Từ khi mắc căn “bệnh lạ”, da của anh Văn Viết Điền (SN 1970), đã bị bong tróc từng mảng và trong hơn 1 năm qua, anh bị sụt mất 40 kg.

TIN BÀI KHÁC

Nạn nhân của căn “bệnh lạ” này là anh Văn Viết Điền ở xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Theo nguồn tin của báo Tuổi trẻ, tháng 7/2011, anh Điền bị sưng chân và đi điều trị tại một phòng khám tư nhân.

Tại đây anh Điền được tiêm một mũi thuốc giảm đau, sau đó cho về nhà uống thuốc. Tuy nhiên, chân không những không khỏi mà vết đau ở mắt cá chân ngày càng đau nhức. Đồng thời, da trên khắp cơ thể anh bắt đầu bong tróc như rắn lột da, hai tai nặng khó nghe, mắt mờ...


Anh Văn Viết Điền (Ảnh: Tuổi trẻ)

Mặc dù đã đi chữa trị nhiều nơi và tốn kém nhiều tiền nhưng căn bệnh quái ác của anh Điền vẫn không chịu thuyên giảm. Từ 1 người khỏe mạnh nặng hơn 70 kg, nay anh chỉ còn 30 kg, cơ thể gầy gò, ốm yếu.

Trước đó, một số người dân ở xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cũng mắc phải 1 chứng “bệnh lạ”. Căn bệnh "người da rắn" xuất hiện tại xã Mường Chiềng suốt nhiều năm trời, khiến 3 người tử vong và hiện gần 10 người khác phải đau đớn chịu đựng.

Dấu hiệu của bệnh xuất hiện rất sớm, thường là sau khi sinh từ 2 đến 5 tháng tuổi. Ban đầu, bệnh xuất hiện những vết xước, mụn nước màu hồng trên vùng đầu, mặt, sau đó loét rỉ máu, rồi tự liền. Bệnh tái đi tái lại nhiều lần, mùa hè bệnh nặng hơn. Bệnh thường lan từ đầu xuống má, miệng, mũi, cổ vai, lưng, quanh hốc mắt, gây ngứa ngáy, đau đớn cho người mắc bệnh...

Một cháu bé ở xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình mắc chứng "bệnh lạ" (Ảnh: Dalieu.vn)


Viện Da liễu quốc gia đã cử đoàn cán bộ đến xã để tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh và chữa trị miễn phí cho một số trường hợp. Đoàn cán bộ đưa ra nghi vấn: Đây có thể là bệnh khô da sắc tố bẩm sinh có yếu tố gen di truyền lặn.

Từ khi lọt lòng mẹ, Lê Thị Hằng (25 tuổi) ở xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cũng phải chịu đựng căn bệnh da bị bong tróc rất đau đớn. Khi mùa đông đến, lớp da toàn thân của nạn nhân khô, teo lại nứt nẻ rồi bong ra và rụng từng mảng lớn. Da khô vừa rụng thì lớp da non bên trong nứt nẻ, chảy máu.

Mặc dù đã tìm cách chạy chữa, nhưng căn bệnh của chị không hề thuyên giảm. Được biết, ông Lê Ngọc Niềm (59 tuổi), cha của chị Hằng, vốn là bộ đội phục viên, từng làm công tác huấn luyện trong chiến tranh. Năm 1973, ông nhiễm chất độc da cam trong một khu rừng trụi lá ở Hướng Hóa, Quảng Trị.

P. Lan (Tổng hợp)