- Dù mới chỉ là đề xuất, song 'sáng kiến' nhập xe túc túc (xe 3 bánh) để dần hạn chế xe máy của Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội ngay khi đưa ra đã nhận được vô vàn ý kiến phản đối từ phía dư luận.


Thảm họa và... luẩn quẩn
 
Ngày 9/9, Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội đưa ra ý tưởng nhập xe túc túc về Việt Nam với lý giải loại xe này có nhiều ưu việt như chở được nhiều người, chiếm ít diện tích và dễ sửa chữa, góp phần giảm ùn tắc... Ngay lập tức đề xuất này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân.

Độc giả Lý Minh Hoàng thẳng thắn nhận định: "Ý tưởng này không ổn. Đường Hà Nội đặc trưng nhỏ hẹp, mật độ giao thông vốn đã ken đặc vào giờ cao điểm, lượng xe taxi, ôtô cá nhân... ngày càng tăng, nay lại thêm anh túc túc thì người dân sẽ không còn chỗ để nhích".
 
Hầu hết ý kiến đều nhận định xe túc túc thực chất không khác gì xe lam

Đồng quan điểm, độc giả Ngô Tuấn cho rằng việc đề xuất nhập và vận hành xe túc túc tại Hà Nội là quá lạc hậu, không phù hợp với thời hiện đại.

"Xe túc túc có khác gì xe ba gác, xe công nông... một số nước còn sử dụng, tuy nhiên họ rất muốn bỏ đi mà chưa bỏ được thì mình lại nhập về".

Điểm mâu thuẫn mà nhiều độc giả khác chỉ ra là về bản chất xe túc túc không khác gì chiếc xe lam 3 bánh từng chạy khắp các tuyến phố, ngõ ngách tại thủ đô nhiều năm trước nhưng sau thấy loại xe này không an toàn nên chính quyền đã dẹp bỏ.

Nay chúng ta đang bỏ cả công nông ở nông thôn vậy mà lại cho sử dụng xe túc túc (thực chất cũng giống xe lam) thì hóa ra thành cái vòng luẩn quẩn, cấm rồi lại nhập.

Chỉ ra thêm nhiều điểm bất cập, độc giả Nguyễn Thanh phân tích: "Xe túc túc không nhỏ hơn xe 7 chỗ, nhưng chỉ có vài chỗ ngồi. Vậy nói mục tiêu để giảm tắc đường nhưng lại nhập túc túc... thì bằng hòa, thậm chí sẽ trở thành thảm họa cho giao thông Việt Nam".

Việc Hiệp hội Vận tải HN viện dẫn nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore... đang sử dụng loại phương tiện này rất hiệu quả cũng không nhận được sự đồng tình từ phía độc giả.

Thậm chí độc giả ở địa chỉ email hoanganh19...@... còn khẳng định từng sống ở Singapore nhưng chưa bao giờ thấy loại xe này, thậm chí ở đó xe ô tô cũng chỉ được phép dùng trong 10 năm.

"Không thể nói học tập nước này nước kia dễ dàng như thế được vì hạ tầng mỗi nước không giống nhau. Thái Lan được biết đến là cường quốc du lịch, họ sử dụng xe túc túc vào mục đích này là chính. Trong khi đó tại Việt Nam, các đường liên xã, liên huyện còn gập ghềnh, nhiều chướng ngại vật thì việc sử dụng xe túc túc là thực sự thiếu an toàn", độc giả Quốc Bình nêu quan điểm.

Độc giả Thành Hưng cho biết hiện đang là một du học sinh tại Thái Lan và Chính phủ Thái Lan cũng đang rất đau đầu để làm sao giảm số lượng túc túc trong khi Việt Nam lại muốn nhập về (?). Độc giả này cho biết thêm xe này rất ồn, không an toàn và gây ô nhiễm môi trường rất nặng.

Khi xét đến tính khả thi của đề án, độc giả Nguyễn Văn Long đặt câu hỏi: "Chưa nghiên cứu mà đã đề xuất rồi biện hộ theo kiểu... thử áp dụng. Vậy sau khi rút ngân sách nhập về, chạy một thời gian không hiệu quả, thì khi đó ai đứng ra nhận trách nhiệm và thanh lý kiểu gì?".

Sao phải nhập khẩu?

Tiếp tục mổ xẻ đề xuất của Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội, nhiều ý kiến đặt câu hỏi, trong trường hợp Bộ GTVT và lãnh đạo thành phố đồng ý cho phép vận hành xe túc túc tại thủ đô thì tại sao lại phải nhập và tại sao phải chỉ định nhà cung cấp độc quyền tại Việt Nam trong khi trong nước dư sức sản xuất loại xe này?

"Nói nhập khẩu siêu xe thì còn hợp lý, chứ nhập khẩu cái xe gần giống xe ba gác này thì quả... phi lý. Sao không để các doanh nghiệp trong nước sản xuất, vừa tiết kiệm lại vừa tạo công ăn việc làm cho dân!"
, độc giả Trần Thị Thùy Linh thắc mắc.

Xe túc túc nhãn hiệu Trung Quốc chờ khách ở Vân Hải - (Ảnh: Dân Việt)

Một số ý kiến khác đề xuất, để cứu ngành cơ khí trong nước, Sở GTVT Hà Nội nên có kế hoạch cho đấu thầu sản xuất xe túc túc. Với loại xe này, các doanh nghiệp như Vinaxuki, Honda... dư sức làm được.

Độc giả Phạm Văn Bình cũng không khỏi ngạc nhiên: "Chuyện như đùa! Phải cử phái đoàn đi nghiên cứu Trung Quốc để mua sắm cái xe đơn giản này thì thật không hiểu nổi? Chẳng lẽ Việt Nam - một nước đang chuẩn bị trở thành một nước công nghiệp vào 8 năm nữa lại không sản xuất nổi cái xe mà sự phức tạp không nhỉnh hơn xe công nông?".

Đồng tình, bạn đọc ở địa chỉ email quocthai1965@... nhận định Việt Nam thừa khả năng sản xuất được loại xe đơn giản này.

"Tại sao ta không tự nghiên cứu đầu tư sản xuất mà lại đi nhập khẩu. Như vậy là lãng phí tiền bạc của nhà nước, của dân. Hơn nữa người Việt cũng đang khuyến khích dùng hàng Việt Nam", độc giả này nhấn mạnh.

Lo ngại về chất lượng của các mặt hàng Trung Quốc mà bằng chứng rõ nhất là xe máy, ô tô Trung Quốc tại Việt Nam, độc giả Đức Duy tiếp tục đặt câu hỏi "Ai dám chắc xe 3 bánh Trung Quốc sẽ bền? Tại sao chúng ta không tự sản xuất hoặc cùng lắm chỉ là nhập một số loại linh kiện trong nước không có".

Bàn về việc chỉ định nhà cung cấp độc quyền xe túc túc, bạn đọc Minh Thắng cho rằng ý tưởng này đang đi ngược xu thế. Hiện tại cả thế giới và Việt Nam nói riêng đều đang kêu gọi phá bỏ độc quyền để tạo bình đẳng, tránh tư lợi thì Hiệp hội Vận tải lại đề xuất ngược lại.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan điểm, để hạn chế xe máy, tại sao không đề xuất nhập xe điện, xe sử dụng năng lượng sạch mà lại nhập túc túc?

Tại sao không kêu gọi đi xe đạp, đi bộ, phát triển tàu điện ngầm, nâng cấp đường xá... mà cứ chăm chăm đưa ra các ý tưởng nửa vời... như đồng phục hóa taxi, biển số ngày chẵn, ngày lẻ...
   
Đánh giá tổng thể ý tưởng nhập xe túc túc, bạn đọc Quang Tình cho rằng nếu ý tưởng này có được hiện thực hóa thì đó cũng chỉ là giải pháp tình thế.

"Về lâu về dài cần phải nghĩ đến những biện pháp thực tế hơn như đưa trường đại học, cao đẳng hay các bệnh viện ra ngoại thành, không cho xây chung cư cao hàng chục tầng trong nội đô, mở thêm đường, giáo dục nâng cao ý thức, tăng chất lượng xe bus, xúc tiến nhanh các dự án tàu điện ngầm, tàu điện trên cao... thì mới mong hết tắc đường", bạn đọc này nêu quan điểm.

M.Anh (tổng hợp)

>> Đề xuất chạy xe túc túc để hạn chế xe máy