“Chúng tôi không chấp nhận kết luận của Sở Y tế TP.HCM về nguyên nhân gây nên cái chết của bệnh nhân Mai Trung Kiên”.

Tổng giám đốc của Bệnh viện FV, bác sĩ Jean – Marcel Guillon đã khẳng định như trên trong buổi làm việc với phóng viên Báo VietNamNet chiều ngày 7/9.

Bệnh viện FV, nơi gần đây liên tục xảy ra các vụ khiếu nại liên quan tới chất lượng khám chữa bệnh.

“Chảy máu ổ bụng nhưng chết vì đau tim?”

Theo ông Jean, phía Bệnh viện FV có đầy đủ bằng chứng và số liệu chứng minh bệnh nhân Mai Trung Kiên không phải tử vong do chảy máu trong ổ bụng.

“Một sự thật hiển nhiên vậy mà Sở Y tế phải mất 10 ngày mới có kết luận, tại sao?”, ông Jean đặt nghi vấn.

Ông Jean chắc chắn nguyên nhân cái chết của bệnh nhân Mai Trung Kiên do nhồi máu cơ tim, khác hẳn với kết luận của Sở Y tế TP.HCM.

“Ông Kiên tử vong vào đêm thứ 7, hôm sau là chủ nhật, bệnh viện chưa kịp giải thích với gia đình bệnh nhân thì sáng thứ 2 đã thấy thông tin trên khắp các mặt báo.”, ông Jean nói.

Theo lời vị Tổng giám đốc Bệnh viện FV, bệnh nhân Mai Trung Kiên nhập viện vì đau bụng, được kết luận bị viêm ruột thừa.

Sau khi phẫu thuật tình trạng ông Kiên rất tốt, thậm chí bác sĩ điều trị là Đức Tuấn còn cho rằng bệnh nhân có thể xuất viện sớm hơn dự tính.

Bất ngờ, ông Kiên bị đau ngực, vùng đau lan toả rộng. Điều dưỡng đã gọi điện thoại cho bác sĩ và ông Kiên bị nghi ngờ lên cơn nhồi máu cơ tim.

“Các chỉ số tim của bệnh nhân đo được rất cao và bất thường. Bệnh nhân từng mổ cầu tim 4 lần ở Thái Lan. 2 năm nay ông Kiên không uống thuốc chống đông máu mà lẽ ra người bị bệnh như ông ta phải uống. Từ những căn cứ trên, chúng tôi cho rằng bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, lập tức cho uống thuốc chống đông máu để động mạch ở tim không bị tắc.”, ông Jean – Marcel Guillon nói.

Cũng chính vì uống thuốc chống đông máu, máu bệnh nhân bị loãng và làm chảy máu vết mổ chứ không phải vết mổ tự biến chứng gây chảy máu.

Bệnh nhân vẫn kêu đau ngực và có trướng bụng. Tuy nhiên, khi Bệnh viện FV hội chẩn với Bệnh viện Tim Tâm Đức qua điện thoại đã quyết định chuyển ông Kiên qua Bệnh viện Tim Tâm Đức để xử trí về tim mạch.

Tại Bệnh viện Tim Tâm Đức, các chỉ số tim cuả bệnh nhân cũng rất bất thường. Theo nguyên tắc, Bệnh viện Tim Tâm Đức tiến hành siêu âm tổng quát và phát hiện trong bụng ông Kiên chảy máu.

Bác sĩ Jean cho rằng nếu có trách phía Bệnh viện FV thì lý do chỉ là quá vội xử trí vấn đề tim mạch cho bệnh nhân mà không phát hiện bệnh nhân bị chảy máu trong bụng trước khi chuyển qua Bệnh viện Tim Tâm Đức.

Ông Jean cho biết chỉ số máu của bệnh nhân trước khi tiến hành phẫu thuật là 10,3 gram, lúc phát hiện chảy máu trong là 8,1 gram. Tức là ông Mai Trung Kiên chỉ mất khoảng 2 gram máu thì không thể tử vong vì mất máu được.

Bên cạnh đó, máu ở vết thương của bệnh nhân không chảy ồ ạt mà rỉ rả suốt 3 ngày, không có triệu chứng lâm sàng.

Trong khi các bác sĩ của Bệnh viện FV đang chuẩn bị mổ cầm máu vết thương thì tim bệnh nhân đã ngừng đập do một cơn nhồi máu cơ tim nữa.

Không để bệnh nhân lại Tâm Đức vì thiếu trang thiết bị?


Chị Mai Thị Thu Trang, con gái bệnh nhân thắc mắc tại sao không để Bệnh viện Tim Tâm Đức mổ cấp cứu cho ông Kiên mà lại nhất thiết chuyển về FV? Từ đó, gia đình ông Kiên nghĩ chính sự chuyển viện đó làm chậm trễ việc cấp cứu cho bệnh nhân. Phải chăng Bệnh viện FV về thể diện đã để bệnh nhân chết oan?

Giải đáp câu hỏi này, ông Jean trả lời rằng phải đưa bệnh nhân trở lại FV do 3 vấn đề.

Thứ nhất, ông Kiên đang bị loãng máu, không thể phẫu thuật mở mà phải dùng phương pháp nội soi. phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Tim Tâm Đức chỉ có các máy móc, thiết bị dùng cho phẫu thuật tim, còn ở phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện FV trang thiết bị đáp ứng được cho đa khoa.

“Chúng tôi từng nghĩ tới chuyện mang máy nội soi sang Bệnh viện Tim Tâm Đức để mổ cho ông Kiên nhưng theo tính toán, lắp đặt xong máy cũng mất khoảng 2 h đồng hồ. Trong khi đó, chuyển bệnh nhân về chỉ hết chưa tới 20 phút.”, ông Jean chia sẻ.

Có thông tin rằng bệnh nhân Kiên tử vong, Bệnh viện FV sẽ nhận được số tiền từ bảo hiểm là 2 triệu USD. Nếu đúng thế bệnh viện sẽ bồi thường gia đình ông Kiên thế nào?

Giải thích vấn đề này, ông Jean cho biết:  đúng là bệnh viện có mua bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ của mình, số tiền bảo hiểm chi trả bao nhiêu còn tuỳ từng trường hợp nhưng chuyện 2 triệu USD là không đúng.

Về việc bồi thường cho gia đình bệnh nhân Mai Trung Kiên, ông Jean khẳng định: “Bệnh viện chia sẻ với gia đình bệnh nhân nhưng không bồi thường. Chúng tôi đã đề nghị chia sẻ mất mát của gia đình bằng số tiền 70 ngàn USD nhưng gia đình không chấp thuận. Như vậy việc này để pháp luật giải quyết và khi có kết quả cứ theo thế mà làm.

Ông Jean còn nói thêm: “ Thứ 4 tuần tới chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp báo để công bố bằng chứng Sở Y tế đã kết luận sai và mời luôn đại diện của công ty bảo hiểm đến cho báo chí làm rõ vấn đề.”

Trước đó, ngày 6/6, trong lá thư gửi cho VietNamNet, chị Mai Thị Thu Trang có nêu rằng dù bệnh viện có đền tiền thì gia đình bệnh nhân vẫn đưa vụ việc ra pháp luật và ngược lại, truy tố xong thì vẫn phải bồi thường. Số tiền bồi thường 2 triệu USD là do luật sư dựa trên nhiều cơ sở để tính toán. Bên cạnh đó, qua luật sư, gia đình chị Trang còn biết Bệnh viện FV có mua bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ. Số tiền bảo hiểm chi trả sau cái chết của ông Kiên có thể lên tới 2 triệu USD.

  •  Thanh Huyền