Đức 15 triệu đồng và lấy được xe ra, Hoàng Khương nhờ người giao lại cho Trần Minh Hòa. Vì Đức không trả đăng ký xe nên Tôn Thất Hòa đã nhiều lần gọi điện, thậm chí dọa dẫm nếu Đức không trả giấy đăng ký thì nhà báo Hoàng Khương sẽ viết bài về vụ Đức nhận hối lộ 15 triệu đồng.

Khi nghe thông tin trên, Đức có hứa sẽ trả nhưng không thực hiện nên Hoàng Khương đã viết bài “Giải cứu xe đua trái phép” và được Tuổi trẻ đăng ngày 10/7/2011.

Trước đó, nhà báo Hoàng Khương đã viết bài “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ”viết về vụ Huỳnh Minh Đức nhận 3 triệu đồng để “giải thoát’ cho xe đầu kéo sai quy định.
 
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Tôn Thất Hòa, Nguyễn Đức Đông Anh thừa nhận hầu hết các nội dung trên. Tuy nhiên, có lúc bị cáo Đông Anh khai rằng “do anh Khương tác nghiệp nên anh Khương nói làm gì bị cáo làm theo thôi chứ không biết gì cả”.
 
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

Mai Phượng